Thanh tra CP chỉ tên loạt dự án sai phạm nghiêm trọng giữa Hà Nội

00:00 12/10/2020

Thanh tra Chính phủ mới đây có kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, DNNN tại Hà Nội, giai đoạn 2003-2016. Theo đó, nhiều dự án sai phạm mà trách nhiệm được chỉ rõ TP HN, cơ quan ban ngành.

Lộ nhiều sai phạm ở dự án Green Pearl – 378 Minh Khai

Qua thanh tra trực tiếp 38 dự án có vị trí đắc địa sau khi chuyển đổi, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện hàng loạt sai phạm, thất thoát ngân sách Nhà nước tại Dự án phát triển nhà Phong Phú – Deawon – Thủ Đức (dự án Green Pearl) ở số 378 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Công ty CP Phát triển nhà Phong Phú – Deawon – Thủ Đức làm chủ đầu tư.

Dự án được thực hiện trên 28.756 m2 đất với tổng mức đầu tư 1.073 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ quý 1/2016 đến quý 2/2019.

Dự án Green Pearl ở số 378 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Công ty CP Phát triển nhà Phong Phú – Deawon – Thủ Đức làm chủ đầu tư.

Theo TTCP, nguồn gốc đất trước khi chuyển mục đích do Công ty dệt Phong Phú thuê làm Nhà máy chỉ khâu. Năm 2011, UBND TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích để liên doanh thành lập Công ty CP phát triển nhà Phong Phú – Daewon – Thủ Đức thự hiện dự án. Dự án được Công ty dệt Phong Phú đưa lợi thế giá trị khu đất để đấu thầu lựa chọn liên danh nhà đầu tư hợp tác đã thu về cho Nhà nước 312,9 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã nộp đủ tiền sử dụng đất phải nộp là 549,151 tỷ đồng.

Dự án được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc ngày 18/8/2014, không phù hợp với quy hoạch phân khu H2-4 tỷ lệ 1/2000 được UBND TP Hà Nội phê duyệt, làm giảm diện tích cây xanh dự án từ 7.600 m2 giảm xuống còn 2.573,7 m2; vi phạm nghị định của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

Bên cạnh đó, dự án thuộc nhóm A, công trình cấp I được Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở theo Văn bản số 1179/HĐXD-QLDA ngày 29/9/2015, nhưng UBND quận Hai Bà Trưng đã cấp Giấy phép xây dựng số 151/GPXD-UBND ngày 29/3/2016 cho hạng mục nhà ở thấp tầng không đúng thẩm quyền, vi phạm khoản 2 Điều 103 Luật Xây dựng 2014.

Ngoài ra, TTCP xác định giá tiền sử dụng đất không đúng quy định tại dự án lên tới 54 tỷ đồng. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất dự án đã không loại khoản thu nhập chịu thuế tính trước 5,5% trong suất đầu tư khi xác định chi phí xây dựng, đưa khoản chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số tiền tạm tính khoảng 54 tỷ đồng.

Theo TTCP trách nhiệm với những sai phạm trên thuộc UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng thẩm định giá, UBND quận Hai Bà Trưng.

Chung cư Sakura Tower – 47 Vũ Trọng Phụng sai phạm nghiêm trọng

TTCP cũng chỉ ra loạt sai phạm nghiêm trọng tại chung cư Sakura Tower (47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) do Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư.

Dự án Sakura Tower có tổng diện tích sử dụng đất 2.668 m2, tổng mức đầu tư là 314,4 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án từ quý 4/2009 đến quý 2/2013. Đến nay, dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Dự án chung cư Sakura Tower (47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) do Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư.

Theo kết luận thanh tra của TTCP, Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn khởi công công trình vào quý 4/2009 trước khi được UBND thành phố Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án vào tháng 3/2010. 

Cụ thể, theo TTCP, nguồn gốc đất trước khi chuyển mục đích do Công ty thức ăn chăn nuôi Trung ương thuộc Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam thuê để làm cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tháng 7/2007 Công ty thức ăn chăn nuôi Trung ương thanh lý tài sản trên đất cho Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn; tháng 11/2007, UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn thuê đất làm trụ sở và cơ sở kinh doanh. Đến năm 2010, Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Kết luận của TTCP nêu rõ: “Tại thời điểm khởi công dự án, chủ đầu tư chưa được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng. Đến ngày 18/1/2012, Sở Xây dựng Hà Nội mới cấp Giấy phép xây dựng số 13/GPXD để xây dựng dự án. Điều này vi phạm Khoản 1 Điều 11, Điều 15, Điểm đ Khoản 1 Điều 36 Luật Đất đai 2003, Khoản 2 Điều 10, Khoản 2 Điều 72 Luật Xây dựng 2003”.

Tiếp đó, ngày 14/5/2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có văn bản số 1061/QHKT-P2 chấp thuận phương án thiết kế kiến trúc công trình vượt 4 tầng (1 tầng lửng, 2 tầng kỹ thuật và 1 tầng mái) so với quy hoạch tổng mặt bằng (công trình 22 tầng, không thể hiện có tầng kỹ thuật) là vi phạm Khoản 4 Điều 30 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Thế nhưng, Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn đã xây dựng công trình 28 tầng (27 tầng + 1 tum thang máy), vượt 2 tầng căn hộ so với phương án kiến trúc và hồ sơ xin phép xây dựng. Diện tích xây dựng mỗi tầng căn hộ xây vượt là 1.012 m2/tầng, diện tích sử dụng là 839,5 m2/tầng.

Cùng với đó, chủ đầu tư đã xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được phê duyệt và đã tự ý chuyển đổi công năng tầng kỹ thuật. Cụ thể, tầng kỹ thuật giữa tầng 2 và tầng 3 cao 4,5 m, hiện cho thuê làm văn phòng; tầng kỹ thuật giữa tầng 11 và tầng 12 cao 3 m, đã chia thành 14 căn hộ.

Theo hồ sơ xin phép xây dựng được chấp thuận, diện tích xây dựng công trình không bao gồm tầng kỹ thuật gần 23.625 m2, thực tế thi công là 26.531 m2, vượt 2.906 m2; có tầng kỹ thuật là 25.850 m2, thực tế thi công là 28.808 m2, vượt 2.958 m2. 

TTCP cũng cho biết, dự án Sakura Tower có 239 căn hộ để bán. Trong đó, 161 căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Hiện 78 căn hộ sai phép đã bán cho các hộ dân (tầng 12 có 14 căn; tầng kỹ thuật trên tầng 11 (12B) là 14 căn; tầng 21 là 11 căn; tầng 22 là 13 căn; 2 tầng căn hộ xây vượt là tầng 24B có 13 căn, tầng 24C có 13 căn). Số căn hộ xây dựng sai phép nói trên, chủ đầu tư chưa làm việc với cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc cho các hộ dân.

"Việc Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn xây dựng không đúng quy hoạch được duyệt, không đúng hồ sơ cấp phép xây dựng, sử dụng không đúng mục đích, công năng nói trên là vi phạm Khoản 2 Điều 10, Khoản 1 Điều 36, Khoản 2 Điều 68 Luật Xây dựng năm 2003", kết luận thanh tra nêu rõ.

Bên cạnh đó, liên ngành phê duyệt tiền sử dụng đất của Dự án Sakura Tower tại Quyết định số 1286/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 đã đưa một số khoản chi phí vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng với quy với số tiền hơn 34,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng là 2,16 tỷ đồng (1% chi phí xây dựng), chi phí dự phòng là hơn 32,2 tỷ đồng.

TTCP chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra những sai phạm nêu trên thuộc UBND TP Hà Nội, các sở ngành liên quan: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Cục Thuế, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn.

Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện sai phạm tại nhiều dự án khác ở Hà Nội như: Dự án đầu tư xây dựng văn phòng và nhà ở tại số 536A Minh Khai, quận Hai Bà Trưng do Liên danh Công ty CP Văn phòng phẩm Cửu Long và Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinaconex làm chủ đầu tư; Dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại tại 44 đường Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình do Công ty CP Tháp nước Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng UDIC Reverside, tại ngõ 122 phố Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng do Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC làm chủ đầu tư….

Minh Thư