Thanh Hóa luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

15:31 28/10/2020

Thanh Hóa luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và nằm trong nhóm 5 tỉnh thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Đó là khẳng định trong bài tham luận của đồng chí Lê Minh Nghĩa, đại biểu Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Lê Minh Nghĩa, đại biểu Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trình bày tham luận

Trong những năm qua, Tỉnh ủy HĐND, UBND tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đưa Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng xác định “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà tư trong và ngoài nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh” là một khâu đột phá trong nhiệm kỳ. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện rõ rệt; thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có sự chuyển biến tiến bộ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 24 cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2016; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh từ nhóm điểm trung bình và xếp thứ 27 năm 2016 tăng lên nhóm điểm cao và xếp thứ 11 cả nước.

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2011-2015, với tổng vốn đăng ký là 114.500 tỷ đồng và 3,6 tỷ USD. Thanh Hóa luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; toàn tỉnh hiện có 132 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 14,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt 610.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so giai đoạn trước và nằm trong nhóm 5 tỉnh thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Thành lập mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký; giai đoạn 2016-2020 có 14.200 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký là 99.000 tỷ đồng gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,4 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015 và đứng thứ 7 cả nước về thành lập mới doanh nghiệp.

Thanh Hóa có được kết quả nêu trên là nhờ công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung rà soát cắt giảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính; trong đó nhiều thủ tục được cắt giảm đáng kể thời gian xử lý so với quy định. Đồng thời, đã thực hiện đổi mới quy trình xử lý văn bản hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa vào hoạt động kết nối liên thông với cổng dịch vụ quốc gia, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phần mềm một cửa điện tử được duy trì, hoạt động hiệu quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và các huyện thị xã thành phố đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt; là một trong những địa phương đi tiên phong trong công tác vận động xúc tiến đầu tư và có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tập đoàn lớn trong nước biết đến và đầu tư thành công tại Thanh Hóa. Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính. “4 tăng” là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công khai minh bạch, tăng trách nhiệm trong thực thi công vụ và tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân; “2 giảm” là giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính; “3 không” là không phiền hà sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá một lần trong quá trình thẩm tra thẩm định trình giải quyết công việc và không giới hạn trong giải quyết hồ sơ thủ tục của các nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh yêu càu các huyện, thị xã, thành phố ký cam kết giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tiếp tục xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”. Đồng thời, để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị đã đặt ra cho Thanh Hóa là phấn đấu trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc thì việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trong bài tham luận, ông Lê Minh Nghĩa, đại biểu Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đưa ra một số giải pháp để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư là: Tập trung hoàn chỉnh và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Khẩn trương triển khai lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch xây dựng chi tiết trong Khu kinh tế Nghi Sơn, các đô thị: TP Thanh Hóa, Sầm Sơn, Lam Sơn Sao Vàng… Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế,...

Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, có thể nói rằng, không sợ thiếu bất kỳ nguồn lực phát triển nào, kể cả nguồn lực tài chính và nguồn lực khoa học công nghệ cao mà chỉ sợ thiếu cơ chế chính sách tốt và một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu có cơ chế chính sách tốt, cộng với môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn Thanh Hóa sẽ có đủ điều kiện để đạt được các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025 và trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc như Nghị quyết 58 đã đề ra.

Minh Hiền