Than Uông Bí, dưới những vòm cổ thụ

00:00 12/10/2020

Năm ngoái, Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam chủ trì xuất bản cuốn sách “20 năm TKV”. Đây là cuốn sách đồ sộ; thông tin đầy đủ nhất về Tập đoàn TKV. Hôm tổng duyệt nội dung, tôi được Tổng Biên tập giao nhiệm vụ trình bày maket trước lãnh đạo Tập đoàn TKV và đông đảo cựu lãnh đạo Tập đoàn các thời kỳ. Khi đề cập đến Than Uông Bí, ông Đoàn Văn Kiển, cựu Chủ tịch TKV nêu ý kiến, đại ý, riêng Than Uông Bí cần phải đề cao. Đây là một công ty lớn, đã qua nhiều lần chia tách. Mỗi lần chia tách để lại cho cho Công ty biết bao là khó khăn, nhưng “họ” đều vượt qua.

3 Khu tập thể công nhân, công ty than Uông Bí Hơn một năm nay, tôi mới trở lại Than Uông Bí. Khu nhà điều hành của Công ty vẫn vậy, vừa tinh khôi vừa cổ kính, lặng lẽ dưới những vòm cổ thụ. Từng làm chủ biên sách lịch sử truyền thống và làm phim tài liệu về Than Uông Bí, nhưng bây giờ tôi mới biết, những cây cổ thụ trong khuôn viên nơi đây đã hơn 100 tuổi – cùng tuổi với ngôi nhà cổ kính của Công ty, xây dựng từ năm 1912. Bên kia đường, khu tập thể công nhân mới xây, cao tầng, tinh khôi rực lên trong nắng xế. Tiếp chúng tôi là các anh: Nguyễn Bá Trường, Phó Giám đốc; anh Nguyễn Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng, anh Huy Toàn, Phó Văn phòng. Các anh vẫn vậy, thân thiện, ấm áp và vui tươi. Thoạt nhìn quang cảnh và gương mặt các anh, tôi có cảm giác như nỗi gian khó chưa từng lan tới đây. Tôi hỏi thăm những người mà trước đây, mỗi lần đến Than Uông Bí, Than Đồng Vông tác nghiệp, các anh đã dành cho chúng tôi sự quan tâm chu đáo và thân mật, mới biết, anh A. đã chuyển xuống làm công việc này; anh B. chuyển sang công việc khác; anh C. xin nghỉ hưu trước tuổi v.v. Nghe vậy, trong tôi chợt dâng lên nỗi bâng khuâng. Chợt nhớ, năm ngoái, tôi đến Đồng Vông để phản ánh tâm tư tình cảm của cán bộ của Công ty này  trước khi giải thể, thành công trường của Công ty than Uông Bí. Khi đó, Công ty than Đồng Vông có trên 2 nghìn người; bộ máy quản lí gồm giám đốc, 5 phó giám đốc; hàng chục trưởng, phó phòng ban; rồi thường trực Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Không hiểu, sau khi giải thể, họ sẽ làm gì? Ai về? Ai ở? Tâm trạng của họ ra sao? Khi tôi  hỏi về tư tưởng của CNCB trước sự chuyển đổi này, anh Nguyễn Văn Yên, lúc đó là Phó Tổng Giám đốc Công ty than Uông Bí, Giám đốc Công ty than Đồng Vông (bây giờ anh Yên là Giám đốc Công ty than Uông Bí) cho biết, đa số anh em  Đồng Vông đều vui vẻ chấp hành sự phân công của tổ chức. Nói rồi anh Yên bảo anh Nguyễn Văn Công, Chánh Văn phòng Than Đồng Vông đưa cho tôi bài thơ “Nhớ về Đồng Vông” của anh Dương Xuân Hinh, Bí thư Đảng ủy- Phó Giám đốc Công ty than Đồng Vông. Anh Yên bảo tôi đọc đi, đó là cảm xúc, tâm trạng chung của CNCB Than Đồng Vông trước “sự kiện” này. Tôi đã nhiều lần được làm việc với anh Hinh và gọi vui anh là “Chính ủy”.  Những lần ấy, tôi thường nghe anh nói về tình hình triển khai nghị quyết; về tình hình sản xuất ở Công ty, chưa bao giờ  thấy anh bộc lộ sự yêu thích văn chương. Vậy mà, bài thơ này của anh cảm xúc chứa chan, âm hưởng dạt dào, ý tứ sâu xa: “Đồng Vông ơi như mới hôm qua/ Tạm biệt, từ đây về Công ty mẹ/ Mang theo niềm tin và sức trẻ/ Cả nỗi niềm, năm tháng với Đồng Vông”.  Và đây là nỗi niềm với nghề: “Nghề làm than, anh chẳng thể quên/ Ranh giới mỏ, rộng dài là thế/ Những nhọc nhằn khi cắt tầng, mở vỉa/ Những đêm ca ba, những ngày đông giá/ Cả những âu lo mùa mưa, bão đang về”. Bây giờ, anh Hinh đã nghỉ hưu (đúng tuổi); anh Công và nhiều người khác  nghỉ hưu trước tuổi; số khác thì bỗng dưng…mất chức, chuyển xuống làm việc ở vị trí khác. Dù sao, đó những người đã hi sinh quyền lợi cá nhân vì sự đổi mới của doanh nghiệp. 2 Thợ lò Than Uông Bí vào lò bằng xe song loan Lại kể về những lần chia tách. Trước đây, những công ty than lớn như Mạo Khê, Vàng Danh, Nam Mẫu; các trường học như Đại học Sao Đỏ, Cao đẳng Nghề mỏ Hữu Nghị, Cao đẳng Xây dựng Công nghiệp và hàng loạt đơn vị xây lắp mỏ, nhà máy cơ khí, cơ điện, vận tải, chế biến than, các cơ sở ý tế v.v. khu vực miền Tây tỉnh Quảng Ninh, đều thuộc Công ty than Uông Bí với lực lượng lao động lúc cao điểm gần 21 nghìn người và trên 3 nghìn học sinh học nghề. Đến đầu năm ngoái, Than Uông Bí có 7 công ty, trong đó có 4 công ty thành viên và  3 công ty cổ phần. Thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, từ 1/4/2014, Công ty than Hồng Thái tách ra khỏi Than Uông Bí; 3 công ty cổ phần thoái vốn; Các công ty : Than Đồng Vông, Than Hoành Bồ, Sàng Tuyển và Cảng giải thể, thành công trường, phân xưởng thuộc Công ty than Uống Bí. Lúc ấy, số lao động gián tiếp của Công ty Than Uông Bí (trước đây là công ty mẹ) chỉ có119 người, sau khi hợp nhất các đơn vị, Than Uông Bí có khoảng 955 người. Việc bố trí sắp xếp công việc phù hợp cho các cán bộ quản lý của các công ty con sau khi tái cơ cấu là một gánh nặng, Than Uông Bí không dễ gì giải quyết trong khoảng thời gian ngắn. Bây giờ thì khó khăn gay gắt ấy cơ bản đã được giải quyết. Ông Nguyễn Bá Trường, Phó Giám đốc Công ty Than Uông Bí cho biết, khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, tỷ lệ gián tiếp của Công ty 17%; đến nay, tỷ lệ này giảm xuống còn 10%. Công ty đang tiếp tục tinh giản biên chế gián tiếp. …Ngày cuối năm, ngoài kia, dòng đời cuộn chảy; trong này, các anh vẫn say sưa nói về Công ty, về những vất vả, lo toan; những đổi mới trong quản lí và những dự định cho tương lai…Anh Trường nói, anh em lãnh đạo trong Công ty gắn bó với nhau từ lâu, hiểu biết về nhau nên đoàn kết, thương yêu nhau như trong một gia đình. Mỗi sáng, các anh quây quần bên ấm trà, thông báo cho nhau tình hình công việc của hôm trước; những ách tắc cần được khai thông; sau đấy, ai vào việc nấy. Thân mật, ấm cúng mà công việc rất chạy. Tôi ngỏ ý xin tài liệu về Công ty, anh Huy Toàn bảo, cứ vào trang website của Công ty, trong đó cập nhật thông tin đầy đủ lắm. Tôi vào google, gõ cụm từ “Công ty Than Uông Bí”. Lập tức, công cụ tìm kiếm xuất hiện hàng loạt  thông tin về Than Uông Bí, trong đó có bài viết “Than Uông Bí – Thắng lợi không ngờ”. Bài viết đăng trên Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam, trong đó phân tích những khó khăn của Than Uông Bí khi tái cơ cấu doanh nghiệp và những kết quả khiến cho lãnh đạo Tập đoàn TKV không thể ngờ. Vâng, chúng tôi cũng không thể ngờ! Mặc dù việc sắp xếp lao động phức tạp; dù sản xuất trong điều kiện khó khăn: Quản lý, khai thác vùng tài nguyên nghèo, phân tán, điều kiện địa chất vỉa than phức tạp, chất lượng than xấu, điều kiện cơ giới hóa gặp khó khăn; cơ cấu lao động mất cân đối nhưng tư tưởng của CBCN trong Công ty vẫn ổn định; sản xuất vẫn phát triển; các hoạt động phong trào của Công ty vẫn diễn ra tích cực. Năm nay, Công ty vẫn hoàn thành các chỉ tiêu chính của Tập đoàn giao với sản lượng 1 triệu 250 nghìn tấn than nguyên khai (đề nghị Công ty bổ sung kết quả về tổng doanh thu, lợi nhuận và một số chỉ tiêu quan trọng khác). 3800 CNCB đều có việc làm với mức thu nhập bình quân 9,92 trđ/người/tháng; trong đó, thợ hầm lò đạt 14,2 triệu đồng/người/tháng. Riêng thợ hầm lò được Công ty quan tâm với chế độ đãi ngộ mới: Thợ lò được ở trong khu nhà khang trang; đi làm có xe đưa đón, kể cả các nơi xa xôi như Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương); thợ lò được khuyến khích tăng thu nhập qua đơn giá sản phẩm; nghỉ phép được thanh toán tàu xe; vợ con thợ lò xuất sắc được đi tham quan nghỉ mát v.v. Chiều muộn, chúng tôi mới rời Than Uông Bí. Xuống chân dốc, tôi ngoái lại. Bóng những vòm cổ thụ lồng lộng bên khung trời biếc. Những cây cổ thụ hiên ngang, vững chãi, vượt qua  mưa bão, qua thời tiết khắc nghiệt để vươn lên như những nhân chứng một thời gian khổ và vẻ vang của các thế hệ Công ty than Uông Bí. Bài Cao Thâm; ảnh Huy Toàn