“Thần nông” trẻ của làng Bát Tràng

00:00 12/10/2020

Sau 10 năm thành lập xưởng sản xuất gốm sứ Toàn Phương, anh Đào Văn Toàn (sinh năm 1985) đã vững vàng tiếp nối, phát huy nghề truyền thống của gia đình, quê hương. Ông chủ trẻ đã truyền dạy kinh nghiệm nghề nghiệp cho nhiều người thích làm gốm sứ.

Giữ hồn cốt gốm Bát Tràng Đào Văn Toàn trú tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Gia đình có truyền thống làm gốm, nên Toàn được thừa hưởng kinh nghiệm nghề nghiệp từ các bậc sinh thành. Điều không may đã ập đến với Toàn khi anh bắt đầu lập nghiệp thì bố mẹ qua đời. Từ đó, chàng trai 8X phải tự lập hoàn toàn. “Tâm nguyện của bố mẹ là mong anh em tôi tiếp tục làm gốm sứ, bởi nó là nghề cha truyền con nối suốt từ thời ông bà để lại. Vậy nên, cả ba chúng tôi đã thực hiện đúng ước nguyện đó. Mỗi người đều tạo dựng một xưởng sản xuất gốm sứ. Tôi thành lập xưởng sản xuất gốm sứ Toàn Phương”, Đào Văn Toàn chia sẻ.  Anh Đào Văn Toàn tại xưởng sản xuất gốm sứ Từ đó đến nay đã được 10 năm anh chuyên tâm vào sự nghiệp “nặn đất, đốt lò” sớm khuya. Anh Toàn kể, 3 anh em trong gia đình đã hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm gốm nên giúp nhau giảm được một số áp lực công việc. Nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho xưởng sản xuất Toàn Phương của anh Toàn đã có anh trai cung cấp. Ngày bắt đầu nối nghiệp bố mẹ, anh Đào Văn Toàn nay đây mai đó mang sản phẩm gốm của xưởng sản xuất đi hội chợ triển lãm ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, cách thức kinh doanh này tốn nhiều thời gian, công sức nên chàng trai trẻ quay về tập trung, đầu tư sản xuất tại nhà và phát triển thị trường, bằng cách khẳng định thương hiệu bởi chất lượng sản phẩm. Thời gian đầu vào nghề, mọi khâu để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh vẫn là bài toán khó đối với Đào Văn Toàn, vì làm gốm sứ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì của người thợ. Bên cạnh đó là trí tuệ, sự sáng tạo mới có thể tạo ra những hoa văn đẹp trên từng sản phẩm. Anh Toàn kể, hồi bé, anh đã học lỏm từ ông bà, bố mẹ cách nặn, vẽ trên đất sét, nhưng lúc đó chưa ý thức được phải vẽ như thế nào mới bay bướm, ưng mắt và đạt tiêu chuẩn hoa văn mang hồn cốt, tinh hoa của làng nghề Bát Tràng. Vậy nên, anh lại bắt đầu tìm hiểu, học hỏi từ nhiều thế hệ đi trước trong gia đình, dòng họ để phát huy tốt “bí kíp” gia truyền. Những khó khăn trong nghề làm gốm không ít, cũng như nghề nông nghiệp, người dân làm gốm sứ phải “trông trời, trông đất, trông mây”, bởi hễ gặp thời tiết xấu, bão bùng thì nguyên vật liệu, sản phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong xu thế hội nhập, sản phẩm gốm sứ cổ truyền đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với gốm sứ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn sản xuất đại trà hàng gốm sứ. Trong khi, việc tạo ra một sản phẩm gốm Bát Tràng lại rất cầu kì, tốn nhiều thời gian, công sức mà khách hàng ít ai phân biệt được đâu là gốm Bát Tràng, gốm Trung Quốc hay hàng đại trà của các nhà máy sản xuất thông thường. Chính vì vậy, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng dễ dàng bị lấn át bởi số lượng của các sản phẩm mới trên thị trường. Anh Đào Văn Toàn cho hay: “Phải trải qua quy trình đầy công phu mới biến những nắm đất vô tri trở thành những sản phẩm gốm nổi tiếng của Bát Tràng. Hành trình này qua bàn tay khéo léo của những người thợ, sức nóng của ngọn lửa để trở thành sản phẩm gốm có hồn. Tên tuổi của gốm sứ Bát Tràng vì thế mà đã vượt qua không gian và thời gian để đến với mọi miền đất nước và vươn ra thế giới”. Truyền nghề cho người trẻ Tất cả những khâu sản xuất một sản phẩm, anh Toàn đều thông thạo. Chàng trai trẻ tự mày mò học hỏi và trở thành “tay quen” trong suốt 10 năm qua. Anh trở thành ông chủ có kinh nghiệm bề dày, truyền đạt kiến thức, dạy nghề cho nhiều người từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước đến học và làm nghề tại xưởng sản xuất Toàn Phương. Sản phẩm của làng gốm Bát Tràng là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật. Các sản phẩm đó mang tính chất rất riêng cá nhân, có sắc thái, đặc trưng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mĩ, bản sắc văn hóa của người dân Bát Tràng. Những sản phẩm đó bổ sung lẫn nhau, trở thành kiểu mẫu cho những sản phẩm cùng loại được sản xuất, chế tác tiếp theo. Thợ cả như anh Đào Văn Toàn vừa đóng vai trò quản lí, chỉ đạo sản xuất, vừa là người trực tiếp làm ra sản phẩm có thể thỏa sức sáng tạo để làm ra giá trị của sản phẩm gốm thủ công có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao. Một người muốn thành thạo tay nghề làm gốm phải trải qua quá trình thực hành. Những người trẻ đến với xưởng sản xuất Toàn Phương đều được ông chủ trẻ hướng dẫn nhiệt tình từng công đoạn làm nên sản phẩm. Anh Toàn cho biết: “Nếu ai thiếu kiên trì sẽ không thể trở thành thợ làm gốm lành nghề. Hơn nữa, phải có sự khéo léo mới thổi hồn được vào từng sản phẩm. Bởi vậy, nghề gốm cũng “kén” nhân lực, vì không phải ai cũng sẵn sàng tỉ mỉ hàng giờ, hàng ngày để nặn đất, vẽ hoa văn…”. Giúp đỡ các tay nghề mới làm việc tại xưởng, ông chủ trẻ chỉ dẫn cho họ cụ thể từ cách nhồi đất, tạo hình, sấy khô, tráng men, nung… “Với những người chưa biết và bắt đầu học nghề, tôi chỉ dẫn họ quá trình hoàn chỉnh tạo ra sản phẩm. Chỉ cho họ thực hiện khâu xử lý, luyện đất sét nhuyễn, đều rồi đổ vào khuôn tạo hình. Công đoạn này tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận rất cao. Sau đó, hướng dẫn họ nặn cốt, sửa hàng và phơi khô sản phẩm. Tiếp theo đó, hướng dẫn họ cách quét men, vẽ trang trí màu, đường nét hoa văn lên sản phẩm; Cách bỏ gốm vào lò nung 1.300 độ C, trong vòng 20 giờ mới cho ra lò một mẻ sản phẩm gốm Bát Tràng”, anh Toàn chia sẻ. Ông chủ 8X luôn ý thức rằng, tạo ra sản phẩm gốm Bát Tràng hoàn chỉnh là một quá trình khắt khe nhưng cũng hết sức độc đáo. Mỗi công đoạn đều cần đến sự chuyên nghiệp và tay nghề khéo léo của các nghệ nhân, đặc biệt là việc trang trí và chế tạo men để tạo ra những sản phẩm gốm sứ chuẩn phong thái làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, không phải người thợ nào cũng làm được, nhất là những người trẻ ở tỉnh, thành khác đến với Bát Tràng. Vì vậy, anh càng phải dày công hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm để họ nhanh chóng trở thành người thợ lành nghề. Ông chủ trẻ hướng dẫn tỉ mỉ thợ mới cách tạo hình dáng sản phẩm trên bàn xoay. Mỗi khi làm một sản phẩm, điều quan trọng là người thợ phải để đất vào vị trí trung tâm của bàn. Một tay quay bàn, một tay vuốt gốm tạo hình sản phẩm. Ban đầu, những người trẻ mới vào nghề chỉ làm những đồ đơn giản nhất là ly, chén, lọ cắm hoa… Rồi khi tay nghề vững dần, họ sẽ bắt nhịp kịp thời với dây chuyền sản xuất tại xưởng. Anh Đào Văn Toàn cũng như nhiều ông chủ trẻ tại làng nghề Bát Tràng đã, đang nỗ lực hàng ngày để phát triển, làm giàu bằng nghề truyền thống của quê hương. Bên cạnh đó, anh còn góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm tại khu vực nông thôn. Xưởng sản xuất gốm Toàn Phương đã tạo việc làm cho hơn 10 thợ chính thường xuyên và gần chục nhân công thời vụ, với thu nhập 200- 300 nghìn đồng/ngày công/người. (còn nữa) (Theo tuoitrethudo.vn)