Than Đèo Nai – Nơi những “bao diêm dựng đứng ngang trời” ngày ấy…

00:00 12/10/2020

 Cách đây hơn mười năm, đến Cẩm Phả, từ quốc lộ 18 ngước nhìn lên, bãi thải Nam Đèo Nai như quả núi khổng lồ ngổn ngang đất đá. Có nhà thơ đã miêu tả hình ảnh đổ thải ở Nam Đèo Nai ngày ấy như vẻ đẹp lãng mạn của nhịp sống công nghiệp, rằng: “…Mây bây giờ luồn qua bánh xe tôi/ Khi tôi dốc ben đổ đá đầu đường/Ồ, nếu ai từ phố thợ nhìn lên/Sẽ thấy ngang trời chúng tôi dựng đứng những “bao diêm”/Sẽ thấy ngang trời đất đá phi như ngựa/ Bụi mịt mù – chiến trường trong truyện cổ/Từng nhóm trẻ con đứng dưới phố vỗ tay/Cho đến khi xe chúng tôi lẫn trong mây/ Để lại không gian tiếng đá văng, đá xối/Như bão mưa, hơn cả bão mưa…”. “Những bao diêm” ngày ấy là là xe “bò tót”, xe ben –la trọng tải 40 tấn chở đất đá trên mỏ. Thế mới biết, bãi thải Nam Đèo Nai ngày ấy khổng lồ  như thế nào!

Bây giờ ở Bãi thải Nam Đèo Nai

Nhưng ở một góc nhìn khác, việc đổ thải ngày ấy ở Bãi thải Nam Đèo Nai vô cùng nguy hiểm cho người dân sống dưới chân bãi thải và gây ô nhiểm môi trường Thị xã Cẩm Phả (nay là Tp. Cẩm Phả). Ông Phạm Thế Phi, Phó phòng Đầu tư Công ty CP Than Đèo Nai cho biết, Bãi thải Nam Đèo Nai do chuyên gia Liên Xô thiết kế, đổ thải từ năm 1960. Do sản lượng hàng năm tăng nhanh nên bãi thải Nam Đèo Nai trở nên quá tải, được đưa vào danh sách  những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần phải xử lí triệt để theo Quyết định Số 64/2003/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 04 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước tình hình đó, Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn TKV) giao cho Than Đèo Nai và các đơn vị trong ngành thiết kế, cải tạo bãi thải Nam Đèo Nai với các hạng mục: Trồng 120 ha rừng, xây dựng hệ thống thoát nước, đê chắn v.v.

Mới hơn 10 năm, bãi thải khổng lồ, rộng khoảng 200 ha, ngổn ngang đất đá nay đã  trở thành khu rừng xanh tốt bạt ngàn. Theo chân ông Phạm Thế Phi, chúng tôi theo đường đê bao bọc khu rừng. Dưới kênh mương, từng đàn có trắng chấp chới; từ khu rừng, văng vẳng tiếng chim lảnh lót, tiếng chim gù khiến tôi cảm trưởng như lạc vào khu rừng nguyên sinh vậy.

Ông Phi cho hay, ngày ấy, việc đổ thải ở đây không phân tầng, ô tô cứ dốc ben, đá rơi tự do, khiến nhà thơ tưởng tượng như “tiếng vó ngựa phi lộc cộc”.Khi dừng đổ thải, tiến hành cải tạo, phải cắt bãi thải thành  8 tầng, mỗi tầng rộng 30 -50 mét;  độ dốc 20 – 25%; tiếp đó là xây đê chắn đất đá và làm 3 hệ thống thoát nước kiên cố. Khi đất đá ổn định mới trồng cây. Bãi thải mỏ lộ thiên toàn đất đá rắn, không cây gì có thể mọc được, phải phủ đất, trộn cả phân…

Từ một bãi thải khổng lồ, với vốn đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, nay đã trở thành khu rừng. Trận mưa lũ lịch sử hồi cuối tháng 7 năm ngoái, nhiều bãi thải ở vùng mỏ bị sạt lở, có nơi sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng nhưng bãi thải Nam Đèo Nai vẫn đảm bảo an toàn. Đây có thể là mô hình điểm về cải tạo bãi thải ở vùng Mỏ.

Minh Cao