Thăm “cứ điểm” sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung tại Việt Nam

00:00 12/10/2020

310.000 người là tổng số lao động đang làm việc trong 9 nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung trên toàn cầu, trong đó, riêng Việt Nam lên đến 110.000 người. Một so sánh đơn giản là cứ 3 người làm việc cho các nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung có 1 người Việt Nam. 2 nhà máy sản xuất điện thoại hiện diện tại Việt Nam là Samsung Electronics Việt Nam (SEV), tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, nhân lực 40.000 người, đóng tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên-SEVT, vốn đầu tư 5 tỷ USD, nhân lực 70.000 người, đóng tại KCN Yên Bình (Thái Nguyên).

Tổ hợp sản xuất điện thoại di động SEVT. Ảnh: Samsung cung cấp​

1 tỷ sản phẩm công nghệ cao

Được dành thời gian 6 giờ cho một chuyến đi, được tận mắt chứng kiến và nghe giới thiệu khá tường tận về những gì đang diễn ra trong tổ hợp sản xuất điện thoại di động SEVT quả là cơ may hiếm hoi đối với chúng tôi.

Chiếc xe buýt của Tập đoàn Samsung phủ nước sơn màu trắng, khoác trên mình hình ảnh bắt mắt là “siêu phẩm” Samsung Note 9, vốn đã khá quen mắt đối với nhiều người khi lăn bánh trên nhiều tuyến đường ở miền Bắc, sáng nay chuyên chở chúng tôi lên Thái Nguyên. Xe chạy êm ru trên cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên, qua địa phận thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), đập vào mắt chúng tôi là tổ hợp sản xuất đồ sộ với dòng chữ nổi bật “Samsung hàng đầu thế giới từ Việt Nam”. Đó có thể là câu nói cô đọng nhất về “cứ điểm” sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới tại Việt Nam của nhà sản xuất di động hàng đầu thế giới- Samsung.

Ngược dòng thời gian, năm 1995, Samsung có mặt sớm trong làn sóng đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với việc khởi công nhà máy sản xuất tivi tại TP.HCM.

Tuy nhiên, với lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, năm 2018 này mới đánh dấu sự kiện 10 năm có mặt tại Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc.

Năm 2008, Samsung nhận giấy phép đầu tư và bắt đầu khởi công xây dựng SEV. Đây là dự án đầu tiên trong đại kế hoạch đầu tư cho điện thoại di động của Samsung tại Việt Nam, tạo tiền đề vững chắc cho việc mở rộng quy mô đầu tư trong hành trình đưa Việt Nam thành “cứ điểm” sản xuất toàn cầu của tập đoàn.

Sau 10 năm, từ mức đầu tư 670 triệu USD cho SEV, hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư  lên tới trên 17,363 tỷ USD. Tại Việt Nam, Samsung có 8 nhà máy và 1 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Trong đó, SEV và SEVT là tổ hợp sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.

“Năm 2017, Samsung bán được hơn 300 triệu điện thoại di động trên toàn cầu, riêng 2 nhà máy ở Việt Nam đóng góp gần 150 triệu sản phẩm, chiếm gần 50%”- một đại diện của Samsung Việt Nam chia sẻ về sự lớn mạnh và ưu thế vượt trội của SEV và SEVT. Điện thoại của Samsung tại Việt Nam đã và đang được xuất khẩu tới 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một thông tin đáng quan tâm là từ khi góp mặt trong “rổ” thống kế hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, nhóm hàng điện thoại với nhà sản xuất chủ lực là Samsung đã liên tiếp vượt qua nhiều ngành hàng quan trọng để vững vàng ngôi vị số 1 về xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đại diện truyền thông của Samsung Việt Nam, châu Âu là khu vực chiếm thị phần lớn nhất với khoảng 43% tổng sản lượng xuất khẩu điện thoại mỗi năm. Đáng chú ý tại thị trường Pháp, 100% sản phẩm điện thoại di động chính hãng của Samsung bày bán được sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, khu vực Bắc Mỹ chiếm thị phần 17%; Trung Đông chiếm 17%; châu Úc chiếm 14%...

Năm 2017 vừa qua là một năm có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam lẫn Samsung Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên đạt trên 200 tỷ USD (hơn 215 tỷ USD) và kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam cũng lần đầu đạt bước đột phá với hơn 54 tỷ USD, đóng góp hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Năm 2018, mục tiêu xuất khẩu của tập đoàn là 58 tỷ USD và hết tháng 6 năm nay đã đạt 28 tỷ USD.

Tháng 6/2018, Samsung cán mốc 1 tỷ sản phẩm thông minh công nghệ cao được sản xuất tại Việt Nam, gồm các sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh (smartwatch) và các sản phẩm điện thoại cơ bản.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc mới đây, Samsung khai trương nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới tại Ấn Độ với công suất 120 triệu sản phẩm/năm, liệu có ảnh hưởng đến vị thế của các nhà máy tại Việt Nam? Đại diện Samsung cho hay, điểm khác biệt giữa 2 nhà máy ở Việt Nam và các quốc gia khác là nhà máy ở Việt Nam sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu, trong khi nhà máy ở Ấn Độ hay các quốc gia khác (Trung Quốc, Indonesia, Brazil, Hàn Quốc) phục vụ thị trường nội địa là chính. Việc thay đổi ở các nhà máy này chủ yếu do nhu cầu của thị trường nội địa nên không ảnh hưởng nhiều tới vị thế của các nhà máy tại Việt Nam.

Ngoài sản xuất điện thoại, Samsung Electronics HCMC CE Complex-SEHC (TP.HCM) cũng là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á, và SVMC là Trung tâm R&D (đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á…

“Trong chiến lược phát triển của Samsung, Việt Nam đóng vai trò quan trọng là ‘cứ điểm’ toàn cầu không chỉ trong sản xuất mà còn với các hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D”- đại diện truyền thông của Samsung Việt Nam cho biết thêm.

23.000 tỷ đồng trả lương cho người lao động

Vấn đề vốn được xem là nhạy cảm với doanh nghiệp liên quan đến chuyện nộp thuế, khi trao đổi với chúng tôi, đại diện Samsung chia sẻ khá thẳng thắn. Theo đó, Samsung là doanh nghiệp công nghệ cao và được hưởng các ưu đãi chung theo chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, trong đó có ưu đãi về thuế Thu nhập doanh nghiệp. Tất cả các ưu đãi này đều nằm trong khung khổ các quy định của pháp luật và tại Việt Nam có nhiều đơn vị khác cũng được hưởng chứ không riêng gì Samsung.

Thời gian miễn thuế của SEV đã hết, sắp tới là SEVT và các đơn vị khác. Do vậy, trong một vài năm tới, đóng góp về thuế của Samsung chắc chắn sẽ tăng mạnh.

Trong bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2017 được Tổng cục Thuế công bố mới đây, SEV đứng ở vị trí thứ 8 trong số các doanh nghiệp nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp lớn nhất.

 “Đây mới là khoản thuế Thu nhập doanh nghiệp, đối với thuế Thu nhập cá nhân, Samsung cũng thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, nghiêm túc”- đại diện truyền thông Samsung Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, chi phí lương nhân viên người Việt của Samsung tại Việt Nam mỗi năm lên đến 1 tỷ USD (tương đương khoảng 23.000 tỷ đồng).

Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác phúc lợi cũng được Samsung Việt Nam rất chú trọng. Với quy mô lao động lên đến 160.000 người, trong đó có 75% là lao động nữ (riêng SEV và SEVT là 110.000 người) đây là một công việc đòi hỏi sự đầu tư lớn. “Với Samsung, ‘con người là số 1’, vì vậy, chúng tôi đã dành một nguồn lực lớn đầu tư nhiều công trình phục vụ người lao động. Đặc biệt, tại Samsung có 35% lao động là người dân tộc thiểu số”.

Quả thật, dạo trong khu nhà lưu trú của SEVT chúng tôi có cảm giác như ở trong một khu nghỉ dưỡng với đầy đủ tiện ích từ rạp chiếu phim, phòng tập gym, phòng karaoke, siêu thị, thư viện, bưu điện, nhà ăn miễn phí… Tất cả được đầu tư với các trang thiết bị tiểu chuẩn toàn cầu của Tập đoàn Samsung.

Ngoài ra, để người lao động “ly nông không ly hương”, Samsung còn đầu tư 900 xe buýt chất lượng cao trị giá 3 tỷ đồng/xe để phục vụ đưa đón công nhân, với những người có nhà ở bán kính cách công ty khoảng 60 km.

Thái Bình