Thái Nguyên tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Ngày 26/11/2018, gần 100 kiến nghị đã được gửi đến Hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên.

95 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp được gửi đến Hội nghị, bày tỏ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, tập trung vào các vấn đề như: Giải pháp của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục triển khai, quy trình quản lý chất lượng, nghiệm thu, bàn giao, hồ sơ quyết toán khu dân cư, khu đô thị mới; vấn đề về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cán bộ; hỗ trợ doanh nghiệp địa phương nâng cao giá trị công nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn doanh nghiệp thủ tục đăng ký tài sản trên đất; xử lý kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; các chính sách về thuế, Bảo hiểm xã hội, mua nhà ở xã hội, kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc…

Kịp thời tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp

Với cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo các điều kiện và cơ hội tốt nhất dành cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp gửi tới Hội nghị để có thể kịp thời nắm bắt, giải đáp và tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, đề nghị cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân hiện đang đầu tư trong tỉnh, cần phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được trong thời gian qua; tiếp tục là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với nhau, giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn, để liên doanh liên kết cùng phát triển, trong đó chú ý đến các dự án đầu tư lớn, có sức lan tỏa cao, tạo ra nhiều điểm nhấn về phát triển cho tỉnh và doanh nghiệp.

Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết trực tiếp tại Hội nghị

Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các sở, ban, ngành, địa phương đã giải đáp những thắc mắc, trả lời ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp tại Hội nghị. Đối với những vướng mắc còn tồn tại, tỉnh sẽ xem xét để đưa ra giải pháp, định hướng phù hợp trong thời gian tới.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, cùng các doanh nghiệp trên địa bàn đã có những đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. “Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Thái Nguyên, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước”- ông Phòng nhấn mạnh.

Tăng cường hoạt động đối thoại

Thông qua Hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại doanh nghiệp của tỉnh, ông Tâm mong muốn các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn và các cấp ủy Đảng trực thuộc tỉnh ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý điều hành thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức về Doanh nghiệp, doanh nhân, có vai trò, vị trí quan trọng, mang tính trụ cột của nền kinh tế quốc dân; là lực lượng tiên phong, là người lính của thời bình, và là lực lượng chủ yếu để tạo ra nhiều sản phẩm cơ bản cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Chính vì vậy, Đảng, nhà nước, Chính phủ và tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, doanh nhân; phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, trong đó rõ nét là việc ích nước, lợi nhà và làm giàu chính đáng. Đồng thời tiếp tục xác định và khẳng định về nội dung phát triển kinh tế tư nhân, thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, mà Nghị quyết số 10, ngày 03/6/2017 của BCH-TW và Chương trình số 20, ngày 04/10/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh đã đề cập tới.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới hơn nữa về cải cách hành chính, nhất là về thủ tục hành chính; tiếp tục tạo cơ chế chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, hành động vì doanh nghiệp, coi sự thành công của doanh nghiệp chính là sự thành công chung của tỉnh. Đồng thời cần công khai minh bạch về thông tin hơn nữa, nhất là về những chủ trương lớn trong thu hút đầu tư, trong cơ chế chính sách, trong quy hoạch và quản lý quy hoạch của tỉnh đến với doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hơn nữa về việc phân cấp, phân quyền; xác định rõ trách nhiệm và kịp thời phát hiện xử lý những tổ chức, công chức, viên chức có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi thực thi công vụ có liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp; cần tích cực hơn nữa về việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, sớm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh để hiện đại hóa nền hành chính địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động phát huy vai trò định hướng cho các doanh nghiệp tích cực tham gia hơn nữa vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; có cơ chế khuyến khích đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp đúng hướng, khả thi và hiệu quả thiết thực.

Với nỗ lực trong nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thái Nguyên trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Thứ ba, tăng cường các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân theo định kỳ, hoặc đột xuất khi cần thiết, nhưng cần phải đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phù hợp và hấp dẫn, hiệu quả cao; chủ động, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức thiết thực; đồng thời sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến đóng góp, phản hồi của doanh nghiệp, doanh nhân đối với công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội thông qua nhiều kênh tác nghiệp khác nhau, có thể như: thiết lập đường dây nóng trực tiếp tới đồng chí Bí thư cấp ủy, đồng chí Chủ tịch UBND các cấp, hoặc đồng chí thủ trưởng các cơ quan có chức năng liên quan để được đáp ứng kịp thời, hiệu quả. Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng dẫm, chồng chéo, kể cả giữa các đoàn thanh tra, kiểm tra và kiểm toán; đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bình đẳng, ổn định và phát triển.

Thứ tư, giao cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, sớm tham mưu sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/4/2012 của BTV Tỉnh ủy “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)” nhằm đánh giá thực trạng về những ưu - tồn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời chủ động tham mưu đề xuất đưa ra những giải pháp sát thực, mang tính khả thi cao, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng thời sớm tham mưu xây dựng, thông qua Nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp - doanh nhân trong tình hình mới (hoàn thành quý I/2019).