Thái Nguyên: Hải Âu “chắp cánh” thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu

00:00 12/10/2020

   “Dù ai đi sớm về trưa

Ngã ba Bờ Đậu gió mưa chẳng nề.

Đặc sản mang đậm hồn quê

Bánh chưng Bờ Đậu hẹn về nẻo xa”

Mấy câu lục bát trên nói về làng bánh chưng ở ngã ba Bờ Đậu, nằm trên Quốc lộ 3, cách Tp. Thái Nguyên 7 km, thuộc xã  Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Bánh chưng Bờ Đậu ngon nức tiếng khắp cả nước từ hàng trăm năm nay. Làng bánh chưng Bờ Đậu quanh năm đỏ lửa. Bánh chưng Bờ Đậu bày bán quanh năm, theo chân khách thập phương đi về mọi miền đất nước. Vào những ngày giáp Tết, không khí gói bánh, nấu bánh trong Làng càng nhộn nhịp.

Trong Làng bánh chưng Bờ Đậu, có một doanh nghiệp sản xuất bánh dân tộc do một thương binh nặng (1/4), làm Giám đốc, đó là ông Nguyễn Hải Âu. Ông còn nhiều năm là Trưởng ban Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu. Doanh nghiệp Hải Âu của ông rất có uy tín trong thị trường Thái Nguyên và cả nước về đặc sản bánh chưng cùng các loại bánh cổ truyền dân tộc. Khi rời quân ngũ về địa phương, mặc dù là thương binh nặng, đi lại rất khó khăn, nhưng ông Nguyễn Hải Âu vẫn lăn lộn với rất nhiều nghề để kiếm sống. Nghề làm bánh chưng cũng là một nghề gia truyền từ rất xa xưa của ông cha để lại và ngày càng bị mai một. Bánh chưng lại là loại bánh cổ truyền không thể thiếu trong các dịp lễ tết, đám cưới, ngày rằm, ngày thường… Ông quyết định phát triển kinh tế bằng nghề truyền thống của gia đình và địa phương. Với chức năng Trưởng ban Làng nghề và nhiệm vụ khôi phục Làng nghề truyền thống, ông đã tuyên truyền, vận động bà con giữ vững, phát huy “nghề vàng” của địa phương, đồng thời dành nhiều thời gian quảng bá thương hiệu  sản phẩm. Do vậy, nghề làm bánh chưng đã được hồi sinh và phát triển, thu hút hơn 200 lao động thường xuyên làm việc tại Làng. Năm 2009, UBND tỉnh đã công nhận Làng nghề truyền thống đối với Bánh chưng Bờ Đậu. Năm 2013, Làng nghề đã vinh dự được nhận cúp Vàng “Thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng Toàn quốc” do TW Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam trao tặng. Năm 2013, ông thành lập Công ty TNHH Hải Âu (còn có tên gọi Hảo Âu – Tên ghép của hai vợ chồng ông) chuyên sản xuất 9 loại sản phẩm bánh dân tộc truyền thống như: Bánh giò, bánh gai, bánh xu xê, bánh cốm… và đặc biệt là bánh chưng. Công ty thu hút trên 10 lao động; Riêng ngày lễ, ngày tết, lực lượng lao động làm việc tại Công ty nhiều hơn. Lương bình quân mỗi lao động mỗi tháng từ 3 triệu đồng trở lên. Hiện nay, Công ty đã có rất nhiều đơn đặt hàng lớn tới hàng nghìn chiếc bánh và tiêu thụ hàng tấn gạo nếp, đỗ, thịt để làm bánh mỗi ngày. Còn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán Bính Thân, một số khách hàng quen đã đặt tới 9 tấn gạo nếp để làm bánh chưng. Những hóa đơn đặt hàng lớn như vậy hầu như chỉ có ở những cơ sở kinh doanh uy tín như Hải Âu mới có được. Mới thành lập được 3 năm, Doanh nghiệp đã mở rộng được thị trường khá rộng lớn trên cả nước. Sản phẩm của Công ty đạt nhiều cúp Vàng như: Thương hiệu tin dùng, Thương hiệu nhãn hiệu chính hãng, Bàn tay vàng… Và danh hiệu Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác do Ban tổ chức Hội đồng xét duyệt Quốc gia tặng. Mới đây nhất, ngày 5/2/2015, ông Nguyễn Hải Âu còn vinh dự được Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang trao kỷ niệm chương cho Doanh nhân tiêu biểu tại Phủ Chủ Tịch. nhan-ky-niem-chuong Ông Nguyễn Hải Âu cho biết, bí quyết thành công của thương hiệu Bánh chưng Bờ Đậu nói chung và Bánh chưng Hải Âu nói riêng là luôn tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để bánh chưng Bờ Đậu vừa ngon, vừa rẻ hơn bánh chưng các vùng miền khác. Để chất lượng sản phẩm được tốt, Công ty luôn tìm nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngon và chọn lọc kỹ càng. goi-banh-chung Gạo nếp là đặc sản của núi rừng Định Hóa, thứ gạo dẻo và đặc biệt rất thơm. Trước khi gói bánh, gạo nếp được lọc hết sạn và những hạt đầu đen, hạt tẻ lẫn vào, sau đó vo sạch, để ráo nước, trộn với một chút muối. Lá dong gói bánh  lấy từ Na Rì, Chợ Đồn (Bắc Cạn), phải là thứ lá nếp, dày, xanh mướt, bản rộng, được rửa sạch cả hai mặt, để ráo nước và tước bớt cuống lá... Lạt buộc bánh là lạt chẻ bằng giang bánh tẻ một gióng và phải chẻ đều tay, không được “thắt đuôi chuột”. Đỗ xanh làm nhân bánh cũng là thứ đỗ quê đều hạt, vỏ mỏng, lòng vàng được vỡ đôi, ngâm nước, đãi sạch vỏ và trộn thêm chút muối cho đậm đà. Thịt gói bánh lấy từ loại thịt ba chỉ ngon của giống lợn vùng cao thả rông, thái miếng to, ướp muối, hạt tiêu sao cho ngấm đều. Đặc biệt là nguồn nước luộc bánh được lấy từ giếng đào dưới chân núi Cẩm rất trong, ngọt và sạch. Tương truyền, nơi đây có được những chiếc bánh ngon nổi tiếng là bởi người dân sử dụng nước tại các giếng khơi. Bánh phải luộc đều lửa từ 10-12 tiếng sôi liên tục mới rền, dẻo, ngậy mùi thơm và xanh màu lá dong đẹp mắt. Bánh chưng Bờ Đậu chỉ gói bằng tay với bốn lá dong rừng, ngay cả không ép nhưng vẫn rất chắc bánh và vuông vắn do được gói bởi đôi bàn tay vàng của các thợ lành nghề gia truyền từ nhiều đời nay ở Bờ Đậu. Đó chính là sự khác biệt của đặc sản bánh chưng nơi đây so với bánh chưng được gói ở các vùng miền khác. Bánh chưng Bờ Đậu hiện nay đã được khách thập phương biết đến và dần chiếm lĩnh thị trường trong cả nước. Tết Nguyên Đán Bính Thân đã đến gần. Không khí vui tươi, nhộn nhịp và hăng say công việc làm bánh vẫn diễn ra náo nức tại làng nghề. Công ty TNHH Hải Âu lại hối hả chuẩn bị cho những xe hàng từ mọi miền đất nước về đặt và nhận bánh chưng để phục vụ bà con nhân dịp tết cổ truyền dân tộc. Kim Phượng