THACO khởi công loạt dự án trọng điểm Công - Nông - Lâm nghiệp tại Chu Lai

00:00 12/10/2020

Việc khởi công các "siêu dự án" này đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của Khu Kinh tế mở Chu Lai, đặc biệt là của Thaco - doanh nghiệp tư nhân tiên phong đầu tư tại đây từ những ngày đầu thành lập.

Ngày 24.3, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã tổ chức lễ khởi công bốn dự án trọng điểm đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai, gồm: Khu công nghiệp nông – lâm nghiệp; khu công nghiệp cơ khí – ô tô Chu Lai mở rộng; dự án đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn; khu nhà ở công nhân và tái định cư.  Đây là những dự án trọng điểm mang tính chiến lược cho giai đoạn phát triển mới theo hướng đa ngành của THACO và giai đoạn đầu tư mới của THACO tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu  thực hiện nghi thức khởi công Khu công nghiệp Nông – Lm nghiệp và Khu công nghiệp Cơ khí – Ôtô Chu Lai mở rộng sáng 24.3

Chụ thể, Dự án KCN cơ khí và ô tô mở rộng có diện tích 115 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 1.600 tỷ đồng để thu hút, phát triển tiếp công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm giá thành và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô du lịch đạt trên 40%, đáp ứng điều kiện để xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN vào năm 2020. Đồng thời, phát triển các ngành cơ khí khác: Cơ khí Nông nghiệp; Cơ khí xây dựng; Cơ khí thiết bị công nghiệp dựa trên nền tảng của Cơ khí ô tô hướng đến sự hình thành Trung tâm cơ khí đa dụng tập trung có quy mô lớn tại miền Trung Việt Nam. Đây là dự án thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp đã đề ra của tỉnh Quảng Nam và có ý nghĩa là động lực phát triển ngành cơ khí cho khu vực miền Trung nói riêng và của đất nước nói chung.

Dự án KCN Nông - Lâm nghiệp có diện tích 451 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng 8.118 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2022. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, cho biết đây là khu công nghiệp chuyên nông nghiệp tập trung mà chính yếu và trước mắt là cây ăn trái và cây lâm nghiệp nhằm thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng; công nghệ và kỹ thuật canh tác; thu hoạch, chế biến và phân phối, qua đó phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia. 

THACO đã hoạch định chiến lược phát triển là trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó cơ khí và ô tô là chủ lực, đồng thời phát triển các ngành sản xuất khác có bổ trợ cho nhau nhằm tạo ra giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh gồm: Nông nghiệp; Đầu tư xây dựng Giao thông, Hạ tầng, Đô thị - Khu công nghiệp; Logistics và Thương mại - Dịch vụ. Ảnh: T.Dũng

KCN Nông - Lâm nghiệp này có các chức năng, gồm: Trung tâm nghiên cứu (R&D) (về giống, vật tư nông nghiệp, công nghệ sinh học, hữu cơ và kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến); Các nông trường mẫu thực nghiệm sản xuất theo hướng công nghiệp, áp dụng cơ giới hóa và quản trị số hóa trên tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho các loại cây ăn trái như: bưởi, mít, xoài và cây lâm nghiệp có giá trị cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu khu vực miền Trung; Khu chăn nuôi thực nghiệm; Sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ; Khu kho lạnh tập trung chuyên dụng cho trái cây; Nhà máy chế biến trái cây các loại để bao tiêu sản phẩm của Hoàng Anh Nông nghiệp Gia Lai và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để sản xuất các loại trái cây sấy, trái cây cấp đông nhanh và cung cấp các nguyên liệu đầu vào là bột trái cây, nước trái cây cô đặc các loại cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống vệ tinh khác.

Ngoài ra, KCN sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư là đầu mối sơ chế và cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất đồ gỗ thông qua việc nhập khẩu và phát triển vùng trồng nguyên liệu tại miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam, Lào và Campuchia; các nhà đầu tư sản xuất đồ gỗ; các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành gỗ.

Thủ tướng cùng các đại biểu chứng kiến sự kiện THACO xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên từ cảng Chu Lai sáng 24.3. Ảnh: T.Dũng

KCN này đi vào hoạt động sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tạo nên chuỗi giá trị sản xuất chế biến xuyên suốt, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm giá thành, hình thành trung tâm sản xuất chế biến nông - lâm nghiệp cho Quảng Nam và khu vực miền Trung, qua đó làm tăng giá trị đáng kể trên diện tích đất trồng trong tương lai, dựa trên cây ăn trái, cây lâm nghiệp có giá trị cao thay thế cho phần lớn diện tích đất hiện nay là trồng cây keo có giá trị rất thấp. Đồng thời, tạo ra một hệ sinh thái công - nông - lâm nghiệp đồng bộ, bổ trợ lẫn nhau trong chuỗi giá trị, gia tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Khi hoàn thành dự án này không chỉ đóng góp ngân sách và giải quyết 20.000 lao động mà còn có sức lan tỏa rất lớn đến người dân mà chủ yếu là nông dân tỉnh Quảng Nam và miền Trung, Tây Nguyên trong việc thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất nông - lâm - nghiệp.

"Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp được khởi công ngày hôm nay cùng với Khu công nghiệp chuyên lúa đang triển khai tại tỉnh Thái Bình và trong tương lai gần THACO sẽ triển khai tiếp Khu công nghiệp Nông nghiệp chuyên trái cây tại khu vực Đông Nam Bộ và Khu công nghiệp Nông nghiệp chuyên lúa tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo sự đột phá - nâng tầm thương hiệu nông lâm sản Việt Nam, góp phần đưa ngành nông - lâm nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới như Thủ tướng đã chỉ đạo." - ông Trần Bá Dương phát biểu.

Bến cảng 5 vạn tấn được THACO đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư là 2.600 tỷ đồng. Ảnh: T.Dũng

Ngay sau lễ khởi công Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp, THADI sẽ triển khai xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng; đưa vào hoạt động giai đoạn một từ tháng 6 năm 2020 với công suất 200.000 tấn/năm. Nhà máy được tư vấn, thiết kế bởi Tập đoàn Riekermann của Đức, cung cấp dây chuyền thiết bị chế biến trái cây bởi công ty Bertuzzi của Ý và Tập đoàn GEA của Đức. Đây là những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp thiết bị sản xuất chế biến nông nghiệp. Công ty THADI và các đối tác: Công ty Rieckermann; Công ty Bertuzzi; Trung tâm ứng dụng ngành Thực phẩm, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết hợp tác về tư vấn thiết kế nhà máy và cung cấp dây chuyền, thiết bị chế biến trái cây.

Cùng ngày, THACO cũng khởi công dự án mở rộng và đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn với chiều dài bến cảng là 790 m và tổng vốn đầu tư là 2.600 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai xây dựng và mở rộng 335m về phía hạ lưu với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng nhằm đón nhận tàu có trọng tải lớn hơn đến 5 vạn tấn, đồng thời khai thác hàng xuất khẩu tạo nguồn hàng đối lưu cho các tuyến hàng hải quốc tế, qua đó giảm giá thành vận chuyển, góp phần thu hút đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai trong thời gian tới.

Ngoài ra, để phục vụ tái định cư cho người dân thuộc vùng triển khai các dự án đầu tư mới tại Khu kinh tế mở Chu Lai, THACO đầu tư xây dựng Khu nhà ở công nhân và tái định cư có diện tích gần 30 ha với tổng vốn đầu tư 2.760 tỷ đồng, với quy mô dân cư khoảng 5.000 người, số lượng nhà ở khoảng 1.220 căn. Dự án được nghiên cứu, định hướng phát triển trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa về không gian với các chức năng: nhà ở, thương mại, dịch vụ và kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông kỹ thuật, bao gồm: khu nhà ở; trường mầm non có quy mô 400 trẻ; đầy đủ các công trình tiện ích (sinh hoạt văn hóa, cộng đồng, hội họp, giao lưu, thể thao…) và công viên cây xanh tạo mỹ quan đô thị.

Đồng thời, dự án cũng sẽ đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ công nhân của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, góp phần thực hiện an sinh xã hội tại địa phương, qua đó thu hút nguồn nhân lực đến với Quảng Nam.

Theo Thủ tướng, bài học thực tiễn của Chu Lai cho thấy để xây dựng một khu vực động lực kinh tế thành công, chúng ta cần hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh để thu hút, giữ chân doanh nghiệp, lôi kéo các nhà đầu tư mới, khuyến khích những khát vọng kinh doanh vươn ra biển lớn. Thaco là một ví dụ tốt về tư duy hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: T.Dũng

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, gần 20 năm trước, ít ai có thể hình dung một vùng đất cằn cỗi, hoang hóa như Chu Lai lại có thể trở thành nơi đặt đại bản doanh của một trong những tổ hợp công nghiệp thành công hàng đầu của cả nước. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của THACO tại Chu Lai đạt gần 42 ngàn tỉ đồng, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 9 ngàn người (mà trên 80% trong số đó là con em xứ Quảng, gồm cả Quảng Ngãi và Quảng Nam), đóng góp gần 16 ngàn tỉ đồng thu ngân sách địa phương.

Từ hơn 15 năm, trước khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 ra đời, THACO nói riêng, khu kinh tế mở Chu Lai nói chung đã góp phần khẳng định một cách đúng đắn từ rất sớm vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là đối với một trong những vùng đất mà người xứ Quảng hay gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ở khúc ruột miền Trung.

“Đứng tại nơi đây, tôi đang hình dung rõ ràng về một Chu Lai không chỉ là khu sản xuất cơ khí ô tô nổi tiếng mà trong tương lai gần sẽ đóng góp quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới và một Chu Lai khởi nghiệp để trở thành trung tâm chế biến nông lâm sản chất lượng cao của cả nước, có khả năng vươn tới những thị trường tiêu dùng, có sức cầu lớn ở các nước ASEAN, Đông Bắc Á, G7 và G20…”

Thủ tướng khẳng định sẽ hết sức ủng hộ và hỗ trợ để các công ty nói chung và THACO nói riêng đầu tư hoàn thành các dự án. Các bộ, ngành Trung ương phải tích cực phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư chiến lược cùng hợp tác, phát triển, thúc đẩy tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước...

T.Dũng