Thách thức và giải pháp cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái

14:00 04/12/2020

Hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề được dư luận quan tâm vì có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân; môi sinh - môi trường; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch. Nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

Cơ quan chức năng xử lý hàng giả, hàng nhái (Ảnh: internet)
Cơ quan chức năng xử lý hàng giả, hàng nhái (Ảnh: internet)

Nhức nhối nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở mọi nơi, từ quầy hàng tạp hóa đến hè phố đô thị, trà trộn vào cả những siêu thị chuyên bán mặt hàng cao cấp. Hàng giả, hàng nhái làm mất uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu. Nhưng hậu quả khó lường hơn là những nguy cơ có thể gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người khi sử dụng những sản phẩm chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương.
Ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương.

Ông Hồ Tùng Bách- Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, Cục đã nhận được 176 khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ. Các nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến hàng hóa không có nhãn phụ, không có thông tin về nhà sản xuất; hàng hóa kém chất lượng, khác so với quảng cáo; hàng hóa giả mạo thương hiệu, nguồn gốc và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong giao dịch thương mại điện tử…

“Hàng giả, hàng nhái và dịch vụ kém chất lượng ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng, tạo ra các hệ lụy liên quan đến môi trường cạnh tranh, lòng tin của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Hiện vẫn còn nhiều vụ việc chưa xác định được các chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý, đặc biệt là trong một số giao dịch thương mại điện tử”, ông Bách khẳng định.

Hàng giả, hàng nhái, đội lốt xuất xứ không chỉ diễn ra ở thị trường trong nước mà cả thị trường xuất khẩu, nơi Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới, qua nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Ông Nguyễn Xuân Khương - Phó Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài Chính cho biết: “Hiện các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những chính sách thay đổi như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, trong hoạt động thương mại, đặc biệt các cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…. có tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam.”

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang chịu tác động bởi các Hiệp định thương mai tự do (FTA), do đó hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.

Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Nâng cao vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng

Ông Nguyễn Xuân Khương - Phó Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài Chính
Ông Nguyễn Xuân Khương - Phó Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài Chính.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Khương: Kết quả đến thời điểm hiện tại số vụ việc mà cơ quan Hải quan đã kiểm tra là 78 doanh nghiệp, tổng số trị giá hàng xuất khẩu là 647 tỷ đồng, phát hiện 391 C/O giả và 1.894 C/O không đủ điều kiện.

Đặc biệt, cuối năm 2019 đã phát hiện một Công ty Cổ phần có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cho 33 doanh nghiệp, với trị giá hàng vi phạm khoảng 600 tỷ đồng.

Với tình hình diễn biến trên, có thể nói vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan chức năng là rất quan trọng trong việc kiểm soát xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút đầu tư trong nước để sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền- Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

Theo ông Lê Huy Anh- Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, để tăng cường xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến SHTT, mà trước tiên là Luật SHTT. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động xác lập quyền SHTT của các cơ quan xác lập quyền SHTT. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng thẩm định viên. Tăng cường công tác quản lý và giám sát chất lượng thẩm định, nâng cao tính minh bạch của hoạt động thẩm định cũng như tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức SHTT.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Luật SHTT của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại lên Cục SHTT.

Người tiêu dùng cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước. Việt Nam hiện nay cần phải thiết lập một cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Theo đó, nhà sản xuất cần bỏ kinh phí để thông báo đến người tiêu dùng nhằm phân biệt hàng thật của mình với hàng giả và có chính sách khen thưởng kịp thời cho những người tiêu dùng phát hiện ra hàng nhái, hàng giả.

Đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà là công việc của toàn xã hội. Người dân cần nâng cao ý thức, nhận biết, nói không với hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký quyền SHTT, chủ động tham gia giám sát bảo vệ sản phẩm của chính mình. Các cơ quan thực thi pháp luật cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn để các biện pháp đưa ra được đồng bộ, hiệu quả.

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai công tác đồng bộ, quyết liệt nên nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý, nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị triệt phá. Cụ thể, trong quý 3/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm (giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp nhà nước 4.386,9 tỷ đồng (giảm 30% so với cùng kỳ); khởi tố 369 vụ (tăng 14 % so với cùng kỳ), 454 đối tượng (tăng 25% so với cùng kỳ).

Ngọc Thái