Thách đố với người “thách đố với ngành Than”

00:00 12/10/2020

(DNHN). Báo PetroTimes 26/06/2015 đăng bài viết “ Một sáng kiến thách đố ngành Than? “ của Kim Triêu, trong đó, nội dung “thách đố” thế này:

nhan-vien-ham-mo

              Lực lược cấp cứu mỏ diễn tập khi xảy ra sự cố mỏ hầm lò

“Thứ nhất, ông xin để mua lại cổ phần khống chế của Nhà nước tại một công ty than đang hoạt động khai thác. Ông sẽ là người đại diện phần vốn của Nhà nước ở công ty than này.

Thứ hai, việc khai thác than đảm bảo theo đúng các quy định của luật pháp và quy hoạch khai thác đã được phê duyệt.

Thứ ba, ông sẽ đảm bảo cho tất cả công nhân đang lao động tại công ty không bị mất việc làm và sẽ được hưởng mức lương cao hơn mức lương hiện tại ít nhất 10%.

Thứ tư, ông sẽ đảm bảo tăng năng suất khai thác than 10-15%.

Thứ năm, ông đảm bảo giá thành khai thác than giảm so với mức hiện nay cũng khoảng 10%.

Thứ sáu, đảm bảo chỉ tiêu nộp Ngân sách Nhà nước tăng từ 10% đến 15% so với kế hoạch đã được phê duyệt.

Thứ bảy, chính quyền, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lập tổ công tác đặc biệt để giám sát các hoạt động của công ty, đảm bảo rằng công ty hoạt động đúng pháp luật và quy định của Nhà nước trong việc khai thác tài nguyên.

Thứ tám, ông đặt cọc cho sáng kiến của mình 700 tỉ đồng. Số tiền này do TKV quản lý. Nếu trong những điều cam kết trên, có điều nào không được thực hiện thì cứ tiền ấy mà trừ đi”…

…Bài viết trên không nêu danh tính người “thách đố”; không nêu rõ, người “thách đố” muốn mua lại cổ phần chi phối của Nhà nước tại một công ty than đang hoạt động khai thác là mỏ lộ thiên hay mỏ hầm lò? Và, cái được gọi là “sáng kiến” ấy chỉ  là những lời “thách đố” hết sức chủ chủ quan, khiến bài viết thiếu tính thuyết phục; rất đáng khả nghi về tính chân thực của nó.

 Dù sao, bài viết khiến chúng ta liên tưởng tới một sự thật rằng, thành phần kinh tế Nhà nước nói chung và Tập đoàn TKV nói riêng đang bộc lộ nhiều yếu kém trong tổ chức nhân sự; trong tổ chức sản suất; trong quản trị doanh nghiệp v.v. khiến  năng suất lao động thấp, giá thành cao và phát sinh nhiều tiêu cực trong tổ chức sắp xếp lao động – nếu không muốn nói là nạn chạy chức, chạy quyền; tiêu cực trong đầu tư; tiêu cực trong quản lí sản phẩm v.v. mà những vụ vi phạm pháp luật đã bị bóc trần chỉ là  ví dụ.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa phủ nhận thành tựu của TKV. Chẳng hạn, năm  2015, lũ lụt tàn phá ghê gớm, để lại hậu quả nặng nề như thế; “thuế chồng lên thuế; phí chồng lên phí” như thế; giá than, giá kim loại trên thế  giới giảm một cách thảm hại như thế… mà TKV vẫn  đảm bảo việc làm, thu nhập cho trên 120 nghìn CNCB và hoàn thành vượt mức kế hoạch  với tổng doanh thu đạt 106.860 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước 12.500 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 600 tỷ đồng; tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 8,7 triệu đồng/người/tháng là rất đáng trân trọng.

 Chỉ riêng khoản thuế, nhiều năm qua, mỗi công nhân TKV đã nộp ngân sách Nhà nước khoảng 100 triệu đồng/năm; tiền thuế mỗi CNCM ngành Than – Khoáng sản có thể “nuôi” được ba cán bộ công chức nhà nước  trong một năm. Người “thách đố” kia liệu có thực hiện nghĩa vụ thuế nghiêm túc như doanh nghiệp Nhà nước không? Hay cũng tìm cách luồn lách trốn thuế như rất nhiều doanh nghiệp tư nhân khác?

Hơn thế:

1.Để đưa một mỏ vào khai thác, nhất là mỏ hầm lò, phải xây dựng trong nhiều năm, với vốn đầu tư trên dưới chục nghìn tỷ đồng. Người “thách đố” kia có đủ tiền  mua cổ phần chi phối tài sản một cái mỏ để khai thác không?

2.Để có được kết cấu hạ tầng vững chãi như hiện nay, gồm hệ thống vận tải, cảng biển, hệ thống sàng tuyển v.v. ngành Than phải xây dựng từ nhiều năm. TKV đã hình thành dây chuyền sản xuất khép kín và khoa học. Người “thách đố” kia sẽ thuê mướn kết cấu hạ tầng của TKV như thế nào? Việc kết nối với dây chuyền sản xuất khép kín của TKV ra sao?

3.Từ nhiều năm nay, TKV đã không tiếc tiền bạc để xây dựng đội ngũ kỹ thuật an toàn; đầu tư phương tiên bảo vệ an toàn cho sản xuất. TKV đã không tiếc công, tiếc của huy động lực lượng cấp cứu mỏ  tinh nhuệ  tham gia cứu hộ những vụ sự cố đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại chính các lò than tư nhân và tại các địa phương như Đạ Dâng(Lâm Đồng), Hòa Bình...Thử hỏi, vị “thách đố” kia có đủ phương tiện, kiến thức và kinh nghiệm để bảo vệ cho công nhân mình trong sản xuất hay không?

4.TKV đã bỏ ra hàng nghìn tỷ để cải tạo môi trường vùng mỏ. Người “thách đố” kia đóng góp, cam kết bảo vệ môi trường như thế nào?

5.Truyền thống “Kỷ luật – Đồng tâm”  của giai cấp công nhân vùng Mpr đã được hun đúc qua nhiều thế hệ, tạo thành sức mạnh, vượt qua mọi thời kỳ gian khổ, góp phần quan trọng vào thành quả cách mạng. Đây là truyền thống vẻ vang, rất đáng tự hào. Nói đến truyền thống ngành Than, không ai dám phủ nhận truyền thống anh dũng, truyền thống đoàn kết thương yêu nhau, có trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt là trong công cuộc xóa đói gảm nghèo tại các địa phương; nói đến phong trào của gia cấp công nhân mỏ, không ai dám phủ nhận các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là trong các cuộc kháng chiến; Nói đến ngành Than, không ai dám phủ nhận phong trào văn háo, thể thao v.v.. Xin hỏi người “thách đố” kia đã chuẩn bị những gì để xây dựng truyền thống như ngành Than?

   Là người đã được đào tạo nghề hầm lò, từng chỉ huy sản xuất hầm lò và đã làm việc trong ngành than 20 năm, người viết bài này dám thách đố với người “thách đố với ngành Than” thực hiện được 8 điều mà ông đưa ra “thách đố ngành Than”!

Tuy nhiên, việc thách đố của chúng tôi tự thấy như là chuyện…vỉa hè. Vấn đề nghiêm túc đặt ra ở đây là, ngành Than là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh Quốc gia, Nhà nước cần phải nắm giữ. Ở nước Nga, thời Yeltsin làm Tổng thống đã bán các mỏ cho tư nhân và đã phải trả giá. Đến thời đến thời  Putin làm Tổng thống phải mua lại một số mỏ. Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ nước Nga.

  Muốn vậy, Nhà nước cần có những chính sách với ngành Than  hợp lí hơn. Và chính ngành Than cũng  phải nỗ lực hơn nữa để  tăng năng suất, giảm giá thành và  đẩy lùi những tiêu cực nêu trên.

Minh Cao