Tết Đoan Ngọ: Lãi mỏng nhưng hết hàng nhanh, tiểu thương thi nhau bán

00:00 12/10/2020

Sáng sớm hôm nay (30/5) nhằm ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, tại nhiều chợ ở Hà Nội, khung cảnh mua bán dường như tấp nập hơn thường ngày. Các mặt hàng như rượu nếp, nếp cẩm, vải, mận, chôm chôm,... được bán bày bán la liệt, nhưng không mua sớm thì cũng không còn hàng đẹp, ngon.

Khảo sát của phóng viên ở một số chợ như: chợ Ngọc Hà (Ba Đình), chợ Định Công, chợ Khương Trung,...một số quầy hàng mọi ngày chỉ bán rau, củ hay một số thứ khác nhưng hôm nay cũng đều bán thêm thứ gì đó cho ngày Tết Đoan Ngọ. Do nhiều người phải đi làm sớm, nên mới 7 giờ sáng, một số mặt hàng bán cực chạy như vải, rượu nếp, nếp cẩm đã bán hết sớm. Chị Ngô Thị Bích, hàng ngày vẫn bán gà luộc, đồ lễ, nhưng năm nào vào ngày Tết Đoan Ngọ chị cũng làm 100 kg rượu nếp và 40 kg nếp cẩm để bán thêm. Chị Bích cho biết, “Mở hàng ra từ 5 giờ sáng mà đã có người đến mua. Mình làm 2 loại nên khách thì ăn loại nào thì mua, 1 cốc rượu nếp 250g có giá 10.000 đồng, nếp cẩm thì ít hơn, khoảng 200g nhưng cũng có giá 10.000 đồng/cốc.” “Nghe 100 kg tưởng nhiều nhưng cũng chỉ ra được có 40 cốc rượu nếp, 16 cốc nếp cẩm, chục khách vào có khi đã hết nửa hàng vì họ toàn mua 3 – 4 cốc cho cả nhà. Bán nhanh như mọi năm thì 9 giờ là đã hết hàng, mà hàng nào trong chợ cũng bán nhanh như vậy chứ không riêng gì mình”, chị Bích cho biết thêm. Chị Nguyễn Mai Hương, một tiểu thương tại chợ Định Công, mọi ngày thường bán thịt buổi chiều nhưng sáng cũng bày thêm rượu nếp ra bán. Chị cho biếtL “Muốn có rượu nếp với nếp cẩm bán thì phải chuẩn bị từ tối mùng 3 âm, thì đến sáng mùng 5 mới có hàng để bán. Bán lẻ thì 15.000 đồng/cốc cả 2 loại, nhưng nếp cẩm sẽ được ít hơn.” “Khách mua nhiều cũng không giảm giá được vì ngày này bán lẻ cũng sẽ hết hàng nên không cần bán buôn. Còn nếu khách mua về làm thì mình bán 25.000 đồng/kg gạo nếp trắng và men, nếp cẩm thì 35.000 đồng/kg gạo và men. Lãi không dày nhưng cũng có thêm đồng ra đồng vào cải thiện bữa ăn cho gia đình”, chị Hương cho biết thêm.

Là sinh viên năm cuối một trường Cao đẳng tại Hà Nội, Phạm Phương Anh không có thời gian tự làm nếp cẩm nhưng cô bạn rất yêu thích món này. Phương Anh cho biết, “Sữa chua nếp cẩm là món yêu thích của mình, bình thường ăn ngoài quán cũng đã 15.000 – 20.000 đồng/cốc. Nên hôm nay ngoài chợ bán 10.000 – 15.000 đồng/cốc cũng không phải là đắt. Mình mua hẳn 2 cốc kèm vài hộp sữa chua về diệt sâu bọ theo cách mình vẫn hay làm.” Không chỉ rượu nếp, nếp cẩm bán chạy, 2 loại hoa quả truyền thống cho ngày này là vải và mận cũng hết bán hết rất nhanh. Chị Ngô Mai, có một quầy hoa quả tại chợ cho biết, “Vải có 2 loại 45 – 50 nghìn đồng/kg và 60 – 65 nghìn đồng/kg, nhưng ngon hay không ngon thì hôm nay cũng hết cực sớm. Chị đã phải nhập gấp đôi so với ngày thường lên 60 kg nhưng cũng hết trong 2 – 3 tiếng, còn 1 chùm để lát mang về cho bọn trẻ ở nhà mà khách cứ gạ mua mãi.” “Mận thì bán 30.000 - 40.000 đồng/kg, chậm hơn một chút so với vải nhưng 1 thùng 40 kg cũng chỉ còn lại 1 ít, mà chủ yếu toàn quả nhỏ và xanh. Cả vải với mận mỗi cân cũng lãi được 5.000 – 10.000 đồng/kg, nên tính riêng 2 loại cũng phải được 1 triệu tiền lãi hôm nay”, chị Mai cho hay. Nhiều người lại chọn vịt cho ngày Tết Đoan Ngọ để giết sâu bọ, anh Đinh Huy Linh đang làm tại Long Biên được cử đi mua vịt từ sáng sớm để phục vụ bữa trưa cho cơ quan. Sau khi tham khảo một vòng quanh chợ anh cũng mua được 3 con vịt gần 10 kg. Nhưng theo anh Linh: “Có 2 loại vịt, một loại bị nhồi căng diều có giá 45.000 đồng/kg, còn loại không bị nhồi thì 50.000 đồng/kg. Vì ngày lễ nên giá cũng có tăng nhẹ hơn so với ngày thường một chút không đáng kể, còn muốn mua vịt ngon thì phải đi chợ sớm.” Hà Tĩnh: Giá thực phẩm "té nước theo mưa" trong dịp Tết Đoan Ngọ Vào dịp Tết Đoan Ngọ, dạo quanh các chợ tại khu vực chợ TP Hà Tĩnh như chợ Vườn Ươm, chợ tỉnh, chợ Trung Đình... đâu đâu cũng thấy người bán vịt. Từ vỉa hè, đến khu vực cổng vào nhiều sọt bán vịt được mọc lên bày la liệt. Từ vịt nguyên con đến vịt làm rồi, hay thậm chí cả vịt nấu sẵn đều được bày bán phục vụ các "thượng đế" trong dịp này. Các quầy hàng bán vịt bỗng chốc mọc lên như nấm nhưng vẫn không kịp bán dù thời điểm hiện tại vịt có giá từ 70.000 đồng/con loại chưa làm lông và khoảng 80.000 - 85.000 đồng/con đối với vịt đã làm sạch. Theo nhiều người bán thì bắt đầu từ ngày hôm qua giá vịt đã đắt hơn ngày thường từ 10.000 - 15.000 đồng/ con. Một người bán vịt cho hay, từ sáng đến trưa, trung bình một quầy hàng bán từ 20 - 50 con vịt. Những quầy đông người phụ làm thì còn nhiều hơn.

Anh Trần Văn Thảo (phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh) - một người mua hàng, lắc đầu: Không chỉ vịt bán ở chợ cũng cao giá mà mua tận nhà cũng với giá này. Vịt tăng giá đã đành mà các loại thức ăn kèm cũng tăng giá. Nhiều mặt hàng cũng "té nước theo mưa" tăng giá bất thường như: bún, riềng, sả, măng tươi... Theo chị Liên (phường Bắc Hà, Tp Hà Tĩnh) cho biết: "Bình thường măng chỉ khoảng 20.000 - 30.000đồng/kg mà giờ có loại 50.000đồng/kg. Thấy người bán cứ nói mua vào đắt, nhưng làm gì có chuyện 2 ngày mà giá tăng gấp đôi như thế." Bún cũng là mặt hàng được các bà nội mua nhiều trong dịp này. Có giá tăng giá nhẹ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg nhưng các quầy bún lúc nào cũng đông khách. Chị Lê - bán bún tại chợ Vườn Ươm cho biết: "Hôm nay, tôi lấy nhiều hơn so với mọi ngày mà cũng bán hết veo phải lấy thêm để bán. Theo dantri