Tên thương mại là gì?

00:00 12/10/2020

Câu hỏi: xin hỏi tên thương mại là gì? Có phải là tên doanh nghiệp không? Tên thương mại có được bảo hộ không?     Trả lời: Theo quy định trong Luật doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn, tên doanh nghiệp là tên gọi của doanh nghiệp được ghi trong giấy phép kinh doanh và được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp là yếu tố phân biệt các doanh nghiệp với nhau trong hoạt động kinh doanh. Ví dụ: Công ty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH, Tổng Công ty May 10 –CTCP, Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp... Trong khi đó, Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.” (theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) Ví dụ: Công ty Sữa TH True Milk, Công ty May 10, Công ty Luật HILAP.... Có thể thấy, khác với tên doanh nghiệp (gồm 2 thành phần: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng), tên thương mại bắt buộc phải có thành phần giúp “phân biệt” các doanh nghiệp với nhau. Do đó, để tên thương mại có khả năng phân biệt phải đảm bảo các yếu tố sau:
  1. a) Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
  2. b) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
  3. c) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Khác với các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… cần phải được đăng ký bảo bộ tại Cục Sở hữu trí tuệ,  tên thương mại được bảo hộ khi đảm bảo được yếu tố phân biệt  và sử dụng trong thực tiễn theo quy định tại Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Nghị định 103/2006/ND-CP như sau: Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Khi bị xâm phạm về tên thương mại, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các hình thức sau để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình: Một là, áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm; Hai là, yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; Ba là, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật. Việc xâm phạm về tên thương mại có thể bị xử lý hành chính từ 500.000 đồng đến tối đa là 250.000.000 đồng tùy theo hành vi vi phạm (quy định tại Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP  Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp do Chính phủ ban hành ngày 29/08/2013) Bốn là, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình  Lưu ý: Tên thương mại của tổ chức, cá nhân chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Hồng Liên Công ty Luật HILAP Hà Nội