Tây Ninh: Không để tệ nạn, hủ tục biến tướng xuất hiện trong lễ hội

00:00 12/10/2020

Đoàn công tác của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái vừa dẫn đầu vừa có chuyến đi kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, trọng tâm là Hội xuân núi Bà Đen.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Dương Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTH& DL) Tây Ninh cho biết, tính đến nay, hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra theo đúng nếp sống văn minh, trật tự, ý nghĩa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh, đời sống tín ngưỡng của người dân. le-hoi Riêng Hội xuân núi Bà 2016 diễn ra tại Khu di tích lịch sử văn hóa danh thắng và du lịch cấp quốc gia núi Bà Đen đã đón trên 743.000 lượt du khách. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền thường xuyên nên năm nay, không có hiện tượng khách hành hương đặt tiền lễ, công đức lên bàn thờ, gài tiền lẻ vào tượng Phật; nạn trộm cắp, gây rối, xóc thẻ, bói toán cúng thuê, đốt đồ mã gần như không có. Việc quản lý thu, chi tiền công đức và các khoản khác từ lễ hội được thực hiện công khai, minh bạch. Trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và an ninh cho du khách luôn được thực hiện 24/24, đúng theo quy định. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí diễn ra lành mạnh. Nhiều bảng chỉ dẫn thoát nạn được lắp ở nơi dễ thấy để du khách dễ nhận biết, lánh nạn khi sự cố xảy ra, hệ thống loa phát thanh thường xuyên tuyên truyền trong toàn khu di tích về tình hình an ninh trật tự đến du khách… Kiểm tra thực tế tại hiện trường, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ghi nhận và biểu dương Ban tổ chức Hội xuân núi Bà Đen đã làm tốt công tác tổ chức, môi trường lễ hội văn minh, xanh, sạch, đẹp tạo ấn tượng thân thiện trong lòng du khách. Nói về kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức lễ hội, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội xuân núi Bà Đen 2016 chia sẻ, để chuẩn bị chu đáo cho lễ hội diễn ra văn minh, tỉnh đã thành lập Ban tổ chức trước đó ba tháng, với sự tham gia đầy đủ của nhiều ngành liên quan, phân công nhiệm vụ cụ thể và đề cao tinh thần chịu trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương nếu để xảy ra sự cố, tệ nạn, biến tướng trong lễ hội. Xây dựng chi tiết từng kế hoạch, có cơ chế kiểm tra, giám sát chéo trách nhiệm lẫn nhau giữa các đơn vị để kịp thời phát hiện và xử lý từng điểm nghẽn. Tuyệt đối không du di cho những sai phạm làm ảnh hướng xấu đến môi trường lễ hội. Đặc biệt, để dẹp nạn chặt chém giá, Ban tổ chức lập quy chế cho các hộ kinh doanh trong khu vực ký cam kết bán đúng giá niêm yết, và đúng chất lượng, hộ nào sai phạm sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Ông Ngọc nhấn mạnh, muốn hoạt động lễ hội diễn ra văn minh, phải luôn luôn nằm trong sự chỉ đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền, chứ không thể thả nổi, buông lỏng quản lý. Đánh giá cao kinh nghiệm tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị Tây Ninh tiếp tục nhân rộng các mô hình hay và chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác trong cả nước nhằm đưa lễ hội ngày một đi vào nề nếp, văn minh. Dứt khoát không để tệ nạn, hủ tục biến tướng xuất hiện trong lễ hội. Phải giữ được các giá trị tốt đẹp của lễ hội, vốn quý của văn hóa dân tộc. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng lưu ý, hiện nay tuy chưa thống nhất được mô hình quản lý chung về lễ hội, do đặc điểm khác nhau của từng vùng miền. Tuy nhiên, các địa phương cần luôn gắn hoạt động lễ hội với du lịch tâm linh để thu hút du khách, vừa đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng của nhân dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt là bảo tồn và phát huy được truyền thống, bản sắc, di sản văn hóa của cha ông. Bài và ảnh:  Bình An