Tây Nguyên mùa bướm di cư

00:00 12/10/2020

Ấn tượng đầu tiên của tôi với phố núi là những cánh bướm trắng. Bướm bay ngập tràn trên đường phố, lẩn khuất trong những vòm cây, chấp chới giữa dòng người xuôi ngược. Ngồi trên taxi từ sân bay về khách sạn, tôi vu vơ nói: “Kỳ lạ, thành phố này nhiều bướm thật đấy, chẳng như ngoài Bắc”. Anh tài xế taxi khẽ cười bảo tôi: “Không phải đâu em ạ, giờ đang mùa bướm di cư nên mới nhiều thế đấy”. À, ra thế!

dan-buom

Bướm trên đường phố đã nhiều, nhưng ở trong các buôn làng và thác nước thì càng nhiều hơn. Ở buôn Amakong hay buôn Đôn, bướm bay từng hàng đàn lớn. Chúng di chuyển rất nhanh, rời những tán cây lớn xuôi theo gió. Lũ bướm vội vã đến mức bay vù vù lao cả vào mặt người, chẳng chút e sợ. Còn ở thác, bướm tụ lại trong những vũng nước lớn dưới chân thác. Cái cảm giác được chạy vào giữa đám bướm khiến chúng hoảng hốt bay ào lên, tỏa ra khắp phía quả thực vô vùng thích thú. Đứng giữa đám bướm ấy, người nào cũng sẽ có cảm giác như mình được biến thành nàng công chúa Hàm Hương xinh đẹp. Chẳng cần tỏa hương mà vẫn thu hút được thật nhiều bướm vây quanh.

Mùa bướm di cư là lúc chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa. Đã 6 tháng rồi mảnh đất này chưa hứng một giọt mưa. Đất bazan rực lên một màu đỏ nhức nhối. Rừng khộp nhiều cây khô khẳng khiu vươn lên giữa trời. Những đóa hoa tơ đáp, pơ lang cũng thắp lên một màu đỏ trơ trọi trên những cành cây trụi lá tạo nên những nét chấm phá rất riêng. Trời không mưa nên người dân phải tưới nước sớm cho cây cà phê, điều đó đồng nghĩa với việc hoa cà phê tàn sớm để nhường chỗ cho những mầm quả xanh non. Chỉ còn lác đác vài nhành hoa trắng tinh khôi nở muộn bên những dòng thác lớn.

ve-dep-tu-nhung-chu-buom

Vào mùa khô, dòng sông Serepok không cuộn lên dữ dằn như trong mùa lũ. Nước sông dẫn vào các dòng thác Gia Long, Dray Sáp, Dray Nur đổ xuống ào ạt. Nhưng đến chân thác, nước lại lặng trôi, mang màu xanh ngọc bích đẹp đến ngỡ ngàng. Những đám lục bình nở hoa tím biếc cũng nhẹ nhàng dập dềnh trên mặt nước như chẳng lo bị cuốn trôi xa.

Thiếu mưa, nước trong Hồ Lak cạn. Người dân địa phương bảo: “Dự báo thời tiết nói mực nước hồ Lak đang cạn nhất trong 100 năm qua đấy”. Nước cạn, những đàn voi thong thả đưa du khách trên lưng đi xuống hồ mà nước chỉ ngập đến kheo chân của chúng. Nước cạn, lũ trẻ được dịp đầm mình trong bùn cho đen thui từ đầu tới chân. Bùn như một chiếc áo mát rượi bao bọc lấy toàn thân để những cô cậu bé có thể thoải mái bêu nắng moi lươn, móc cá. Nước cạn, du khách có thể xắn quần lội ra một đoạn xa ra phía giữa hồ để lên thuyền. Những chiếc thuyền độc mộc bình lặng đưa du khách ra giữa hồ thưởng ngoạn khung cảnh mây trời non nước, xem những người dân chài đặt lưới bắt cá. Đến xế chiều, ánh tà dương thả một màu vàng lấp lánh xuống khắp mặt hồ tạo nên hiệu ứng phản chiếu huy hoàng mà không kém phần thơ mộng. Chẳng phải kiếm đâu xa để có những tấm ảnh đẹp ghi dấu khoảnh khắc lãng mạn phiêu bồng.

Chỉ trong mấy ngày mà đột nhiên sáng nọ không còn thấy bướm bay nhiều như mọi khi. Đó đây vài cánh bướm lạc đang vội vã hoàn tất nốt cuộc hành trình của mình. Đến chiều, trời bỗng tối sầm lại, sấm chớp đánh sáng lòe. Và rồi mưa xuống. Cơn mưa đầu tiên của một mùa mưa dài sắp tới. Người dân phố núi cũng đã lường trước được trời sắp mưa khi bướm kết thúc di cư. Nhưng họ không nghĩ mưa bất ngờ đến vậy. Dường như chẳng ai kịp chuẩn bị áo mưa. Khách đi đường trú dưới hiên trên phố; nhiều người không dừng chân mà vội vã đội mưa phóng về nhà. Mưa cản bước chân, mưa thấm đẫm người. Ấy vậy mà dường như chẳng người nào thấy khó chịu. Gương mặt ai cũng rạng rỡ, tiếng cười nói náo nức hòa lẫn trong tiếng mưa đầu mùa mát lành, trong veo.

Nam Ngọc