Tăng trưởng xanh: Chìa khoá để phát triển kinh tế bền vững

00:00 12/10/2020

Ngành năng lượng là một thách thức đặc biệt đối với tăng trưởng xanh vì quy mô và những thay đổi cần thiết của các nguồn năng lượng gây ô nhiễm và phát thải khí nhà kính. Các nguồn năng lượng mới cần phải được triển khai trên một quy mô tương đương với cách mạng công nghiệp. Nếu không có hành động quyết định, lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
tang truong xanh
 
Mục tiêu của chiến lược Tăng trưởng xanh nhằm tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. (Ảnh minh hoạ)
Đó là nhận định của ông Lê Đức Chung – Chuyên gia dự án CIGG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo “Phát triển năng lượng – Tăng trưởng xanh – Biến đổi khí hậu: Nỗ lực và khoảng trống”. Tại Hội thảo, các chuyên gia đều đưa ra nhận định: Thời gian qua, kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định. Có thể nói, phát triển giai đoạn vừa qua thực chất là “nâu”, vẫn còn dựa nhiều vào đẩy mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên, tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động, trong khi việc sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa hiệu quả, cường độ phát thải khí nhà kính cao dẫn đến ô nhiễm môi trường gia tăng. Hơn nữa, một số thách thức về bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, tính dễ bị tổn thương của một số ngành kinh tế, cộng đồng dân cư tăng lên trong điều kiện nhiều vùng miền chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Điều này đang ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do đó, Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược tăng trưởng theo hướng Tăng trưởng xanh.
Ông Chung cho biết: Tăng trưởng xanh là một chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế. Từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Mục tiêu của chiến lược này tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Tăng trưởng xanh là tiếp cận để chuyển nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” theo hai hướng chính là xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng. “Tuy nhiên việc thực hiện tiến trình này không phải dễ dàng khi áp lực duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, GDP tăng khoảng 7%/năm; Đầu tư cho Tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn tài chính lớn 30 tỷ USD (chính sách hướng đến: tư nhân 70%, nhà nước 30%). Trong khi đó, Việt Nam không có công nghệ cốt lõi trong ngành năng lượng và các ngành khác; khởi nghiệp trong ngành năng lượng rất hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách phát triển của Việt Nam đang thiếu những điều khoản đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế”, ông Chung phân tích. Do đó, theo Chuyên gia dự án CIGG giải pháp trong việc triển khai chiến lược Tăng trưởng xanh tại Việt Nam giai đoạn hiện nay: Cần nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức hiện có, tăng cường năng lực dịch vụ tài chính, ngân hàng và thị trường tiền tệ để huy động các nguồn lực tài chính; sử dụng kết quả nghiên cứu về đầu tư cho tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu để hoàn thiện và ban hành hướng dẫn đầu tư công xanh, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tăng cường vận động tài trợ, phối hợp các tổ chức nước ngoài, các quốc gia trong khu vực để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nguồn đầu tư nhà nước và ODA sẽ là chất xúc tác để thu hút, hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh (dưới hình thức chuyển đổi công nghệ/dự án thí điểm/nghiên cứu điển hình); giới thiệu các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất điện. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, ghi nhận thành quả một cách công khai, minh bạch, công bằng về những đóng góp của khu vực tư nhân, các doanh nghiệp đồng hành cùng tiến trình thực hiện tăng trưởng xanh thông qua các hình thức vinh danh, khen thưởng ở cấp cao và ưu tiên tiếp cận vốn, hỗ trợ (theo congluan.vn)