Tăng trưởng GDP dựa vào FDI có “bào mòn” nguồn lực quốc gia?

00:00 12/10/2020

Câu chuyện thu hút FDI để tăng trưởng GDP và ưu đãi cho khối doanh nghiệp này đang đặt ra câu hỏi: liệu nguồn lực đó có thực sự giúp GDP tăng trưởng hiệu quả? Chia sẻ Tweet

Quan điểm: Tăng trưởng GDP dựa vào FDI có “bào mòn” nguồn lực quốc gia?

Ảnh minh họa.

Đừng chỉ nhìn một con số

Thông thường ở hầu hết các quốc gia, tháng đầu tiên của quý sau thường công bố số liệu ước tính về tăng trưởng GDP của quý trước đó. Việt Nam cũng vậy, tháng đầu tiên của quý sau, các doanh nghiệp báo cáo sơ bộ về kết quả sản xuất kinh doanh của quý trước với tên gọi “báo cáo thuế giá trị gia tăng”. 

Tổng cục Thống kê có thể căn cứ vào đó để ước tính GDP quý trước, nhưng một điều kỳ lạ là số liệu đó dường như là số liệu chính thức mà không hề có sự điều chỉnh nào.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý 1/2019 ước đạt 6,79% được đánh giá là mức tăng trưởng khá, dù mức tăng thấp hơn so với năm 2018, nhưng cao hơn quý 1 của các năm từ 2011 - 2017.

Tuy nhiên, người viết cho rằng đối với cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, con số tăng trưởng GDP thực ra có ý nghĩa gia tăng sức mạnh tiềm lực nội tại chưa nhiều, khi nó chưa thực sự cải thiện chất lượng đời sống của người dân ngang tầm tốc độ tăng trưởng GDP.

Tăng trưởng dựa vào tiêu dùng cuối cùng cũng làm nguồn lực của nền kinh tế yếu đi khi tiêu dùng đó không tạo ra giá trị sản xuất tốt. Một ví dụ, trong dịp đầu năm người dân tiêu dùng cuối cùng cơ bản vào đi lễ, dâng sao giải hạn… tuy làm tăng GDP trong tức thời, nhưng không có ý nghĩa gì cho nền kinh tế cho những chu kỳ sản xuất sau, ngoại trừ sẽ kích thích ở phía cung là những đền chùa mọc lên khá nhanh và nhiều do được kích thích từ phía cầu. 

Khi nhu cầu về cúng lễ tăng cao sẽ kích thích các đại gia đầu tư xây thêm nhiều chùa chiền mà không cần biết đức Phật có về ngự ở đó hay không? Khi nền kinh tế ở phía cung là một nền kinh tế gia công thì việc cuồng say với tăng trưởng GDP là không hề có lợi.

Phân tích kinh tế không nên chỉ nhìn vào một con số, khi cơ quan thống kê Việt Nam từ lâu đã công bố các chỉ tiêu quan trọng hơn GDP như: GNI (thu nhập quốc gia), luồng tiền chảy ra thuần…

Chừng nào chúng ta chưa hiểu hết thực chất, cốt lõi tăng trưởng GDP của Việt Nam là gì và coi thu hút FDI là thành tích, thì GDP tăng lên cũng có nghĩa luồng tiền chảy ra nước ngoài có khả năng càng nhiều, nguồn lực nền kinh tế càng đứng trước rủi ro bị bào mòn.

Không vội mừng với xuất siêu

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý 1/2019, cả nước xuất siêu hàng hóa đạt 530 triệu USD, lạm phát thấp và trong tầm kiểm soát…

Tuy nhiên, khi nhìn vào số liệu xuất nhập khẩu, cần nhìn nhận một cách có trách nhiệm rằng, khu vực kinh tế trong nước từ 1995 - 2017 luôn nhập siêu và khu vực FDI luôn xuất siêu. 

Những năm gần đây, khu vực FDI xuất siêu mạnh mẽ dẫn đến nền kinh tế xuất siêu, điều này cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng về nguồn tiền chảy ra nước ngoài cũng mạnh mẽ. 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguồn tiền chảy ra nước ngoài của khu vực FDI cũng... ngang bằng với số xuất siêu của khu vực này.
Trong khi đó, tăng trưởng về xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước tăng 9,7% thì nhập khẩu hàng hóa của khu vực này tăng 13,4%. 
Bởi vậy, chúng ta có đang quá vui mừng với thành tích xuất siêu hay không?
Một vấn đề nữa cần lưu tâm là tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng về cung tiền (M2) từ năm 2013 đến năm 2017 luôn cao hơn tăng trưởng GDP theo giá hiện hành khá nhiều.
 Nguồn: IMF, TCTK
 
Tỷ lệ cung tiền so với GDP ngày càng cao. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2013 tỷ lệ này tại Việt Nam khoảng 104%, đến năm 2017 tăng lên 165% và năm 2018 ước tính trên 170% GDP.
Nhìn vào lịch sử, có thể thấy diễn biến này giống với giai đoạn 2009-2011 và hậu quả đến năm 2011 gặp lạm phát lớn.
Cho dù, các hoạt động kinh tế ngầm khá phổ biến hiện nay tại Việt Nam cũng có thể giúp kìm chế sự tăng lên của giá cả.
 Nguồn: IMF

TS. Bùi Trinh