Tăng số lượng hợp tác xã, kinh tế tập thể khoảng 18% vào năm 2025

14:05 01/12/2020

Để đạt được mục tiêu tăng số lượng hợp tác xã, kinh tế tập thể khoảng 18% vào năm 2025, cần đánh giá thực trạng kỹ năng lao động trong khu vực hợp tác xã, từ đó đưa ra kiến nghị, giải pháp đổi mới và nâng cao kỹ năng lao động trong khu vực hợp tác xã, như: nâng cao kỹ năng nghề theo hệ thống đào tạo gắn với thực hành; đào tạo theo mô hình gắn nhà trường với hợp tác xã, doanh nghiệp…

(Ảnh: Internet)

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác) là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.

Những năm vừa qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.

Đến nay cả nước có hơn 10 triệu thành viên kinh tế tập thể, hợp tác xã với khoảng 65% tổng số hộ nông thôn tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã và có xu hướng ngày càng tăng. Mục tiêu giai đoạn 2020-2025 là tiếp tục thu hút số hộ cá thể ở nông thôn tham gia vào hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp; số lượng hợp tác xã, kinh tế tập thể tăng khoảng 18%; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 75%, phi nông nghiệp đạt 80%; mở rộng quy mô và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực toàn cầu.

Theo ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho rằng hợp tác xã có vai trò rất quan trọng và là mắt xích trong tiến trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hợp tác xã cũng là cầu nối giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà quản lý, đồng thời hợp tác xã cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tạo việc làm cho hàng triệu người lao động tại Việt Nam.

Tuy nhiên các Hợp tác xã tại Việt Nam cần nâng cao kỹ năng lao động, hướng dẫn, đào tạo nghề cho nhân dân nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó mới nâng cao được tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, Liên minh hợp tác xã cũng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 thu hút ít nhất 65% số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hơp tác tăng bình quân từ 8%-15%/năm. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70% và 100% cán bộ quản trị và nghiệp vụ của hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng.

Hiện nay, cả nước có 119.248 tổ hợp tác, 26.400 hợp tác xã và 100 liên hiệp hợp tác xã, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể ở địa bàn nông thôn tham gia, tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của gần 30 triệu người. Quy mô thành viên của hợp tác xã và tổ hợp tác ngày càng tăng, đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

“Muốn phát triển bền vững hiệu quả phải chú trọng kỹ năng đào tạo nghề và chất lượng lao động trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; tham mưu tích cực cho Chính phủ có cơ chế chính sách, giải pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi xây dựng những đề án về đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong khu vực này, chỉ đạo các trường đào tạo nghề làm nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã- ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho hay

TH