Tăng nhiệt căng thẳng Mỹ - EU

00:00 12/10/2020

Căng thẳng giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang có dấu hiệu "tăng nhiệt" khi Mỹ đe dọa sẽ áp thuế quan lên tới 11,2 tỷ USD đối với một loạt các sản phẩm từ "lục địa già".


Căng thẳng giữa Mỹ và EU đang có dấu hiệu "tăng nhiệt" từng ngày

Văn phòng thương mại Mỹ (USTR) đã công bố một danh sách hàng hóa của EU từ máy bay thương mại cỡ lớn, phụ tùng máy bay cho tới sản phẩm sữa, rượu vang, sẽ bị đánh thuế bổ sung. Đặc biệt, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phát hiện trợ cấp của EU cho hãng chế tạo máy bay Airbus đã gây bất lợi cho Mỹ.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết: "Những tranh cãi này đã kéo dài trong 14 năm và đã đến lúc phải hành động". USTR cho biết họ sẽ công bố danh sách sản phẩm cuối cùng sau khi phán quyết của tòa án WTO được công bố.

Mục tiêu cuối cùng của Mỹ là đạt được thỏa thuận với EU để chấm dứt tất cả các khoản trợ cấp không phù hợp với quy định của WTO đối với máy bay dân dụng cỡ lớn. Khi EU chấm dứt các khoản trợ cấp có hại này, các khoản thuế bổ sung của Mỹ có thể được dỡ bỏ.

Trong hơn 14 năm, Washington và Brussels đã cáo buộc lẫn nhau về việc trợ cấp không công bằng cho Boeing và Airbus. Trên thực tế, tranh chấp giữa Boeing-Airbus là vụ việc dài nhất và phức tạp nhất do WTO giải quyết,nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng trong thương mại toàn cầu.

Trong quá khứ, WTO đã ra phán quyết vào tháng 3/2012 rằng hàng tỷ đô la Mỹ trợ cấp cho Boeing là bất hợp pháp và yêu cầu Mỹ chấm dứt chúng. Nhưng sau đó vài tháng, EU đã đệ đơn khiếu nại mới cho rằng Washington đã không tuân thủ yêu cầu của WTO.

Trong một phán quyết được công bố vào tháng 6/2017, WTO cho biết Mỹ đã đưa ra 28/29 điều khoản thực thi, nhưng tổ chức này đã đồng thuận với Brussels rằng Washington đã không thực hiện các bước thích hợp để loại bỏ các tác động bất lợi hoặc rút trợ cấp.

Mậc dù vậy, EU cũng bị WTO khiển trách trong cuộc xung đột ăn miếng trả miếng giữa Airbus và Boeing. Và thời điểm hiện tại cả hai bên đã bị kết luận đã trợ cấp hàng tỷ USD để giành lợi thế trong việc kinh doanh sản xuất máy bay toàn cầu.

Lời đe dọa mới nhất của Mỹ xảy ra khi căng thẳng với EU về việc áp thuế quan đối với ô tô và phụ tùng ô tô vẫn chưa đến hồi kết. Đồng thời Mỹ cũng đang đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại sau gần một năm áp thuế trả đũa giữa hai bên. Dự kiến EU có thể là đối tượng cho cuộc chiến thương mại tiếp theo.

Tuy nhiên các nhà chiến lược cảnh báo rằng việc áp thuế quan không thể đến với EU vào thời điểm này khi sự tăng trưởng kinh tế và sản xuất công nghiệp của khối đang trong tình trạng dễ bị tổn thương. 

Do đó, các quan chức EU cũng nhấn mạnh cần lựa chọn giải pháp đàm phán với Mỹ sẽ tránh được sự leo thang với việc áp thuế quan theo dạng "ăn miếng trả miếng". Các phái viên từ các quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận về việc thành lập phái đoàn để đàm phán với Mỹ nhằm cắt giảm thuế quan công nghiệp.