Tăng cường liên kết, chiến thắng COVID-19, hoàn thành mục tiêu kép, để phát triển

00:00 12/10/2020

Đây là chủ đề chính trong khai mạc Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình diễn ra vào chiều ngày 4/10.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Đây là Diễn đàn thường niên do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì tổ chức trong 12 năm qua. Năm nay là năm thứ 13 Diễn đàn được tổ chức kế thừa và phát triển những thành quả đạt được qua các Diễn đàn trước đây, nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) phát triển.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, năm 2020 là một năm mà nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đại dịch COVID-19 cũng khiến các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa do sức mua giảm, kinh doanh không có lợi nhuận.

Trong 9 tháng qua, đã ghi nhận hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động. Đây là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam 

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam. Trước những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ đã triển 3 chương trình lớn nhằm hỗ trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phát triển còn chậm về số lượng và chất lượng, gặp khó khăn trong liên kết, kết nối với các thị trường nước ngoài. Vì vậy, thông qua diễn đàn lần này, các đại biểu cần thảo luận và đề ra được giải pháp nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: “Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động với mục tiêu, vừa đảm bảo không lây lan dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế đất nước bằng biện pháp khoanh vùng, giãn cách có trọng tâm, trọng điểm. Biện pháp này đã giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo đời sống và sức khỏe của nhân dân. Đây chính là minh chứng của sự vào cuộc quyết liệt, đầy sáng tạo của toàn hệ thống Chính trị và sự đồng lòng, chung tay của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước đã đẩy lùi dịch bệnh để ổn định, phát triển kinh tế thời gian qua”. 

Ông Nguyễn Thành Biên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình

Chủ tịch Nguyễn Văn Thân cũng nhấn mạnh: “Bằng tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của mình, các đại biểu tham dự Diễn đàn lần này, sẽ tập trung phát biểu tham luận, đóng góp ý kiến thiết thực, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất thật sát với lĩnh vực hoạt động của mình và chủ đề Diễn đàn để đưa vào Nghị quyết Diễn đàn trên tinh thần đồng lòng xây dựng và phát triển. Trong đó có các kiến nghị, đề xuất giải pháp, đề đạt nguyện vọng của đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ được Trung ương Hội tổng hợp và báo cáo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và một số Bộ - ngành liên quan có thêm cơ sở hoạch định Chính sách, định hướng hoạt động và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng về hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch gây ra”.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thành Biên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình cũng đưa ra đề xuất, doanh nghiệp các tỉnh khác nghiên cứu tiềm năng lợi thế sẵn có của tỉnh Hoà Bình, hợp tác, đầu tư, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

Ảnh toàn cảnh

Ông Nguyễn Thành Biên mong muốn tại Diễn đàn này các đại biểu, các tổ chức Hiệp hội, các Hội, các nhà quản lý hiến kế trình Chính phủ, đưa ra những giải pháp chiến lược để giải cứu các doanh nghiệp, trong lúc hàng triệu người lao động đang có nguy cơ mất việc làm, hàng ngàn doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản. Kinh tế thế giới chìm sâu trong khủng hoảng.

“Con đường duy nhất Chính phủ cứu trợ doanh nghiệp lúc này là các gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ thời gian phục hồi, chính quyền các cấp tạo môi trường, hành lang pháp lý ưu việt nhất cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển, hiện tại, những gói hỗ trợ vẫn còn xa tầm với của người lao động gặp khó khăn, những khoản giãn nợ hay giãn thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chưa đến được với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.  

Thực tế các gói hỗ trợ trên nên ưu tiên giúp các doanh nghiệp thực sự khó khăn, sắp giải thể hoặc phá sản, hoàn cảnh những doanh nghiệp này phải ngừng sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất, doanh thu thấp đồng nghĩa không có lãi thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không tác dụng. Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mới khởi nghiệp không tiếp cận được với vốn vay ngân hàng nên giãn nợ cũng không tác dụng. Chưa kể các doanh nghiệp phải huy động mọi nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ cho người lao động, nhằm giữ chân người lao động thì lại rơi vào diện doanh nghiệp vẫn còn khả năng chi trả nên không được vay gói tín dụng không lãi xuất của Ngân hàng chính sách xã hội”, ông Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh. 

Các đại biểu đã thông qua nội dung và ký giao kết Nghị quyết của Diễn đàn lần thứ XIII

Tại diễn đàn các đại biểu doanh nghiệp cũng thảo luận về những khó khăn, rào cản trong việc đưa Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống; kịp thời đưa ra các kiến nghị để sớm giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất-kinh doanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường trong nước, phát huy tiềm năng, lợi thế, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo mối liên kết giữa các tập đoàn kinh tế lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Từ đó, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và xúc tiến đầu tư để phát triển kinh tế địa phương.

Đặc biệt, Diễn đàn cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ về việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tìm kiếm đầu ra cho hàng hóa xuất nhập khẩu nhờ mạng Internet, để có thể xuất khẩu hàng hóa vượt qua đại dịch Covid-19. Các giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Gia Ly