Tăng cường kết nối giữa chính quyền và doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Với chủ đề “Tăng cường vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, tại Diễn đàn hợp tác - liên kết và phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XI do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức ngày 17/11/2018 tại Quảng Ninh, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động Hội, trong đó nhấn mạnh đến vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, đồng thời đề cập đến những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đây chính là yếu tố đòn bẩy khẳng định vai trò của Tổ chức Hội trong việc hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp...

Lãnh đạo các Hiệp hội ký kết Nghị quyết của diễn đàn

Cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền

Trong những năm qua, Quảng Ninh luôn đứng trong top đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, đặc biệt năm 2017 đứng nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Thành tích này có vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp và sự đóng góp thực chất của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Sự phát triển của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cải cách môi trường kinh doanh của địa phương. Hiện Hiệp hội có 2.668 hội viên và 22 hội viên tập thể và đã phát triển được các hội thành viên tại tất cả các huyện, thị, thành phố. Sự ra đời của Câu lạc bộ Doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh và các huyện, thị, thành phố cùng với các chi hội doanh nghiệp được thành lập cho phép tăng tính đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, tiếng nói chung của khối doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã và kinh tế hộ.

Với vai trò của mình, trong những năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh luôn thể hiện là nhân tố quan trọng, là cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền các cấp. Mô hình Cafe doanh nhân do Hiệp hội tổ chức phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa rộng, mang lại hiệu ứng tích cực trong việc chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Quảng Ninh nằm trong số không nhiều tỉnh, thành phố có đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp được tham dự đầy đủ hầu hết các thảo luận, hội nghị và sự kiện liên quan đến quy hoạch, lập chiến lược, chương trình cải cách của tỉnh. Quá trình này không chỉ diễn ra ở cấp tỉnh mà tại tất cả các cấp địa phương. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh xuất phát từ nhận thức để chuyển hóa bằng hành động đã quán triệt và yêu cầu cán bộ các đơn vị, sở ngành, các cấp thực sự lắng nghe và xây dựng quan hệ đối tác với doanh nghiệp bằng cả hệ thống chính trị coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để tạo mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc gặp gỡ nêu ý kiến được thực hiện trên tinh thần cởi mở và công khai với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở ngành và địa phương qua nhiều kênh; gặp trực tiếp, đối thoại với doanh nghiệp theo nhóm ngành nghề, đối thoại doanh nghiệp theo chủ đề, khảo sát doanh nghiệp thường niên và khảo sát doanh nghiệp qua đánh giá sở, ngành và địa phương. Đây là một quá trình lâu dài thể hiện tầm nhìn, sự nhất quán và hệ thống trong điều hành của chính quyền tỉnh Quảng Ninh.

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Nam Định cho biết: Diễn đàn hợp tác- liên kết và phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc diễn ra thường niên, là sự kiện quan trọng để Hiệp hội các tỉnh, thành phố có sự nhìn nhận, chia sẻ và liên kết giúp nhau, nhất là vai trò kết nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, chính quyền với Hiệp hội vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp rất cần vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp là tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp có tiếng nói đến các lãnh đạo tỉnh, các sở ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc. Từ đó doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh ổn định, đóng góp nguồn thu ngân sách cho địa phương. Từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi luôn mong muốn được chia sẻ với Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh bạn, nhất là về vai trò cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp. Mặc dù những năm vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh hoạt động rất hiệu quả, nhưng thực tế những tồn tại, vướng mắc cũng nảy sinh nhiều và doanh nghiệp thường xuyên mong muốn được gặp chính quyền để giải quyết công việc hàng ngày... Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ tăng cường kết nối để chính quyền gặp doanh nghiệp nhiều hơn nữa.

Cũng như Quảng Ninh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang luôn chủ động thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa các hội viên với các sở, ban, ngành, lãnh đạo chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên báo cáo cơ quan có thẩm quyền để kịp thời giải quyết. Hiệp hội duy trì thường quý các phiên Cafe doanh nhân theo hướng thực chất và hiệu quả, chủ động tổ chức và vận động hội viên tích cực tham gia các cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh theo các lĩnh vực riêng như là thuế và hải quan, thủ tục hành chính trong đầu tư, đất đai và GPMB… để các doanh nghiệp hội viên có điều kiện phản ánh và kiến nghị trực tiếp với lãnh đạo tỉnh những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời, góp ý kiến vào các cơ chế chính sách, các quy định của địa phương để nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp ngày một tốt hơn cho doanh nghiệp. “Trong những năm qua, môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Bắc Giang có sự chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bình đẳng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới các năm đạt trên 1.000, số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả tăng gần 60%, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đứng trong top 10 toàn quốc. Có được thành tích trên, trước tiên phải kể đến có sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành tích cực của các cấp, các ngành và các địa phương cộng với sự tăng cường vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp”, TS. Phùng Văn Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Cần chăm sóc sức khỏe của doanh nghiệp

 Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp đang phải đối mặt, ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ thẳng thắn, tôi nghĩ diễn đàn hôm nay nên thay đổi chủ đề thành “hợp tác- liên kết, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp” thì sát hơn vì doanh nghiệp không được bảo vệ thì khó phát triển. Tôi rất mừng và chia sẻ với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh có tâm, có trách nhiệm, vì sự giàu có của cộng đồng doanh nghiệp để Quảng Ninh vươn lên đứng đầu cả nước. Thực tế, số doanh nghiệp giải thể rất lớn, những diễn đàn như này, Ban Tổ chức nên mời lãnh đạo các tỉnh của các Hiệp hội tham dự trực tiếp nghe những khó khăn vướng mắc của các Hiệp hội Doanh nghiệp và doanh nghiệp của địa phương mình để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.

 Chúng ta đều biết, sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên khí quốc gia, sự giàu có của địa phương, nhưng có ai chăm sóc đâu? Sứ mệnh của Hiệp hội Doanh nghiệp là tạo mái nhà chung cho các doanh nghiệp; giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; kiến nghị các cơ quan nhà nước tháo gỡ khó khăn; tổ chức liên kết hợp tác để doanh nghiệp phát triển bền vững. Thế nhưng, ngoài Quảng Ninh, có bao giờ lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh được tham gia các kỳ cuộc bàn về phát triển kinh tế xã hội của địa phương, hay chỉ coi như “con rơi”, không hề cho quyền, không cấp kinh phí, trụ sở, không cho vị thế...

“Theo tôi, từ trung ương xuống các tỉnh, thành cần thành lập Ban chăm sóc sức khỏe doanh nghiệp với những người có tâm, tầm, năng lực kinh nghiệm để nắm bắt, kịp thời đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm “chữa bệnh” cho doanh nghiệp...”, ông Nguyễn Mạnh Thản đề xuất.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Thanh Cảnh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hạ Long cho biết: Vai trò cộng đồng DNNVV rất quan trọng trong phát triển nền kinh tế đất nước nhưng thực tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tài nguyên khoáng sản và chịu nhiều rào cản, rủi ro do gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức . Sự công bằng trong đầu tư cũng là một vấn đề cản trở sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn khi đến với các địa phương thường được chào mời, có thể ưu ái cho thi công dự án, công trình trước hoặc vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục, trong khi với các doanh nghiệp khác để hoàn thiện thủ tục triển khai dự án phải mất từ 3-6 tháng. Vì vậy, khi các doanh nghiệp lớn vi phạm sẽ khó xử lý, hoặc có xử lý cũng rất nhẹ. Liệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa có được đặc ân như thế? Chưa kể đến chính sách tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận dự án đầu tư còn nhiều vướng mắc khi đòi hỏi các doanh nghiệp mới thành lập phải có hồ sơ năng lực 3 năm, báo cáo tài chính 3 năm có lãi...

“Chính quyền các cấp, các ngành chức năng cần có những chính sách giải quyết sự thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giảm mạnh rủi ro về chi phí, nhất là không chính thức đối với doanh nghiệp. Hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Cảnh nhấn mạnh.

Ts Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Diễn đàn hợp tác- liên kết và phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc là sự kiện thường niên được tổ chức luân phiên hàng năm tại các địa phương do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức. Diễn đàn năm nay nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp giao lưu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo mối liên kết giũa các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.Trong xu thế toàn cầu hóa, không chỉ đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam mà ngay cả những người làm công tác Hội làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên nhiều hơn và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, trở thành thành mái nhà chung của doanh nghiệp.

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh phát triển tương đối tốt, phấn đấu đến cuối năm đạt trên 17.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và đến năm 2020 đạt 22.000 doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp. Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ mở ra cơ hôi cho doanh nghiệp về mở rộng thị trường, giao thương hàng hóa, tiếp cận nền kinh tế mới... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do tính bền vững của doanh nghiệp chưa cao, đặt biệt là vấn đề đổi mới khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm, tính liên kết yếu. Chính vì vậy, tại diễn đàn hôm nay, tôi đề nghị bàn thảo kỹ hơn giải pháp đẩy mạnh tính liên kết trong các doanh nghiệp, trong đó có vai trò của các Tổ chức Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp…

Bà Vũ Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nam Định

 Đây là diễn đàn rất quan trọng, thiết thực và bổ ích cho các Hiệp hội Doanh nghiệp để chia sẻ, học tập kinh nghiệm về hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp. Thực tế hoạt động, chúng tôi luôn trăn trở làm gì, giúp gì cho doanh nghiệp hoạt động hiệu qủa. Ví như, một số doanh nghiệp xin đất đầu tư cụm, khu công nghiệp, khi vay vốn phải đăng kí tài sản trên đất nhưng thời gian hoàn thiện thủ tục dự án rất lâu khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hiện Hiệp hội vướng mắc về tư vấn, tài liệu nhằm truyền tải những chủ trương đến các doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới có nhiều cơ chế chính sách của Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp như đầu tư vốn, chính sách đất đai, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ông Phạm Gia Lý- Chủ tịch Hiệp hội DNVVN tỉnh Phú Thọ

HH DNVVN tỉnh Phú Thọ là cầu nối- kết nối các thành viên trong Hiệp hội, từ đó tạo các mối liên doanh, liên kết trong hợp tác,làm ăn. Ngoài ra, Hiệp hội còn là kênh thông tin về các Nghị định của Chính phủ, phổ biến đến các doanh nghiệp về Luật Hỗ trợ DNNVV, các chế độ, chính sách kịp thời. Từ đó, chúng tôi chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm quản trị, phong cách làm việc, hợp tác, giúp đỡ nhau trong tiêu thụ sản phẩm, cho vay vốn, hỗ trợ về giá, tạo sự hài hoà cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động, hiện hoạt động Hội tại địa phương còn gặp vướng mắc, cần được tháo gỡ. Đó là vướng mắc về thể chế và cơ chế. Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp NVV đã có hiệu lực, Nghị định đã hướng dẫn cụ thể nhưng khi triển khai lại trong thực tiễn của doanh nghiệp thì nảy sinh nhiều vướng mắc. Quảng Ninh có thế mạnh về hạ tầng, nguồn thu ngân sách nên doanh nghiệp được hỗ trợ tốt hơn, nhiều tỉnh khác còn rất khó khăn nên không thể hỗ trợ các doanh nghiệp được nhiều.

Ông Nguyễn Cao Trí - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN tỉnh Hải Dương

Tỉnh Hải Dương có khoảng 11.000 doanh nghiệp. Hiện nay, Hiệp hội DNVVN tỉnh thường xuyên mở các lớp học để hỗ trợ các DN tại địa phương,các lớp học này đều được HHDNNVV Việt Nam tài trợ. Sau khi học xong, các doanh nghiệp hội viên đều đánh giá rất cao về chất lượng, đặc biệt là về lĩnh vực kế toán. Định kỳ 6 tháng/ lần, lãnh đạo tỉnh Hải Dương tổ chức gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp. Bản thân tôi là thành viên trong tổ công tác nên thường xuyên xuống các doanh nghiệp tiếp thu các ý kiến, những vướng mắc, khó khăn và giải pháp từ đó tham mưu với lãnh đạo tỉnh để đưa ra những giải pháp. Chúng tối rất mong có thêm nhiều cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể nói lên những khó khăn, tồn tại, đặc biệt Là những doanh nghiệp có nguy cơ giải thể..

Trí Kiên - Ảnh Đức Tuất