Tận dụng ứng dụng cách mạng công nghiệp cho phát triển

00:00 12/10/2020

Ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới, kỳ vọng tạo ra bước chuyển đổi, đổi mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Hội thảo cách mạng công nghiệp 4.0 và các ngành công nghệ mới của Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 21/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “ Cách mạng công nghiệp 4.0 và các ngành công nghệ mới ở Việt Nam” nhằm thảo luận việc ngành công nghiệp mới ở Việt Nam tác động đối với doanh nghiệp như thế nào. Đồng thời, đưa ra những giải pháp sẽ tận dụng ứng dụng cách mạng công nghiệp ra sao cho sự phát triển. 

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, áp dụng công nghệ 4.0 sẽ thay đổi cấu trúc các ngành, thay đổi nguồn lực với tăng trưởng quốc tế. Trong bối cảnh trên, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể là CIEM soạn thảo chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo và mạng lưới liên kết nhân tài. Hiện, CIEM đã thực hiện nhiều nghiên cứu này; trong đó, có nghiên cứu về cách mạng công nghiệp 4.0 . 

“Vấn đề ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới, kỳ vọng tạo ra bước chuyển đổi, đổi mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.”, bà Tuệ Anh nói. 

Đánh giá về tình hình phát triển các ngành công nghiệp mới nổi của Việt Nam, TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho hay, tiềm năng kinh tế nước ta rất lớn, năng lực doanh nghiệp và lao động Việt Nam khá tốt, có thể khai thác được tiềm năng to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phát triển. 

Hiện, Việt Nam đã có một số sản phẩm dịch vụ khá tốt như: Fastgo (NextTech), có giá tốt hơn vì chiết khấu thấp… VNPay đã hợp tác với các chuyên gia AI người Việt để khai thác dữ liệu, phát triển giải pháp mới, ví dụ dùng cho vay tiêu dùng cá nhân trên cơ sở AI. 

“ Tuy nhiên, tư duy quản lý mới và chính sách hỗ trợ tốt sẽ rất cần thiết cho các ngành công nghệ mới của Việt Nam”, ông Vinh cho biết. 

Trong báo cáo trình bày, CIEM cũng đưa ra những thách thức khi Việt Nam phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 như: thiếu nhiều lao động IT, nhất là nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng thiết kế giải pháp công nghệ, đào tạo không đủ cung cấp cho thị trường, lượng sinh viên vào ngành IT có xu hướng giảm, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu.. 

Bên cạnh đó, thể chế không rõ ràng, chậm ban hành thể chế mới hoặc khung thể chế thử nghiệm, quy định không phù hợp với thực tiễn, quy định còn tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, thị trường vốn trong nước còn hạn chế, quy mô các khoản đầu tư nhỏ; đầu tư nước ngoài vào starup gặp nhiều khó khăn: thủ tục đầu tư, rút vốn còn mất thời gian. 

Để tận dụng được các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các ngành chức năng cần hợp tác với doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, xây dựng khung thể chế cần thiết, vừa tạo hành lang pháp lý cho kinh doanh vừa hạn chế rủi ro cho xã hội. Đồng thời, nhanh chóng sửa các quy định kinh doanh không phù hợp; ban hành các quy định mới hoặc khung thể chế thử nghiệm. 

Cũng nhiều ý kiến khuyến nghị rằng, cần có chính sách thuế để hút nhân lực, nhất là người Việt về Việt Nam làm việc; tăng cường hợp tác đại học- doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo trong doanh nghiệp, mở rộng các mô hình EduTech/Learning trong lĩnh vực IT. 

Bên cạnh đó, sửa quy định về thuế để ghi nhận chi phí cho thanh toán điện tử là chi phí hợp lý. Miễn thuế dịch vụ thanh toán điện tử để thu hút người dùng. Cùng đó, miễn giảm thuế cho dự án đầu tư, nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp thay vì trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ.... 

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN