Tận dụng tốt hiệu quả các FTA để xuất khẩu năm 2020 đạt đích đến 300 tỷ USD

10:01 23/10/2020

Mặc dù trong năm 2020, tình hình kinh doanh của khu vực và thế giới đã có nhiều biến động khó lường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng qua vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Việc tận dụng tối đa các cơ hội, đạt nhịp tăng trưởng cao là tiền đề quan trọng để hoạt động xuất khẩu bứt phá, hướng tới mục tiêu đạt 300 tỷ USD của năm 2020.

Xuất khẩu Gạo: Diễn biến gạo xuất khẩu trong nướcHoạt động xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc khi các doanh nghiệp tận dụng khá tốt các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA

Những kết quả đáng ấn tượng

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất siêu tiếp tục được duy trì đến giữa tháng 10, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10 đạt 24,64 tỷ USD, giảm 8,5% (tương ứng giảm 2,29 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2020.

Tính chung, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10 đạt 413,18 tỷ USD, tăng 2,3%, tương ứng tăng 9,27 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Trong kỳ 1 tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 798 triệu USD, qua đó, nâng mức xuất siêu của cả nước tính đến hết ngày 15/10 lên 17,32 tỷ USD.

Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc khi các doanh nghiệp tận dụng khá tốt các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau hơn 2 tháng EVFTA được thực thi.

Điển hình, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).

Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.

Dù dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng sau hơn 2 tháng thực thi EVFTA, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 20.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa với kim ngạch hơn 900 triệu USD đi 27 nước EU. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Cụ thể, giày dép có giá trị được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau 2 tháng (tháng 8 và 9) đạt gần 391 triệu USD; thủy sản đạt hơn 183 triệu USD…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, cùng với chống dịch Covid-19 hiệu quả và tập trung tối đa phát triển kinh tế, việc Việt Nam ký kết và thực thi 13 FTA với nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới đã tạo xung lực để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng. Cả thị trường và mặt hàng xuất khẩu được đa dạng hóa, đặc biệt các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…

Kim ngạch xuất khẩu hàng Việt sang Mỹ tăng gần 30% trong 4 tháng- VnEconomy

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất siêu tiếp tục được duy trì đến giữa tháng 10, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam.

Nâng cao sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bối cảnh hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia trên thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm do dịch Covid-19 chính là cơ hội để hàng hóa Việt Nam vươn ra chiếm lĩnh thị trường với sức cạnh tranh cao do thực thi các điều khoản ưu đãi về thuế.

Chia sẻ về việc nắm bắt cơ hội từ EVFTA, Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho hay, DN đã xây dựng vùng trồng 300ha gồm: Thanh long, nhãn, xoài, bưởi, chôm chôm đạt chứng nhận GlobalGAP. Việc này giúp sản phẩm không chỉ chinh phục tốt thị trường EU mà còn nhiều thị trường khó tính khác. Ngoài trái cây, DN còn có kế hoạch xuất khẩu các loại rau thơm, ớt, cà pháo, chanh... sang EU do nhu cầu thị trường khá lớn. Vina T&T Group đặt mục tiêu năm 2020 xuất khẩu sang EU đạt hơn 7,7 triệu USD, tăng 20% so với năm 2019.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu, các DN cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa để củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, DN chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý, đặc biệt bảo đảm quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, DN cần có tầm nhìn lâu dài và xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. “Các DN chú trọng tìm hiểu thị hiếu, đặc trưng thị trường, gia tăng sản phẩm trên các thị trường có lợi thế cạnh tranh; lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm, quy mô của DN” – ông Phan Văn Chinh lưu ý.

Nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm 2020, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, Bộ sẽ rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết FTA với Việt Nam. Cùng với đó, Bộ cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN tìm hiểu và tiếp cận thị trường, kết nối bạn hàng thông qua hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến.

TH