Tâm sự bằng thơ của một doanh nhân thành đạt

00:00 12/10/2020

tam-su-bang-tho-cua-mot-doanh-nhan-thanh-dat-2   Ông Thân Hóa (trái) và tác giả - GS Nguyễn Lân dũng Đáng ngạc nhiên là xuất thân từ một gia đình lao động nông nghiệp nghèo khổ, cả năm anh em trai của Thân Hóa đều đang là giám đốc những công ty, xí nghiệp lớn. Thân Hóa sinh năm 1957. Ngay từ thời thơ ấu, với truyền thống của quê hương Điện Bàn anh hùng, năm anh em trai đã phải vừa đi làm vừa đi học, trong khi cha anh cải trang làm người kéo xe để thu thập tin tức cho cách mạng. Thống nhất đất nước, Thân Hóa vừa học xong phổ thông đã xin đi làm công nhân sửa chữa ô tô, máy kéo. Năm 23 tuổi, anh trở thành công nhân nông trường 29/3 và chức vụ lãnh đạo đầu tiên là Trưởng phòng cung tiêu. Năm 33 tuổi, anh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng kho Dự trữ Điện Bàn. Vừa làm, vừa học, anh tốt nghiệp Đại học khi đã 38 tuổi. Và đó là cơ sở kiến thức giúp anh trưởng thành dần lên trên đường xây dựng sự nghiệp của mình. Thật khó hình dung nổi khi nghe anh kể ngày anh nhận chức Giám đốc Xí nghiệp 545, trong tay chỉ có con dấu chứ không có trụ sở và cũng không có bất kỳ một đồng vốn nào. Bắt đầu bằng việc đi tìm việc làm. Lúc có việc rồi chả Ngân hàng nào chịu cho vay tiền. Anh quyết định tự huy động vốn và "mèo nhỏ bắt chuột nhỏ". Cứ thế từng bước phát triển cho đến khi trở thành ông chủ của các công trình còn mãi muôn đời. Tôi đã chứng kiến một phần các công trình ấy, như đường Nguyễn Tri Phương kéo dài, đường Trường Sa, tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, khu dân cư số 3, khu dân cư An Hòa... Và gần đây là những công trình hàng ngàn tỷ đồng như: Công trình BOT QL1 (Giai đoạn 1: Hòa Cầm - Hòa Phước; Giai đoạn 2: Tứ Câu - Vĩnh Điện; Giai đoạn 3: Km947 - Km987 đoạn Vĩnh Điện - Tam Kỳ), Công trình mở rộng đường Lê Văn Hiến- Trần Đại Nghĩa, đường Hoàng Văn Thái, Công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn, tuyến đường N2 Long An,... Khác với hình ảnh nhiều đại gia tôi gặp thường bụng to, đầu hói, ăn nói ê a, tiêu pha bạt mạng, dáng đi khệnh khạng, nịnh trên quên bạn, xa rời quê hương... Thân Hóa lại là một mẫu hình khác hẳn. Thân hình khỏe mạnh, trẻ trung, thích đi bộ, ghét nhậu nhẹt bia rượu, hiếu đễ với cha mẹ, thân thiện với quê hương, gắn bó với anh em, thân mật với bạn bè, trực tiếp điều hành công ty và gắn bó với đồng nghiệp, gần gũi với công nhân. Một con người như thế tuy đi kèm với đủ loại huân chương, bằng khen, danh hiệu cao quý nhưng vẫn là một người bình thường với những tâm sự bằng thơ thật đáng trân quý. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là xuất thân từ một gia đình lao động nông nghiệp nghèo khổ, cả năm anh em trai của Thân Hóa đều đang là Giám đốc những công ty, xí nghiệp lớn. Các em anh: Ông Thân Đức Nam - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội; ông Thân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Kim khí Miền Trung; ông Thân Bình - Giám đốc - Công ty Thí nghiệm vật liệu & Xây dựng Công trình 5.2; ông Thân An - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Việt Á. Giữa thương trường khắc nghiệt, thơ như dòng nước mát lành giúp Thân Hóa cân bằng cuộc sống, mang lại cho anh những niềm vui, hạnh phúc. Với Cha, anh có những câu thơ khắc khoải nhớ thương: Sáu mươi ba tuổi đời/ Hai mươi hai ngàn chín trăm chín lăm ngày cơ khổ/ Cha vẫn chưa quên cái cuốc, cái cày/ Vẫn nắng mưa, chai cộm bàn tay/ Giấc ngủ, bữa ăn đạm bạc/ Quần áo vá, đạp xe thăm ruộng/ Uống nước chè nằm ngủ chõng tre/ Suốt cuộc đời dậy sớm thức khuya/ Thuốc lá hút có khi thay cơm sáng/ Cày xong ruộng trời chưa sáng/ Giục bước trâu về còn gồng gánh oằn vai... Linh thiêng lạy Phật, lạy Trời/ Cha tôi đã trọn kiếp người trần gian/ Nếu như có thật suối vàng/ Chắc giờ nơi ấy cha đang mỉm cười/ Cháu con thành đạt cha ơi/ Bao công lao ấy đời đời không quên... Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (phải) và doanh nhân Thân Hóa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Công trình giao thông 545 Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (phải) và doanh nhân Thân Hóa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Công trình giao thông 545 Với mẹ, anh không thể quên những ngày gian khó: ...Con về, nhớ lại thơ ngây/ Nhớ lời mẹ dạy tràn đầy tình thương/ Thời gian hơn cả bạc vàng/ Mẹ đem ban phát cho đàn cháu con/ Cái nghèo đeo đẳng cái khôn/ Dạy con từ thuở lên non vào đời/ Nắm cơm cực khổ một thời/ Nuôi con thành đạt nên người hôm nay/... Nghĩ về người em trai Thân Đức Nam - Anh hùng lao động, anh viết với đầy lòng cảm phục: Tôi còn nhớ một lần ghé đến/ Thăm em tôi nhưng không nhận ra em/ Bụi than đen, ướt đẫm tấm thân gầy/ Dù vất vả nhưng em đâu than khổ/ Những nụ cười em vẫn nở trên môi/... Cũng đến lúc thiên thời địa lợi/ Trên thuận dưới hòa, em đã vươn xa/ Tên em tôi lan khắp cả nước nhà/ Vựng Đặng kia bây giờ người đông đúc/ Khu Cao xanh vun vút những tòa nhà/ Đô thị Thanh Hà A ai ai đều biết đến/ Cienco 5 đã vươn tới những tầm xa... Thân Hóa còn là tấm gương tiêu biểu trong công tác từ thiện xã hội. Anh đã có những đóng góp lớn lao như trong công trình xây dựng Tượng đài Mẹ Thứ, xây dựng nhiều nhà tình nghĩa, nhà tình thương ở Điện Bàn, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân lũ lụt, góp phần xây dựng Bệnh viện Đặng Thùy Trâm, Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng, tham gia tu bổ ba Nghĩa trang liệt sĩ... Anh nghĩ đó là trách nhiệm bình thường của mỗi con người không quên quê hương, không quên quá khứ anh hùng của cả dân tộc. Anh viết: Ai ơi nếu có giàu sang/ Đừng quên nơi cũ xóm làng quê hương/ Quê mình ngày tháng gian nan/ Càng xa càng muốn giàu sang lại gần... Nếu mà thành đạt anh ơi/ Quay về tổ ấm chung đời, chung tay/ Để quê nhà sớm đổi thay/ Dân mình sớm được hưởng ngày vinh quang. GS. Nguyễn Lân Dũng (nguồn: báo Giao thông)