Tài khóa và tiền tệ thiếu "ăn ý": Thanh khoản căng thẳng

00:00 12/10/2020

Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng (LNH) đang eo hẹp đáng kể trong tuần này. Lãi suất nội tệ đã tăng khoảng 100 điểm so với thời điểm 1 tuần trước đó, giao dịch quanh ngưỡng (3,5-4,0%) kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần. Thanh khoản căng thẳng gắn liền với động thái rút tiền khỏi hệ thống của Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Lãi suất nội tệ liên ngân hàng. Nguồn: Reuters

Sau động thái ngừng gọi thầu tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 17-4, cùng với việc kho bạc điều tiền về hệ thống đã khiến thanh khoản LNH cải thiện đáng kể trong tuần trước. Lãi suất trở nên quá thấp, thậm chí về mức 2,3% kỳ hạn qua đêm (thấp hơn nhiều mục tiêu 3% của NHNN).

Nhà điều hành đã tiếp tục phát hành tín phiếu trở lại để đẩy lãi suất về mức mục tiêu. Các phiếu gọi thầu đều trúng tuyệt đối, đưa tổng khối lượng tín phiếu lưu hành trong tuần này lên tới 50 ngàn tỉ đồng - mức lớn nhất kể từ đầu năm.

Đợt thanh khoản “nóng” này có điểm khác so với lần trước, do tỷ giá đang neo cao hơn giá mua vào ngoại tệ của NHNN, nên nhà điều hành không mua được đô la Mỹ, đồng nghĩa với không có nguồn cung nội tệ nào bơm ra trên thị trường ngoại hối.

Sau đà tăng mạnh kể trên, NHNN đã ngay lập tức ngừng gọi thầu tín phiếu. Cần lưu ý đợt phát hành này có lãi suất bằng đợt hồi giữa tháng 3 (3%), song kỳ hạn dài hơn là 2 tuần thay vì 1 tuần - nghĩa là lịch tín phiếu đáo hạn bị dãn ra, đồng thời khối lượng phát hành một phiên cũng lớn hơn nhiều so với lần trước. Hẳn là NHNN đang muốn hút ròng lượng lớn khi lãi suất trở nên quá thấp, tỷ giá lại tăng cao.

Song những tính toán kể trên đã trở nên lệch lạc khi kho bạc tiếp tục rút vốn khỏi hệ thống. Có thể thấy thanh khoản thị trường quá phụ thuộc vào nguồn tiền gửi KBNN. Việc cơ quan này đi tiền lại rất bất ngờ khiến lãi suất thị trường liên tục biến động thất thường.

Lãi suất LNH là cơ sở để NHNN định hướng lãi suất ngắn hạn nhưng giờ đây có vẻ đang nằm ngoài kiểm soát của nhà điều hành. Những động thái trong chính sách tài khóa đang gây áp lực lên chính sách tiền tệ, khiến tín hiệu trong chính sách không rõ ràng, thiếu nhất quán, không truyền tải được thông điệp cụ thể nào tới thị trường. Trong khi giá xăng, điện liên tiếp tăng khi dân chúng hoang mang về lạm phát hay những vụ đại án tham nhũng trong giới quan chức. Những điều này có thể làm giảm mức tín nhiệm của người dân vào điều hành vĩ mô.

Một vấn đề cần đưa ra để bình luận, đó là việc kho bạc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), với nguồn vốn huy động chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, sau đó lại đem gửi lại trong hệ thống sẽ khiến dòng vốn bị lòng vòng, lãng phí và gây ra những hệ lụy kể trên. Vì vậy KBNN có nên dừng phát hành TPCP thường xuyên nếu giải ngân đầu tư công chậm, thay vì để tiền tại ngân hàng?

Hiện tại, KBNN đang đấu thầu TPCP hàng tuần và việc này có lẽ không nên thay đổi. Kế hoạch huy động vốn có từ đầu năm, ngoài việc giải ngân đầu tư công như kế hoạch của năm tài khoán thì Bộ Tài chính cần lượng vốn mới để thanh toán lịch trả nợ hàng tuần từ các phiên phát hành trong quá khứ. Quan trọng hơn, lợi suất trúng thầu TPCP còn đóng vai trò như một mức trần lợi suất để thị trường TPCP thứ cấp tham chiếu.

Lợi suất TPCP thứ cấp biến động hàng ngày, giả sử nhu cầu đầu tư trái phiếu ít đi vì một lý do nào đó, nhà đầu tư sẽ bán ròng trái phiếu để chuyền tiền vào các kênh đầu tư khác, đẩy lợi suất TPCP tăng. Khi đó, mức lợi suất mà kho bạc phát hành hàng tuần sẽ đóng vai trò là mốc tham chiếu, kiềm chế đà tăng này, đồng thời là giá trị thực của TPCP để giá thị trường xoay quanh.

Và trong bối cảnh này thì việc gửi tiền như vậy vẫn là hợp lý, để tránh sự lãng phí nguồn vốn, ngân hàng có vốn mới để cho vay ra nền kinh tế. Nguồn vốn thay vì đổ vào đầu tư công, sẽ quay trở lại nền kinh tế theo nhiều cách (phần nhiều sẽ qua kênh tín dụng) và đâu đó hiệu quả và đóng góp vào tăng trưởng còn có thể cao hơn khi nhiều dự án đầu tư công quy mô vốn ngàn tỉ đồng thua lỗ triền miên là minh chứng cho sự thiếu hiệu quả từ đầu tư công.

Trọng Nghĩa