Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Không chỉ là thoái vốn

00:00 12/10/2020

Theo kế hoạch, trong tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Ảnh minh họa.

Những chậm trễ trong thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chắc chắn sẽ được đặt ra, khi cho tới thời điểm này, số doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa mới là 19/85 doanh nghiệp theo kế hoạch.

Tiến độ thoái vốn cũng chậm, khi mới có 10 doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ này - con số khá nhỏ so với kế hoạch 2018 là 181 doanh nghiệp, chưa tính số doanh nghiệp chuyển sang từ năm 2017.

Song đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không chỉ có cổ phần hóa hay thoái vốn. Đáng ra, doanh nghiệp nhà nước - khu vực đang nắm giữ nguồn lực lớn nhất của nền kinh tế, có mặt trong các ngành, lĩnh vực then chốt - phải đóng góp tương xứng, thậm chí tạo đường dẫn, sức bật tăng trưởng cho nền kinh tế. Nhưng, thực tế chưa được như vậy.

Năm 2016, các doanh nghiệp nhà nước sở hữu 3,1 triệu tỷ đồng tài sản, tương đương 69% GDP.

So với năm 2015, tổng tài sản của khu vực này tăng 3,5%, vốn chủ sở hữu tăng 4,3%, nhưng tổng doanh thu lại giảm 1%, lợi nhuận trước thuế giảm 14%. Tính riêng khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tỷ suất lợi nhuận của toàn khối giảm dần trong giai đoạn 2012-2016 (ROE giảm 39%, ROA giảm 30%).

Mặc dù trong hai năm 2017-2018, cùng với các kế hoạch tái cơ cấu, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước có những thay đổi không nhỏ, nhiều thương hiệu đã trở lại đường ray phát triển, nhưng doanh nghiệp nhà nước đang ở thế yếu so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong Bảng Xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2017 vừa được công bố.

Điều đáng nói là, những lo ngại cũ trong quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, như chậm đổi mới mô hình quản trị, thiếu kết nối với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế trong đánh giá hiệu quả doanh nghiệp và đặc biệt là chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp với kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... vẫn còn nguyên trong các báo cáo đánh giá về khu vực này. Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, chất lượng cổ phần hóa và thoái vốn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, khi đánh giá việc thực hiện các kế hoạch đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo các mục tiêu mà Chính phủ đưa ra để thực hiện nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã điểm danh 6 mục tiêu khó hoàn thành.

Trong số này có mục tiêu Xử lý dứt điểm các dự án của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; Nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DNNN; Phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp…

Hiện trạng trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới không chỉ tiến độ, mà quan trọng là chất lượng các kế hoạch thoái vốn cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Cần phải nhắc lại, Chính phủ đã tuyên bố mục tiêu bao trùm của cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nguồn vốn đầu tư nhà nước trong các doanh nghiệp là tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp dựa trên việc cải cách quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, các nhà đầu tư, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp hiện trông vào cơ hội mới từ các bước đổi mới mạnh mẽ của khu vực này trước khi tái cơ cấu danh mục đầu tư, quyết định chuyển dịch dòng tiền.

Hiệu quả, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ tiềm lực lớn sẽ tạo cơ hội mới cho thị trường M&A tại Việt Nam.

Bảo Duy