Sức bật vùng biên

00:00 12/10/2020

Là xã biên giới khó khăn nhất của huyện miền núi Bát Xát (Lào Cai), được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước gắn với phát huy tốt sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, những năm qua, đời sống của nhân dân xã Nậm Chạc đã có những bước phát triển đáng kể. Một cuộc sống mới, đầy đủ, sung túc đã và đang về với đồng bào các dân tộc ở đây.

mot-goc-canh-dong-lua-nuoc

Nỗ lực đi lên từ gian khó

“Biệt lập, gian khó, thiếu thốn” có lẽ là những từ phù hợp nhất để miêu tả về xã Nậm Chạc trước đây. Là nơi đầu nguồn của dòng sông Hồng, với 9 km biên giới đường thủy giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), xã Nậm Chạc có 510 hộ dân, hơn 2.000 nhân khẩu gồm 3 dân tộc Mông, Dao và Giáy. Vì nhiều nguyên nhân như địa hình đồi núi trọc, độ dốc cao, đất đai cằn cỗi; giao thông chia cắt, tập quán canh tác lạc hậu… nên đời sống người dân Nậm Chạc vốn gặp rất nhiều khó khăn. Gần chục năm trước, cứ vào thời điểm giáp hạt là rất nhiều hộ đồng bào dân tộc trong xã bị rơi vào tình trạng “hết lương thực”. Có năm, trên 50% số hộ gia đình ở Nậm Chạc phải sống dựa vào trợ cấp gạo cứu đói của Nhà nước. Giao thông đi lại khó khăn nhất là về mùa mưa, con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã vốn đã gập gềnh lại trở lên trơn trượt, còn để vào được tới các điểm bản thì gần như là “không thể”. Nhiều thời điểm, Nậm Chạc trở thành “ốc đảo” tách biệt hoàn toàn với các địa bàn xung quanh do mưa lũ, lở đất…

Bám sát đặc điểm đó, từ nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước, xã Nậm Chạc đã xác định trọng tâm là phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng giao thông tạo điều kiện từng bước nâng cao đời sống người dân. Theo đó, với số vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng cùng sự góp công, góp sức của đồng bào các dân tộc trong xã, Nậm Chạc đã xây dựng được 03 cầu treo kiên cố, làm mới tuyến đường giao thông miền núi rộng 4,8 m nối thông các bản Khoang Thuyền, Linh Giang, Nậm Cáng với trung tâm xã. Đây thực sự đã tạo động lực mới để các hộ dân đẩy mạnh lưu thông hàng hóa. Công trình thủy lợi San Sả Hồ hoàn thành và đưa vào sử dụng mới đây cũng đã góp phần quan trọng giúp bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của bà con trong xã.

Cùng với đó, trên cơ sở nghiên cứu kỹ đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và thói quen sản xuất của người dân, Nậm Chạc đã tập trung phát triển những cây trồng mũi nhọn như lúa nước năng suất cao, cây chè, cây chuối mô gắn với chăn nuôi đại gia súc và nuôi thủy sản. Đặc biệt, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được phát huy tốt thông qua việc mỗi đồng chí đăng ký và chịu trách nhiệm giúp đỡ từ 2 - 3 hộ thoát nghèo.

Và những bước chuyển mình tích cực

Đến thăm hộ gia đình ông Ma Seo Phô, một điển hình sản xuất giỏi của xã Nậm Chạc, chúng tôi cảm nhận rõ sự “chuyển mình” trong đời sống của bà con nơi đây. Sinh ra và lớn lên ở bản Cửa Suối, người đàn ông dân tộc Mông, Ma Seo Phô đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Trên cơ sở sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, ông Phô đã xây dựng hệ thống chuồng trại đúng kỹ thuật kết hợp trồng cỏ voi để nuôi bò sinh sản. Đồng thời, ông còn đầu tư trồng gần 10 ha rừng kinh tế và hơn 2 ha dứa cao sản… Hàng năm, sau khi trừ chi phí các loại, gia đình ông Ma Seo Phô còn có thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng. Vừa làm giàu cho gia đình, ông vừa nhiệt tình hướng dẫn bà con trong bản trồng cỏ voi và phát triển chăn nuôi gia súc để vươn lên thoát nghèo.

Cùng với gia đình ông Ma Seo Phô, những năm qua ở xã vùng biên Nậm Chạc đã có hành trăm gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình như Chương trình 134, 135; Chương trình mục tiêu xóa nghèo quốc gia, từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm toàn xã đã có từ 20 - 25 hộ thoát nghèo, 5 - 10 hộ giàu. Riêng năm 2015, số hộ thoát nghèo của Nậm Chạc là gần 40 hộ. Nhờ phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế gắn với chăn nuôi gia súc, nuôi thả cá nên đời sống nhân dân trong xã đã ngày một phát triển theo hướng bền vững. Ông Lầu A Páo, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chạc vui mừng chia sẻ cùng chúng tôi: “Bà con các dân tộc trong xã luôn biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư để có được cuộc sống như hôm nay. Nhờ có sự giúp đỡ đó mà bà con đã dần đẩy lùi được đói nghèo và phát triển đời sống”.

Thực tế cho thấy, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư và phát huy tốt nội lực, từ chỗ là xã nghèo khó nhất của huyện Bát Xát, đến nay Nậm Chạc đã vươn lên thoát nghèo mạnh mẽ. Nhờ việc hình thành được vùng chuyên canh lúa nước năng suất cao với tổng diện tích lên tới 120 ha nên cơ bản xã đã bảo đảm tốt vấn đề lương thực cho người dân. Nậm Chạc còn có hơn 60 ha chè chất lượng cao, hơn 80 ha rừng kinh tế cùng 150 ha rừng phòng hộ biên giới… Đây chính là những nguồn lợi kinh tế quan trọng góp phần phát triển đời sống của đồng bào các dân tộc trong xã.

Xã vùng cao Nậm Chạc đã và đang khởi sắc từng ngày. Nỗ lực vượt qua gian khó, đi lên phát triển bền vững, tin tưởng đồng bào các dân tộc Nậm Chạc sẽ tiếp tục vươn lên, thực sự vững vàng nơi địa đầu Tổ quốc./.

                                                    Tạ Quang Đạo – VP Tây Bắc