Sự giàu có của doanh nhân sẽ làm cho quốc gia hưng thịnh

00:00 12/10/2020

Một quốc gia hưng thịnh sẽ làm cho doanh nhân giàu có, và sự giàu có của doanh nhân làm cho quốc gia hưng thịnh. Trong thời  khắc lịch sử này, khi Quốc hội mới thông qua Hiến pháp sửa đổi, trong đó lần đầu tiên trong lịch sử đã hiến định vai trò và vị trí của doanh nhân, chính là thông điệp chính trị quan trọng của Nhà nước về việc khuyến khích,tạo điều kiện thuận lợi và bảo hộ hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nhân, doanh nghiệp và khu vực tư nhân. Phải chuyển biến thế nào để kỳ vọng “dân giàu nước mạnh” trở thành ý chí và hành động của toàn xã hội? Đó là tư tưởng xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước và cần có một  cái nhìn đa chiều, tổng hợp để lý giải nó. Với ý nghĩa trọng đại của ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay, chúng tôi đã phỏng vấn Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội,  về chủ đề này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Thưa ông ngay từ khi Cách mạng thành công năm 1945, Chính phủ lâm thời thành lập. Một trong những việc làm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là viết thư cho giới công thương và đến nay tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị dù đã trải qua hơn 70 năm? Ông Dương Trung Quốc: Có một câu hỏi chúng tôi vẫn luôn đặt ra rằng tại sao năm 1945 lần đầu tiên Bác Hồ rời quê hương xứ Nghệ đi bôn ba khắp thế giới, 30 năm trở về chiến khu Việt Bắc mà khi về Hà Nội, Bác lại chọn ngôi nhà giàu nhất trong khu phố giàu nhất ở 48 Hàng Ngang làm nơi sống và hoạt động làm việc của mình với tư cách người đứng đầu trong cuộc cách mạng, một chiến sĩ quốc tế cộng sản. Bởi cụ Hồ có lòng tin vào mọi tầng lớp người dân Việt Nam và điều đó thể hiện một cách rõ nhất khi cách mạng thành công, chỉ có mấy tầng lớp Bác tiếp xúc rất sớm:Thứ nhất là đồng bào dân tộc thiểu số - là những người ở vùng xây dựng căn cứ địa cách mạng. Thứ hai là các nhà tôn giáo - một lực lượng xã hội rất to lớn. Thứ ba là các nhà công thương. Nếu chúng ta đọc kỹ bức thư sẽ thấy một vấn đề: Trong nguyên lý của xã hội Việt Nam, truyền thống và đôi khi đến tận bây giờ, người ta hay nói nước giàu thì dân mạnh, tức là người dân được hưởng cái lộc của nước. Nhưng nguyên lý Bác thể hiện trong bức thư là dân giàu thì nước mạnh, làm sao cho dân giàu thì chính nguồn lực của dân sẽ làm cho nước mạnh. Điều đó hết sức quan trọng, nhưng cho đến giờ chúng ta đôi khi vẫn chấp chới giữa hai quan niệm đó, khi chúng ta luôn luôn coi nền kinh tế quốc gia là nền kinh tế của nhà nước, rồi thành phần trung tâm, lực lượng quan trọng nhất là doanh nghiệp nhà nước. Rõ ràng là qua mấy chục năm đổi mới vừa rồi, dần dần chúng ta phải thay đổi nhận thức – dân giàu nước mạnh. Gần đây nhất, Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt quan tâm đến lực lượng nhỏ và vừa, và tinh thần kiến tạo của Chính phủ nhấn mạnh đến tầng lớp những đội ngũ khởi nghiệp và tạo nên những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì điều đó Bác đã khởi xướng cách đây hơn 70 năm, với một cách nhìn biện chứng, phù hợp và tỏa sáng. Như ông nói thì giới doanh nhân, doanh nghiệp hoàn toàn tin tưởng vào sự thay đổi và vào cuộc mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ …Nhưng một lực lượng hàng ngày, hàng giờ doanh nhân, doanh nghiệp tiếp xúc, hay gọi là cọ sát đó là lực lượng công chức thi hành công vụ mà một thực tế diễn ra là họ không hoặc chưa nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân cũng như tổ chức trong xử lý công việc và ứng xử với người dân cũng như doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này? Ông Dương Trung Quốc:Việt Nam trải qua thời gian quá dài chiến tranh, tư tưởng của nền kinh tế nhà nước chủ đạo làm theo nhà nước, theo nghị quyết và nó đào tạo ra tầng lớp quan chức, kể cả bộ máy công quyền luôn luôn trở thành người lãnh đạo, người quản lý, nhiều hơn người tạo môi trường cho doanh nghiệp để phục vụ phát triển. Tinh thần mà giờ đây Chính phủ cố gắng vươn tới là một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính. Có một thời gian xã hội chúng ta ở trong bộ máy quan liêu quá nặng nề và doanh nhân chúng ta tồn tại trong môi trường ấy thì buộc phải  “ở ống thì dài, ở bầu thì tròn”, doanh nghiệp phải thích ứng đểtồn tại. Không thể đổ lỗi cho họ được, vì trong môi trường ấy họ không hành xử như thế thì họ không thể tồn tại được. Nhưng những hành xử tiêu cực chạy chọt, đút lót, quan hệ, xin cho vì nhu cầu tồn tại đã làm thui chột tính sáng tạo, một vài doanh nghiệp cố gắng vươn lên nhưng rồi cũng không vượt qua được. Nhiều doanh nghiệp đã từng vượt qua được nhưng vẫn bị níu kéo, cuối cùng lại bị chìm đắm trong cái thất bại và đó là điều rất đáng tiếc. Chúng ta xây dựng pháp luật phải nói là hạn chế, tư tưởng tinh thần rất rõ ràng, nhưng khi bàn cụ thể những chế tài, những quy định cụ thể rồi đến thực thi đưa luật pháp vào trong đời sống thì luôn luôn bị chi phối bởi lợi ích đó và sự tồn tại của bộ máy công chức quan liêu lôi kéo, kéo lùi rất nhiều sự phát triển và hành hạ các doanh nghiệp rất ghê gớm. Vậy theo ông một trong những giải pháp nào cần thực hiện để khắc phục tình trạng trên? Ông Dương Trung Quốc:Chúng ta từ nhận thức đến hành xử phải là tổng thể. Chúng ta có những chính sách tốt đối với doanh nhân thì chúng ta cũng phải làm tốt chính sách bộ máy công quyền. Tốt ở đây là triệt tiêu những yếu tố tiêu cực, xin cho, cửa quyền, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải có những phương thức để mang lại lợi ích chính đáng cho bộ máy công quyền đó, chứ không chỉ đòi hỏi ý chí một chiều. Tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp có thể phát triển, mang lại lợi nhuận. Sau đó là sự san sẻ lợi nhuận, quan trọng nhà nước phải điều tiết sao cho công chức họ đóng góp được bao nhiêu họ phải được hưởng bấy nhiêu, chứ không thể dùng ý chí ở đây được. Một công chức họ làm việc tốt mà họcũng được hưởng thành quả như là những người khác thì chắc chắn họ chẳng có động lực để làm. Và ngược lại doanh nghiệp cũng vậy thôi, họ lăn lưng ra họ kinh doanh mà họ không nhận được lợi nhuận thì chẳng ai muốn kinh doanh.Tôi cho chính bài toán hiện nay chính phủ được gọi là kiến tạo hay là một Chính phủ thúc đẩy sự phát triển, nói một cách khiêm nhường là Chính phủ phục vụ, nhưng phải hài hòa lợi ích thì mới tìm ra được lời giải cho những vấn đề đó. Vâng thưa ông, vậy chúng ta lại cùng vận dụng vào câu nói của Hồ Chủtịch:Một quốc gia hưng thịnh sẽ làm cho doanh nhân giàu có, và sự giàu có của doanh nhân làm cho quốc gia hưng thịnhđể minh chứng rằng, nếu có một môi trường tốt thì doanh nhân thời nào cũng sẽ sẵn sàng cống hiến. Ông Dương Trung Quốc:Đúng vậy, mối quan hệ giữa doanh nhân và quốc gia là như vậy, nhưng trong đời thường vấn đề khó nhất là“quả trứng hay con gà cái gì có trước”. Thời kỳ cách mạng, người doanh nhân cũng giống như mọi thành phần khác trong xã hội, họ có một niềm tin vào tương lai. Họ có hi vọng một tương lai tươi đẹp dành cho họ và họ sẵn sàng cống hiến, đó là một phần trong cuộc sống của người Việt Namchúng ta khi mà đất nước đứng trước những thử thách lớn. Tôi cho điều đó là điều rất chính đáng, sẵn sàng hi sinh tất cả. Ví dụ câu chuyện ông Sơn Hà ở Hải Phòng là một người rất giàu có, rất thành công trong việc cạnh tranh kinh tế với người nước ngoài. Trong cách mạng, ông là một  người rất gương mẫu. Ông sẵn sàng hiến dâng cả người con của mình cho đất nước, đồng cam cộng khổ và cố gắng phấn đấu đóng góp cho cách mạng những việc làm thiết thực, như sản xuất áo mưa phục vụ cho bộ đội, cho người dân.Nhưng ông lại không thành công trong kinh doanh vì cơ chế không tạo điều kiện cho ông.  Cuối cùng ông chỉ là nhân sĩ yêu nước, vẫn là một doanh nhân thất bại. Vấn đề ở đây phải phân biệt ra lòng yêu nước và môi trường để phát triển. Doanh nhân Việt Nam hiện đại sẵn sàng đóng góp cho đất nước bằng rất nhiều hình thức khác nhau, từ những chuyện rất bình thường như từ thiện đến vấn đề đóng góp cho xã hội, sáng kiến cho xã hội, sẵn sàng bỏ vốn ra để làm những việc khó, nhưng cuối cùng vẫn thất bại vì môi trường chưa thuận lợi để mong muốn của mình được phát huy và vấp phải cơ chế, là những con người cụ thể là một anh phòng thuế, thanh tra,công an, quản lý. Đó là cái đủ làm cho người ta mất nhuệ khí, mất niềm tin và mất đi hứng thú. Và đó là điều tôi chứng kiến thường xuyên, vì khi nào còn xác lập mối quan hệ xin cho nhưvậy thì sẽ đặt vị trí của người doanh nhân luôn luôn ở vị thế rất thấp. Và cái thấp ấy chỉ khuyến khích người ta luồn lọt, người ta làm những chuyện tiêu cực, chứ không nuôi dưỡng được ý chí, nhân cách doanh nhân, mà doanh nhân phải có nhân cách lớn thì mới làm sự nghiệp lớn được. Vì thế đây chính là vấn đề vấn nạn. Vậy theo ông bây giờ, trong thời kì hội nhập, việc xác lập văn hóa doanh nhânđược đòi hỏi hơn bao giờ hết,mà văn hóa bao hàm rất nhiều nội hàm khác nhau thì đối với giới doanh nhân đơn giản nhất sẽ là như thế nào? Ông Dương Trung Quốc:Ta hãy soi chiếu nó ở góc độ đơn giản là tự mình phán xử mình. Điều đó khác nhiều với việc để xã hội phán xử. Cho nên văn hóa có rất nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng tôi nghĩ quy lại đơn giản thôi. Văn hóa là ứng xử, ứng xử với ai, ứng xử với thiên nhiên, sau đó là ứng xử với chính con người xã hội. Vấn đề thiên nhiên liên quan đến vấn đề môi trường sinh tồn.Ứng xử với con người, ta coi cái cốt lõi của người doanh nhân bằng chữ tín, nhưng nếu tôi giữ chữ tín mà xã hội không tôn trọng chữ tín của tôi thì cũng không làm gì được, cuối cùng là triệt tiêu tất cảgiá trị. Cho nên văn hóa đó là văn hóa của cả xã hội và mỗi con người đều phải hội nhập vào đó, chấp nhận nó như một chuẩn mực chung để hành xử với nó và cũng dùng chính cái chuẩn mực ấy để chúng ta phán xử,kể cả chế tài của pháp luật. Nhưng dường như hiện nay, chúng ta chưa khuyến khích cái đó, bởi vì rõ ràng doanh nghiệp, doanh nhân là nơi bị đụng chạm nhiều nhất tới quyền lợi, cho nên thường thể hiện một cách quyết liệt nhất, tập trung nhất những mâu thuẫn xã hội. Tôi cho điều quan trọng nhất chúng ta hô hào văn hóa thì mình phải có môi trường có văn hóa. Nếu người ta còn cố gắng khái quát là “thật thà là thiệt thòi” thì không ai là thật thà cả. Nếu doanh nhân ứng xử văn hóa, lợi ích sẽ mang lại cho nhà nước, cho xã hội, cho doanh nghiệp, cho bản thân. Nhưng có những lực lượng lại cảm thấy phương hại đến chính lợi ích của họ thì họ sẽ cản trở. Đương nhiên đó sẽ là cuộc đấu tranh, thậm chí có thể hết sức khắt khe, thì không có gì khác ngoài việc tạo ra nhận thức xã hội, cơ chế xã hội, trong đó có dư luận xã hội, chế tài thưởng phạt xã hội, thì văn hóa doanh nhân sẽ được tồn tại với đúng giá trị. Ở đây lồng ghép rất nhiều yếu tố, trong đó có quyền dân chủ của các doanh nhân và người doanh nhân được quyền nói lên tiếng nói của mình. Tiếng nói cá nhân doanh nhân cũng như tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta có rất nhiều tổ chức hội, hội nghề nghiệp, chúng ta nên phát huy hết vai trò thúc đẩy các doanh nghiệp vai trò hội nghề nghiệp, có tiếng nói trong đời sống, kể cả trong Quốc hội. Chúng ta phải thể hiện rõ tinh thần dân chủ. Chúng ta phải đòi hỏi, đấu tranh chứ tự nhiên không có ai ban phát cả. Vấn đề là chúng ta đấu tranh trên cơ sở pháp luật, cơ sở những quyền cơ bản mà hiến pháp quy định và thiện chí hướng tới mục tiêu vì sự phát triển đất nước. Định nghĩa Doanh nhân là những người lính thời bình, nhưng thực tế lính thời chiến hi sinh còn được vinh danh là liệt sĩ, còn lính thời bình mà hi sinh thì sẽ đụng vào lao lí, kèm với đó là khả năng mất hết tài sản rất cao. Nói như vậy để chúng ta cùng khẳng định và tôn vinh đội ngũ doanh nhân, đó là những con người đầy quả cảm thưa ông? Ông Dương Trung Quốc:Trong phát triển kinh tế càng ngày càng nhận thấy vai trò của doanh nhân là quan trọng.Vấn đề lý thuyết giới doanh nhân và dư luận đang bàn là những cán bộ nhà nước đại diện lợi ích cho nhà nước có gọi là doanh nhân không? Một trong những thuộc tính quan trọng nhất trong giới doanh nhân là tạo ra giá trị lợi nhuận. Những cán bộ nhà nước họ rất siêu, họ có thể là một CEO, một nhà kỹ thuật điều hành, chứ họ không là doanh nhân và họ luôn ở trong vị thế rất to lớn về nguồn lực, chính sách hỗ trợ và như vậy đó là cuộc cạnh tranh không bình đẳng. “Đồng tiền liền khúc ruột”, doanh nhânthực tế là những người dùng chính tài sản của mình vận hành nó để mang lợi ích cho chính mình và cho cộng đồng xã hội. Ngày hôm nay tôi đang là cán bộ chính trị bỗng nhiên được giao làm TGĐ công ty nào đó. Tiền có phải của tôi đâu?Chính vì thế họ sử dụng một cách rất vô lối, dẫn đến tình trạng thất thoát tiền và hầu như trách nhiệm rất nhẹ và cũng không trách họ được, trừ trường hợp họ bỏ tiền vào túi họ. Vì vậy thì họ có là doanh nhân không, câu hỏi tôi đưa ra và cách đặt vấn đề rất chính đáng, nếu không chúng ta sẽ lẫn lộn và làm cho những doanh nhân bị mang tiếng trong bối cảnh doanh nhân khi lập nghiệp họ phải chấp nhận hi sinh ngay chính tài sản của họ. Và ở đây sẽ là quy luật đào thải, dần dần nhà nước điều chỉnh chính sách và chúng ta chỉ mong từ nhận thức ấy đi vào đời sống nhanh hơn, bớt đi những mất mát không đáng có. Thực tế sẽ thải loại dần và lộ rõ tất cả mặt tốt xấu của tầng lớp xã hôi, đội ngũ doanh nhân khác nhau. Dần dần ý thức dân chủ, cơ chế dân chủ góp phần thúc đẩy được quá trình đó. Nhưng phải chờ đợi và chúng ta không có những đột phá trong nhận thức và hành động thì chúng ta sẽ mãi thụt lùi, trong khi thiên hạ đang tiến lên không ngừng. Và chúng ta đi chậm một bước là chúng ta mãi thụt lùi. Hi vọng với tinh thần của chính phủ kiến tạo này chúng ta sẽ khắc phục được. Nhân tháng doanh nhân Việt Nam, trong điều kiện hiện tại của thế giới cũng như trong nước, theo ông cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sẽ được đón nhận những  kì vọng tốt đẹp? Ông Dương Trung Quốc:Rõ ràng thời đại mới mở những điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển với mức độ cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chúng ta hiện nay. Chúng ta cố gắng hội nhập ngay với những cách tốt nhất. Vì càng ngày chúng ta càng thấy nhân tố con người là yếu tố quan trọng nhất.Công nghệ hạ tầng cơ sở vật chất rất quan trọng, nhưng con người đều có thể khắc phục được, chỉ cần một ý tưởng sáng tạo và chúng ta cần phải có môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo đó. Chúng ta có niềm tin vào dân tộc với tất cả những trải qua trong lịch sử mà chúng ta có thể tìm được con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để vươn lên trong cuộc chiến tranh sinh tồn cũng như phát triển, và đây là một cơ hội tốt. Xin trân trọng cảm ơn ông! LAN HƯƠNG (thực hiện)