Sự cố Hà Giang: “Thà một lần đau” để trong sạch các kỳ thi về sau!

00:00 12/10/2020

Vụ gian lận kết quả thi cử ở Hà Giang rồi sẽ được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh và khắc phục hậu quả công bằng. “Thà một lần đau” để trong sạch các kỳ thi về sau là tối cần thiết.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tiếp tục vấp phải những tranh cãi nhất định khi nhiều chuyên gia đánh giá đề thi môn Toán quá khó, vượt sức thí sinh, môn Văn chưa sâu… giờ đang tiếp tục làm nóng dư luận với câu chuyện điểm số cao bất thường ở Hà Giang. Việc đich thân Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc cho thấy đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng.

Tổ công tác kiểm tra tại Hà Giang.Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Tổ công tác kiểm tra tại Hà Giang. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

Công nghệ được áp dụng, nhưng con người vẫn là số 1

Dư luận Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung đã bày tỏ sự bức xúc về việc thí sinh được nâng điểm, trong đó có nhiều thí sinh là con em của một số lãnh đạo đương nhiệm từ cấp huyện đến cấp tỉnh của Hà Giang.

Chuyện điểm thi cao bất thường ở Hà Giang, có thể nhận thấy yếu tố con người vẫn có thể lọt qua mọi sự kiểm soát, phần mềm và cả quy chế nữa. Thế mới có chuyện “cười ra nước mắt” khi 114 thí sinh với 330 bài thi bị can thiệp chỉ trong vòng 6 giây/bài thi. Sự “đổi trắng thay đen” này đã biến những em học sinh bình thường, thậm chí học kém thành những “ngôi sao”.

Hãy thử tưởng tượng xem nếu những em này bước chân vào những trường Đại học top đầu của cả nước, các em sẽ có bằng tốt nghiệp. Với năng lực như vậy, các em sẽ hành xử như thế nào với đương sự nếu là công an? Sẽ chữa cho bệnh nhân như thế nào khi là bác sĩ? Sẽ thiết kế một tòa nhà như thế nào nếu là kỹ sư?..v..v. Có quá nhiều điều để chúng ta phải suy ngẫm, thậm chí là lo lắng cho cả một thế hệ. 

Dĩ nhiên, chuyện đáng tiếc ở Hà Giang, ai cũng nhận thấy vị Phó Phòng Khảo thí Vũ Ngọc Lương không thể “một tay che trời” để làm chuyện động trời này.

Bởi, nếu có việc chạy tiền thì đồng nghĩa có đưa và nhận hối lộ. Làm nghiêm có thể lòi ra cả môi giới nhận hối lộ. Trong đó, hai thanh tra ủy quyền cắm chốt tại Hà Giang xin nghỉ, nhưng Hội đồng thi này vẫn tiến hành xử lý chấm bài thi dù không đủ cán bộ giám sát theo quy định. Bấy nhiêu đây dư sức đưa Hội đồng thi của tỉnh vào diện thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và hai vị cán bộ thanh tra uy quyền của Bộ cũng chả thể “rung đùi” ngồi yên được.

Một số giải pháp

Sự vụ được phanh phui, đã có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu lại phương pháp thi Đại học của nước ta, tưởng ổn mà không ổn. Tức là, nên xóa bỏ kỳ thi “hai trong một”. Hà Giang làm được thì các tỉnh thành khác có chịu thua kém?

Có người nói: “Nói là thi tốt nghiệp THPT nhưng thực chất là thi Đại học, người ta “chạy” nâng điểm để được vào học các trường đại học top đầu. Vì thế, học cấp nào thi cấp nấy, nghĩa là tách kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học thay vì tổ chức một kỳ thi hai mục đích như hiện nay”.

Thế nhưng, theo cá nhân người viết thì cần phải nhìn nhận một cách khách quan khi trong cả một giai đoạn/thời kỳ dài, ngành giáo dục loay hoay nhập kỳ thi với mục đích giảm tải gánh nặng thi cử cho thí sinh, để giảm lãng phí (mỗi kỳ thi Bộ phải huy động hàng chục nghìn cán bộ, giáo viên, chưa kể có sự phối hợp của bên an ninh…). Cũng là níu kéo cơ hội, tạo cơ hội công bằng cho tất cả các em để nuôi dưỡng giấc mơ con chữ, nghề nghiệp. Và kỳ thi “hai trong một” này đã và đang có những tín hiệu tích cực cần phải ghi nhận.

Tất nhiên, phương thức thi cử nào cũng có vấn đề. Vấn đề bây giờ là chúng ta đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trên là do yếu tố con người. Vậy nên, cần có biện pháp kết hợp để chống và xử lý nhằm nâng tầm chất lượng đầu vào cho các trường Đại học cũng như giúp các thí sinh nhận thấy “mình đang ở đâu” để có hướng đi thích hợp cho bản thân.

Một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, có sai phạm, xử lý nghiêm cả một “dây chuyền”.

Nói vậy bởi vì dù công nghệ đã được áp dụng trong thi tuyển sinh, nhưng yếu tố con người xuất hiện ở mọi khâu của kỳ thi. Từ khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi trắc nghiệm/tự luận... Chỉ cần có sự thông đồng tiêu cực thì sẽ tạo ra kẽ hở dẫn đến sai phạm có hệ thống, hay vậy lơ là trách nhiệm của cán bộ trong mỗi khâu thi cũng thế. Nghĩa là, sai phạm xuất phát từ con người thì phải xử lý từ con người?!

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Không chỉ ông Vũ Trọng Lương bị xử lý mà cả Hội đồng thi ở đó gồm những người liên quan phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, bị hạ bậc lượng, đưa ra khỏi ngành. Trong việc xử lý này không có vùng cấm để làm gương cho người khác nếu có ý định thì phải chùn tay mà dừng lại”.

Hai là, nên quay trở lại thi tự luận với một số môn.

Trong tình hình tiêu cực ngày một phổ biến và năng lực thí sinh ngày một “mờ mờ ảo ảo” như hiện nay thì việc trở lại thi tự luận một số môn, ít nhất là môn Toán (có thể trong mỗi một khối thi, nên có ít nhất một môn thi tự luận) chẳng hạn, sẽ giúp cho việc đánh giá thí sinh chính xác hơn.

Ba là, giao lại việc tổ chức thi THPT quốc gia, trong đó khâu quan trọng nhất là coi thi, chấm thi cho các trường Đại học.

Rõ ràng, việc Bộ giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi trong hai năm qua càng lộ rõ “bệnh thành tích” và sự vụ Hà Giang giống chẳng khác gì kiểu “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.

Theo đó, nên giao lại quyền chủ trì cho các trường Đại học, nhưng vẫn tổ chức kỳ thi tại trường/cụm, thi ngay địa phương của các thí sinh. Như thế sẽ đỡ tốn kém cho cả thí sinh và đơn vị tổ chức, mà đảm bảo được chất lượng kỳ thi.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao những giải pháp công nghệ vào các kỳ thi để hạn chế tiêu cực. 

Sự việc ở Hà Giang là do họ tẩy phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu trả lời trắc nghiệm có một kẽ hở rất lớn là tô bằng chì cho nên dễ dàng tẩy và tô lại được, không ai có thể phát hiện được. Muốn khắc phục, các cơ quan chức năng biết sẽ cần phải làm gì.

Qua đây chúng ta thấy, vụ gian lận kết quả thi cử ở Hà Giang rồi sẽ được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh và khắc phục hậu quả công bằng. “Thà một lần đau” để trong sạch các kỳ thi về sau là tối cần thiết. Bởi, không có chuyện các con em lãnh đạo trở thành “hồng phúc dân tộc” khi dựa trên sự dối trá.

Sông Hàn