Startup trẻ chia sẻ bí quyết nhảy việc

00:00 12/10/2020

Startup trẻ Nguyễn Hùng cho rằng, cơ hội hay rủi ro khi nhảy việc còn liên quan đến mục tiêu của bạn là gì?

Trả lời độc giả trong buổi giao lưu trực tuyến về "Bí quyết nhảy việc", start trẻ Nguyễn Hùng cho rằng, cơ hội hay rủi ro khi nhảy việc còn liên quan đến mục tiêu của bạn là gì. Nếu chỉ nhảy việc vì không hợp, không biết mình muốn gì, thì kết quả sẽ là điều tồi tệ với bạn.

Startup trẻ Nguyễn Hùng

Hiện nay, "nhảy việc" không còn là điều xa lạ với những người đi làm, nhất là những người trẻ. Tất cả chúng ta đều mong muốn tìm được một công việc phù hợp với khả năng, sở thích, chế độ đãi ngộ tốt và tương lai rộng mở. Vì vậy, dù đang có một công việc hài lòng những khi những cơ hội khác đến, không ít người vẫn phân vân "lựa chọn hay để dòng nước trôi đi".

Trong buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề: "Bí quyết nhảy việc: "Cuộc sống bế tắc hay cuộc đời nở hoa", tất cả phụ thuộc vào bạn!", do báo điện tử Trí thức trẻ và CafeF tổ chức, anh Nguyễn Hùng - một người trẻ từng nhảy việc rất nhiều lần, hiện là Founder/CEO của MEG Creative đã chia sẻ kinh nghiệm của mình với độc giả.

24 tuổi, Nguyễn Hùng đã từng nhảy việc tới 5 lần trước khi khởi nghiệp với MEG Creative. Dù trẻ tuổi nhưng Nguyễn Hùng tỏ ra khá chín chắn với mục tiêu cuộc sống và cách thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Chia sẻ về thắc mắc của độc giả về những nguy cơ và cơ hội khi nhảy việc, Nguyễn Hùng cho hay: "Có một câu thế này: Chúng ta sẽ không biết mình biết gì cho tới khi thử. Khi mà có quá nhiều lựa chọn, chúng ta sẽ dễ bị thiếu thỏa mãn. Như thể bạn lên Foody hay LOZI chọn món xong cuối cùng vẫn ra quán ăn quán bún gần nhà. Nhảy việc cũng tương tự như vậy. Khi chúng ta có quá nhiều cơ hội thì lại phân vân giữa các lựa chọn nên cuối cùng lại chọn một công việc quen thuộc...

Điều cốt lõi là chỉ nhảy việc khi bạn hiểu rõ mục tiêu của mình. Đừng nhảy việc nếu bạn chỉ muốn làm đẹp profile".

Theo startup trẻ, dưới góc nhìn của những người nhảy việc, cơ hội hay rủi ro còn liên quan đến mục tiêu nhảy việc của bạn. Nếu bạn nhảy việc để tìm kiếm những thử thách cho bản thân, và biết rõ mục tiêu của mình, thì đó là cơ hội cho bạn. Nhưng nếu như bạn nhảy việc đơn giản vì bạn đang không biết mình thích điều gì thì nhảy việc chỉ kéo bạn tới một kết thúc tồi tệ. Và sau một hồi đi loanh quanh, nhìn lại bạn bè đã tiến xa còn bạn vẫn đang tìm kiếm mục tiêu cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ hiện này có thói quen than thở cuộc sống nhàm chán, không có cơ hội thăng tiến. Thế nhưng ngược lại, họ lại chỉ muốn sống an nhàn, yên ổn, ngại đối mặt với thử thách, ngại cả cố gắng. Hàng ngày, họ chấp nhận tới làm việc ở một nơi nhàm chán, làm những việc tẻ nhạt, miễn sao nó giúp họ có một thu nhập ổn định. Họ chấp nhận "vùng an toàn" của bản thân dù vẫn thường xuyên than thở về sự tù túng của nó.

Chia sẻ về điều này, Nguyễn Hùng nói: "Tôi có một cậu bạn thân. Mong muốn lớn nhất của cậu ấy là cuối ngày mấy thằng tôi được ngồi với nhau, vui vẻ và không lo nghĩ. Tôi tôn trọng điều đó và thậm chí, tôi sẵn sàng kết thân với những người như vậy hơn cả.

Tôi nghĩ khái niệm "vùng an toàn" đơn giản là mục tiêu của họ với cuộc sống. An phận và hài lòng với điều tôi có. Sao phải gò ép tất cả mọi người đâm đầu vào gian khổ. Không còn thời "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng" nữa, thì giờ phải là "Ai cũng chọn việc gian khổ, nhẹ nhàng biết dành phần ai?".

Những người trẻ không muốn lãng phí tuổi thanh xuân, hãy dấn thân và chấp nhận đương đầu với những thử thách. Hãy xác định mục tiêu cho bản thân bạn, quên đi việc phải đối mặt với áp lực mà hãy tập trung khai phá những điều hay ho về chính bạn và những khả năng của bạn.

Công việc sẽ là thứ bạn gắn bó cả đời. Vì thế hãy chọn việc khiến bạn hào hứng mỗi sáng thức dậy, để "không phải làm việc một ngày nào cả" mà chỉ là sống với những đam mê thực sự, đem lại những giá trị thực sự cho quãng thời gian mà bạn bỏ ra.