Startup gọi vốn đầu tư bao nhiêu là đủ?

00:00 12/10/2020

Nhiều kinh nghiệm về quá trình gọi vốn và tăng trưởng đã được thảo luận tại buổi giao lưu trực tuyến trong chuỗi chương trình của Grab Venture Ignites.

Mới đây, Grab Ventures Ignite đã tiếp tục tổ chức buổi đào tạo, tư vấn trực tuyến với chủ đề “Gọi vốn và tăng trưởng” cho 13 startup tham gia chương trình. Buổi đào tạo có sự tham dự của bà Aditi Sharma, Giám đốc Chương trình và Đầu tư của Grab Ventures, bà Văn Đinh Hồng Vũ, CEO ELSA và ông Kevin Tùng Nguyễn, nhà sáng lập JobHopin. Các chuyên gia đã cùng nhau đưa ra lời khuyên cho quá trình tăng trưởng của startup, đặc biệt là giai đoạn gọi vốn đầu tư.

“Gọi vốn không nên là một cột mốc thành công”

Nhìn nhận về quá trình gọi vốn và thu hút đầu tư, các chuyên gia đánh giá nhiều startup thường gặp phải những khó khăn chung trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính.

startup anh 1

Nhà sáng lập không nên xem gọi vốn là một cột mốc thành công của công ty.

Bà Hồng Vũ, người thu hút thành công 7 triệu USD đầu tư từ Google cho ELSA chia sẻ, trong quá trình xây dựng và phát triển startup, gọi vốn rất cần thiết nhưng không nên đánh giá nó là một cột mốc thành công của doanh nghiệp. Các nhà sáng lập nên xác định rõ mục tiêu cụ thể của công ty và đặt ở mỗi giai đoạn một dấu mốc tăng trưởng phù hợp. Nguồn vốn đầu tư huy động được sẽ là nhiên liệu cần thiết cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu đã định ra.

“Đây là những thứ tôi học được qua nhiều năm kêu gọi đầu tư. Vốn đầu tư quan trọng nhưng gọi được đầu tư không có nghĩa là doanh nghiệp đã thành công. Điều các công ty cần chú trọng nên là giá trị thực sự mà họ đang xây dựng”, bà Hồng Vũ chia sẻ.

Nhiều đã là tốt?

Covid-19 là một “cú đánh” choáng váng và hoàn toàn bất ngờ đối với toàn bộ nền kinh tế. Đại dịch ập đến đã thúc đẩy giới đầu tư cân nhắc khắt khe hơn với mỗi dự định đầu tư. Vì lẽ đó, bà Hồng Vũ gợi ý startup nên gọi vốn ngay khi có thể, bởi kêu gọi đầu tư là một quá trình mất nhiều thời gian và công sức.

Tuy vậy, CEO ELSA nhấn mạnh không nên gọi vốn quá nhiều, nhưng cũng phải có kế hoạch dự phòng và không để công ty cạn vốn hoạt động. Theo bà, lượng đầu tư thích hợp là một khoản vừa đủ để đạt được cột mốc tiếp theo của công ty và thêm một khoản dự phòng nếu có vấn đề phát sinh. Một khoản đầu tư vừa đủ sẽ giúp chủ doanh nghiệp tập trung vào giá trị cốt lõi của công ty hơn những vấn đề thứ yếu xung quanh, bà nói.

Bàn luận về vấn đề này, ông Kevin Tùng Nguyễn bổ sung: “Nếu chỉ tập trung vào những giá trị tài chính tăng thêm nhưng không tập trung cải thiện vấn đề cho người dùng, doanh nghiệp sẽ sớm bị bỏ lại trong cuộc đua”.

startup anh 2

Đại diện các startup được chọn tham gia vào toàn bộ chương trình Grab Ventures Ignite.

Bà Hồng Vũ chia sẻ: “Hãy thực sự cân nhắc khi quyết định gọi vốn. Khi muốn gọi vốn đầu tư, bạn cần lập sẵn kế hoạch cụ thể cho khoản tiền đó. Càng giữ nhiều nguồn tiền bên ngoài, doanh nghiệp bạn càng dễ phát sinh vấn đề”.

Chuẩn bị kỹ càng

Bên cạnh đó, một kế hoạch tỉ mỉ với chi tiết cụ thể và hướng đi rõ ràng sẽ là điểm cộng thu hút các nhà đầu tư. Bà Hồng Vũ khuyến khích các startup nên chuẩn bị kỹ càng phương hướng và kế hoạch chi tiêu khi thuyết phục giới đầu tư, bởi “không ai muốn đổ tiền vào những người còn chưa rõ họ nên làm gì”, bà nói.

Các chuyên gia chia sẻ một thiếu sót thường gặp của các startup khi gọi vốn là chưa chu tất vẹn toàn trước khi bắt đầu thu hút đầu tư. Theo ông Kevin Tùng Nguyễn, doanh nghiệp nên xác định rõ điểm mạnh của mình để tập trung đào sâu nghiên cứu và phát triển. Từ đó, doanh nghiệp có thể tạo nên tính đột phá riêng và gây ấn tượng với cả nhà đầu tư và khách hàng. Bên cạnh đó theo bà Hồng Vũ, gọi vốn cũng như khởi nghiệp là một quá trình liên tục tu chỉnh và sửa đổi để phát triển hơn. Bà khuyến khích các nhà khởi nghiệp nhìn lại và thay đổi nếu cần thiết để ngày càng hoàn thiện.

Trong buổi đào tạo, các startup cũng được tư vấn trực tiếp về nghệ thuật trình bày ý tưởng từ bà Aditi Sharma - Giám đốc Chương trình và Đầu tư của Grab Ventures. Với bà Aditi, trình bày ý tưởng (Pitching) là một nghệ thuật cần được chăm chút để startup tự tin thể hiện tiềm năng trước nhà đầu tư một cách đầy đủ và ấn tượng nhất.

“Mỗi startup nên kể được câu chuyện của riêng mình. Câu chuyện đó phải bao hàm các yếu tố về nội dung, thông điệp chính, nhu cầu của khách hàng và vai trò của doanh nghiệp. Ngoài ra, một câu chuyện được trình bày mạch lạc, súc tích nhưng cụ thể sẽ gây ấn tượng với các nhà đầu tư”, bà Aditi chia sẻ.

Lựa chọn nhà đầu tư thông minh

Theo các chuyên gia, bên cạnh thu hút đầu tư về tài chính, hành trình tìm kiếm một nhà đầu tư có thể cố vấn về chiến lược, phương hướng, dẫn dắt giao thiệp cũng cần thiết không kém.

Không chỉ nhà đầu tư cần tìm hiểu về startup, các startup cũng phải đánh giá và cân nhắc để tiếp cận nhà đầu tư phù hợp cho hoạt động công ty. Nói về kinh nghiệm lựa chọn nhà đầu tư, bà Hồng Vũ có ba tiêu chí thường xem xét: Thứ nhất, kinh nghiệm về quá trình lập nghiệp giúp nhà đầu tư có thể cố vấn để xây dựng startup. Tiếp theo là những mối quan hệ của nhà đầu tư có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong tương lai. Cuối cùng, CEO ELSA tìm kiếm những nhà đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển của công ty.

Bà Hồng Vũ khuyến khích các nhà sáng lập nên tìm hiểu những nhà đầu tư có cùng định hướng và phong cách làm việc nhằm tối đa hóa lợi ích cho hai bên. “Dù trong công việc hay cuộc sống, một người đồng hành phù hợp là người mà bạn có thể làm việc cùng họ và cả hai có mối quan hệ tốt ngoài công việc”, bà gợi ý.

Bùi Ngọc - Giang Di Linh