Startup Đông Nam Á "khát" vốn đầu tư nước ngoài

00:00 12/10/2020

Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á đang kêu gọi chính phủ mở cửa cho đầu tư nước ngoài để thu hút thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng đến các thị trường này.

Các startup công nghệ tại cuộc triển lãm Startups Factory, Tech in Asia 2018 tại Singapore

Theo một cuộc phỏng vấn của Asia Nikkei Review, một số doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghệ đến từ Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia cho rằng, họ cần các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp vốn và tiếp cận thị trường để giúp họ phát triển.

Hầu hết những chủ doanh nghiệp được phỏng vấn đều bày tỏ mong muốn có các quy tắc rõ ràng và dễ dàng hơn để thu hút các nhà đầu tư bên ngoài.

Linh Phạm, người sáng lập công ty khởi nghiệp logistics Việt Nam Logivan Technologies, nhấn mạnh rằng "đầu tư nước ngoài tạo ra sự quan tâm và năng động trong ngành công nghiệp, qua đó giúp mọi người dễ dàng biết về những gì chúng tôi đang làm".

Đồng tình với quan điểm trên, Andreas Senjaya, Giám đốc điều hành của iGrow Resources Indonesia, một dịch vụ kết nối các nhà đầu tư với các dự án nông nghiệp cho rằng, một số nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc tham gia và đầu tư vào nền tảng của chúng tôi do các quy định ngặt nghèo.

Có thể thấy một số những rào cản đáng kể đã ngăn cản việc thu hút dòng tiền từ nước ngoài do chính phủ nhiều quốc gia đang áp đặt những quy định chặt chẽ hơn, chẳng hạn như hạn chế về vốn sở hữu nước ngoài.

Mặt khác, thị trường khởi nghiệp ở Đông Nam Á vẫn còn một chặng đường dài để đạt ngưỡng trưởng thành đầy đủ với những lối ra, chẳng hạn như mua lại, và IPO vẫn còn rất ít.

Bởi vì nhiều công ty khởi nghiệp vẫn chìm trong sắc đỏ, các nhà đầu tư đang có xu hướng bắt đầu chuyển từ tài trợ hạt giống sang tài trợ vốn vào giai đoạn tăng trưởng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhân rộng quy mô hoạt động. 

Ngoài ra, một số nhà đầu tư thiên thần đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ vốn để tham gia vào các vòng vốn tăng trưởng. Ví dụ, vào năm 2010, East Ventures là người ủng hộ sớm cho công ty khởi nghiệp thương mại điện tử Indonesia, Tokopedia.

Nhưng vào năm 2017, Alibaba đã đầu tư 1,1 tỷ USD vào công ty, điều này dẫn đến sự pha loãng đáng kể lợi ích của East Ventures vì họ không có tiền để tham gia vào vòng đầu tư sau này.

Các startup công nghệ trẻ cho rằng họ cần các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp vốn để giúp họ phát triển

Một số khía cạnh khác cũng được chỉ ra đó là các công ty khởi nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng thành công ở quốc gia khác do rào cản về văn hóa và ngôn ngữ. Khu vực này có khoảng 655 triệu người ở 11 quốc gia và có hàng trăm ngôn ngữ bản địa khác nhau. Mỗi quốc gia có thể chế, hệ thống kinh tế, sử dụng công nghệ, giáo dục và dân số riêng.

Ngoài ra, theo báo cáo của Viện toàn cầu McKinsey, thu nhập bình quân đầu người cũng có thể chênh lệch tới 50 lần giữa các quốc gia láng giềng khác nhau. Do sự phân mảnh và phức tạp của Đông Nam Á, không có công ty khởi nghiệp nào có thể áp dụng một chiến lược phù hợp với tất cả các nước trong khu vực.

Cùng với đó, Đông Nam Á cũng là nơi sở hữu nhiều thị trường mới nổi như Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Indonesia. Những đất nước này có nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, quy định chuẩn quốc tế và đội ngũ nhân viên quản lý có kinh nghiệm. 

Có thể thấy, Đông Nam Á đã trở thành một thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt nhiều khoản đầu tư đã tập trung vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Theo Trung tâm nghiên cứu cổ phần tư nhân châu Á có trụ sở tại Hồng Kông, đầu tư cổ phần tư nhân ở châu Á đã tăng 27% lên 166 tỷ đô la vào năm 2018.

Những rào cản lớn trong khu vực đang khiến Đông Nam Á chưa có một công ty công nghệ thông tin quy mô toàn cầu. Bất kỳ hệ sinh thái khởi nghiệp nào cũng sẽ có những thách thức đặc biệt riêng.

Đối với các doanh nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á, sự trưởng thành của thị trường, rào cản văn hóa và ngôn ngữ và phát triển cơ sở hạ tầng có thể gây ra những khó khăn không giống như các khu vực khác trên thế giới.

Tuy nhiên, với sự gia tăng tài sản bình quân đầu người và thâm nhập internet cao, khu vực này vẫn có tiềm năng đáng kể cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các quỹ đầu tư tăng trưởng sẵn sàng có tầm nhìn rộng.

"Để có được những khoản đầu tư thích hợp, bạn cần có nhiều chuyên môn", ông Chua của Vertex Venture nói. “Bạn không cần phải biết rất nhiều người, chỉ cần biết đúng người".