Sống ở Triều Tiên

00:00 12/10/2020

Ở Triều Tiên, nữ cảnh sát được cấp mỹ phẩm, chỉ xe công mới được lưu thông trên đường và dân thường không được mặc như giới tư bản
 

Một nữ cảnh sát giao thông ở Bình Nhưỡng, thủ đô Triều Tiên, đứng gác trang nghiêm bên đường, tay cầm gậy chỉ huy.

Nữ cảnh sát ở Triều Tiên phải cao trên 1m63. Họ được tuyển chọn từ 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp hai, và bị buộc xuất ngũ ở tuổi 26. Trong thời gian công tác, nữ cảnh sát được chính phủ cấp miễn phí mỹ phẩm Pomhyanggi, hãng mỹ phẩm tốt nhất tại Triều Tiên, theo QQ.

 

Trong nội thành thủ đô Bình Nhưỡng, nhà cao tầng mọc san sát, đường phố rộng rãi, sạch sẽ, khắp nơi treo tranh tuyên truyền và hình các lãnh đạo.

Toà nhà 45 tầng bên sông Taedong được xây dựng năm 2012, là trung tâm mua sắm cao cấp kết hợp khu căn hộ hạng sang. Chỉ tầng lớp tinh hoa trong thành phố mới được sống tại đây.

 

Các cô gái Triều Tiên mặc Joseon-ot, trang phục truyền thống của nước này, đi trên đường. Người dân Triều Tiên có câu "trai phương nam, gái phương bắc", ý chỉ vẻ đẹp của con gái Triều Tiên và con trai Hàn Quốc.

Dân số Bình Nhưỡng khoảng 2,85 triệu người, chủ yếu là những người lai lịch "đáng tin cậy". Chính quyền không giới hạn số dân, nhưng chỉ những người có giấy tờ đặc biệt hoặc làm thủ tục đăng ký mới được sống tại đây. Vì vậy, thủ đô Bình Nhưỡng là giấc mơ của không ít người dân Triều Tiên.

 

Một cặp cô dâu, chú rể đang chụp ảnh cưới trong công viên. Trong hôn lễ ở Triều Tiên, cô dâu mặc váy truyền thống, chú rể mặc âu phục, trường hợp là quân nhân thì phải mặc quân phục.

 

Tuyến tàu điện ngầm Bình Nhưỡng được xây dựng từ những năm 1960, độ sâu trung bình 100 mét, nơi sâu nhất là 200 mét. Khu vực này có nhiều du khách ngoại quốc, nhân viên nhà ga thường tới kiểm tra bất chợt.

Tại Triều Tiên, kiểu tóc cũng được quy định kỹ càng. Phụ nữ được phép uốn tóc nhưng không được nhuộm màu lạ.

 

Khác với trạm tàu điện ngầm, giao thông trên mặt đất tương đối thoáng, không ách tắc, chủ yếu là phương tiện công cũ kỹ và tàu điện cỡ nhỏ, lác đác vài xe ôtô trên đường. Do tình trạng thiếu dầu ở Triều Tiên, chỉ những cán bộ có công với nhà nước mới sở hữu xe riêng. Các xe gắn máy trên đường hầu hết là xe công.

 

Người dân thường đi lại bằng hệ thống giao thông công cộng, xe đạp hoặc đi bộ. Lượng xe ít nên ở các ngã tư không có đèn giao thông, chỉ có cảnh sát đứng chỉ huy.

 

Khoảng cách từ Bình Nhưỡng tới núi Kongo thuộc thành phố cảng Wonsan là 260 km, mất 7 tiếng chạy xe. Các con đường ở ngoại ô thành phố thường được đổ bê tông, không được rải nhựa do thiếu nguyên liệu.

Tại Wonsan, thành phố du lịch phía đông Triều Tiên, đường sá hẹp và cũ kỹ. Nông dân ở đây chủ yếu lao động tập thể, mỗi người lớn kiếm được một công mỗi ngày, một công đổi được 0,9 kg gạo.

 

Thành phố Kaesong nằm giáp Hàn Quốc. Khu vực này có khu công nghiệp Kaesong do Hàn Quốc đầu tư nên được xem là một trong những nơi phát triển nhất ở Triều Tiên.

Khu công nghiệp này nhiều lần đóng cửa. Hồi tháng hai, do ảnh hưởng của các vụ thử hạt nhân và phóng vệ tinh, phía Hàn Quốc ngừng mọi hoạt động tại đây, còn phía Triều Tiên tuyên bố trục xuất mọi công nhân Hàn Quốc và cho quân đội vào quản lý, khiến nhiều thương nhân Hàn Quốc trắng tay.

 
Ban công các toà dân cư ở Kaesong đặt nhiều tấm pin năng lượng mặt trời.
 

Điều kiện khách sạn ở Triều Tiên không quá tốt, nằm xa khu dân cư. Tivi trong phòng chỉ có vài kênh, phần lớn là các tiết mục tuyên truyền và nhạc cách mạng, tin tức đưa từ nước ngoài rất ít.

 

Lẩu của Triều Tiên thường bỏ nhiều hạt tiêu.

Mỳ lạnh là món đặc sản ở quốc gia này, giá khoảng 0,3 USD một bát. Thu nhập một tháng của người dân trung bình từ 5.000 đến 8.000 won Triều Tiên (khoảng 45 đến 75 USD), vì thế, hiếm có người bỏ tiền ăn mỳ lạnh.

(theo vnexpress.net)