Song Ngư Sơn và Chùa Đảo Ngư: Điểm du lịch sinh thái và tâm linh hấp dẫn ở Cửa Lò

00:00 12/10/2020

Cách bãi tắm Cửa Lò 4km ngoài khơi, Song Ngư Sơn nổi lên gữa biển nước bao la với ngút ngàn màu xanh. Ngoài vai trò làm lá chắn ngăn sóng gió cho bãi tắm, song đảo này còn tạo cho biển Cửa Lò vốn hiền hoà lại thêm vẻ đẹp quyến rũ bởi sự hoà quyện màu xanh ngọc bích của biển với màu xanh của rừng. Điều lý thú là nơi đây còn có ngôi chùa cổ linh thiêng ngót 700 tuổi.                                        

 Huyền thoại đảo...

Một trong những sự tích cõn lưu truyền về đảo Ngư rằng: Xưa kia, biển Cửa Lò luôn dữ dằn, ngư dân phải hứng chịu những cơn sóng cuồng phong, cầu mong mãi biển đòi đổi mạng. Hai ngư dân đã tự nguyện nhảy xuống biển trong nỗi đau xé ruột của người dân nơi này. Kỳ lạ thay, từ khi hai ngư dân bị cuốn vào biển xanh thì ngoài xa, biển dậy cơn sóng khổng lồ rồi từ từ nhô lên hai hòn đảo như sự hoá thân của hai ngư dân nọ. Cặp đảo song hành lớn dần lên và nối liền nhau tạo nên lá chắn ngăn sóng dữ. Từ đó, biển Cửa Lò hiền hoà, trong xanh, thơ mộng cho đến ngày nay. Ghi nhớ công ơn của ai người đã hiến thân mình hoá thành hai hòn đảo ngăn sóng nên từ xa xưa, người ta đặt tên cho cặp đảo này là Song Ngư. Khi Song Ngư ngút ngàn rừng xanh và động vật đa loài thi được gọi là Song Ngư Sơn. Trải bao biến cố của lịch sử, Song Ngư Sơn không chỉ là lá chắn sóng biển mà còn là nơi trú ẩn của thuyền bè mỗi khi gió bão và là tai mắt của Tổ quốc mỗi khi có xâm lăng. Thời Trần, nơi đây là điểm chốt chặn làm chậm bước tiến của thuỷ quân Chế Bồng Nga ra đánh Thăng Long, là vị trí chiến lược của Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn chống xâm lược Nguyên Mông. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là vị trí tiền tiêu quân dân ta lập nên chiến công hiển hách: Ngăn chặn tàu chiến địch xâm nhập vào đất liền, bắn rơi 11 máy bay, bắn cháy 7 tàu chiến Mỹ. Với chiến công ấy Song Ngư Sơn được Bác Hồ tặng cờ thi đua "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" và năm 1973, được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng LLVT. Đất nước hoà bình, Song Ngư Sơn không lúc nào vắng bóng các chiến sỹ canh giữ  đảo. Sự tích hình thành đảo và những chiến công hiển hách  qua các thời đại, làm nên  một Song Ngư Sơn huyền thoại.

dao-ngu Song Ngư Sơn như hòn ngọc giữa biển khơi    

     ...và ngôi chùa ngót 700 tuổi

Thời Lý Trần (thế kỷ 13), Phật giáo là Quốc đạo, vua Trần Thánh Tông đã ban chiếu lập chùa đảo Ngư thờ Thích ca mauni trên Song Ngư Sơn, đồng thời để ghi nhớ công lao của tướng quân Hoàng Tá Thốn, người chỉ huy thuỷ quân lập công lớn trong kháng chiến chống Nguyên Mông, Vua Trần Thánh Tông ban chiếu phong ông là Sát hải Đại vương và cho thờ ông trong ngôi chùa này. Chùa được xây dựng phía Tây, trên vùng đất hình quạt rộng  chừng 5 ha, gồm: Hai nhà Nam đối diện nhau qua sân chùa, mỗi nhà 5 gian là nơi  người hành hương dừng chân trước khi vào hành lễ. Chùa chính có ba gian thượng điện và 5 gian hạ điện thâm nghiêm. Thượng điện thờ: Tam Thế (Di Lạc, Thích Ca, Adi dà); Di đà tam tôn ( Đức A di đà phật, Đại Bồ tát, Đại Thế chí); Thế tôn (A Nam đà, Thích ca, Ca diếp). Tiếp đó là thờ Ngọc Hoàng, Quan Âm Thiên thủ, Thiên nhụ,  Cửu Long  và Quan âm Tống tử. Hạ điện  thờ  Quan Âm Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn và là nơi hành lễ. Sân, vườn chùa rộng rãi dưới bóng cây xanh, bể cảnh chùa đẹp, hàng rào bao quoanh. Trước sân chùa là hai cây lộc vừng và cây dới cổ thụ ngót 500 tuổi. Dưới tán cây là giếng nước thần, chỗ duy nhất trên đảo có nguồn nước ngọt không bao giờ khô cạn. Phía bắc đảo, gần kề khu vực chùa có bãi tắm đá cuội. Tương truyền nơi đây là bến tắm của những nàng Tiên. Về sau là nơi để khách hành hương tắm gội trước khi vào lễ chùa. Đặc biệt chùa Đảo Ngư còn có chiếc chuông đồng cổ  được đúc từ thế kỷ 13 bị lưu lạc sang Trung Quốc nay đã được sao lục, phục chế. Trên chuông có khắc bài minh văn bằng chữ hán nôm đang là đề tài nghiên cứu của các nhà sử học quốc gia. Là ngôi chùa rất linh thiêng lại nằm trên tuyến đường thuỷ nối liền Bắc-Trung - Nam giữa hai cửa lạch lớn là Cửa Lò và Cửa Hội, nên ngư dân và các nhà buôn bán thường ghé vào chùa đảo Ngư làm lễ cầu nguyện và thường rất ứng nghiệm.  Mặc dù chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã phá huỷ ngôi chùa  nhưng nhiều người dân vẫn vượt biển đến đây lễ vái. Năm 2002, Nghệ An đã lập DA phục chế chùa đảo Ngư theo đúng kiến trúc niên đại mà Viện khảo cổ học xác định. Cùng với việc trùng tu chùa, các bến cảng Lan Châu ở đất liền và bến đảo  Ngư cũng được xây dựng đưa đón du khách ra đảo.

chua-ngu Chùa Đảo Ngư, ngôi chùa linh thiêng ngót 700 tuổi

Dự án xây dựng cáp treo từ đất liền ra đảo đang được doanh nhân quê xứ Nghệ, ông Nguyễn Nhật Vượng triển khai. Khi hoàn thành, khoảng cách từ Song Ngư Sơn về đất liền chỉ cũn tính bằng phút, sẽ thu hút khách du lịch sinh thái và du lịch tâm linh ra đảo ngày càng đông. Song Ngư Sơn sẽ trở thành điểm nhấn du lịch không chỉ của riêng Cửa Lò mà của cả miền Trung nắng gió, với lợi thế có biển, có rừng, có ngôi chùa cổ linh ứng và người dân xứ Nghệ thân thiện, mến khách

lich-trinh-kham-pha-bai-bien-cua-lo-trong-1-ngay-24 Giếng Ngọc tại sân chùa Đảo Ngư, điểm nước ngọt tuyệt hảo trên đảo, nguồn nước quý chưng cất nên Song Ngư tửu

Đến một lần sẽ không quên

Song Ngư Sơn với chùa đảo Ngư giờ đây đã hiển diện vẹn nguyên và cổ kính như 700 năm trước. Chỉ non một giờ đi thuyền máy hoặc 10 phút đi bằng thuyền cao tốc sau khi rời bến Lan Châu, du khách sẽ đặt chân tới song đảo huyền thoại này để mặc sức vãn cảnh rừng xanh giữa biển khơi với sự hoà quyện diệu kỳ của biển với rừng. Tiếp đến  là vừa vãn cảnh  ngôi chùa cổ rồi thưởng thức những đặc sản có một không hai ở đảo, như: Cá dò bảy món, thịt lợn và dê rừng nướng nhắm với Song Ngư tửu- thứ rượu được chưng cất từ nguồn nước giếng tiên chỉ có ở đảo Song Ngư- du khách sẽ mãi không quên về chuyến DL vượt biển nên thơ bởi được ngắm cảnh rừng giữa biển khơi, đồng thời thực hiện chuyến DL tâm linh bởi vãn cảnh và lễ chùa.

                                                   TÔ  LAN