Singapore có thể trở thành trung tâm cho thế kỷ châu Á?

00:00 12/10/2020

Singapore nổi tiếng là một trung tâm đổi mới và khởi nghiệp ở châu Á và được biết đến là đảo quốc sư tử.

Tờ Asia Times khẳng định: Thế kỷ châu Á là ở đây.

Trong cuốn sách "The Future Is Asia" (Tương lai là châu Á), tác giả Parag Khanna đã viết: "Châu Á đang dần thay đổi. Cùng với Bắc Mỹ và châu Âu, châu lục này đang trở thành trung tâm quyền lực thế giới. Vào năm ngoái, Diễn đàn kinh tế thế giới đã phỏng đoán rằng năm 2020 sẽ đánh dấu khởi đầu mới của thế kỷ châu Á.

Singapore có thể trở thành trung tâm cho thế kỷ châu Á? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Ngay cả trong điều kiện bình thường mới do đại dịch Covid-19, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng cho rằng, các nền kinh tế châu Á hiện là các khu vực duy nhất có thể tiếp tục dự đoán tăng trưởng GDP trong năm nay trong khi các châu lục còn lại của thế giới đang tăng trưởng âm.

Không hề ngạc nhiên khi Singapore – nền kinh tế mở và có tính cạnh tranh mạnh nhất trên thế giới trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu - đang trên đà phát triển.

Các cơ hội từ khủng hoảng

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, Singapore đang nổi lên là một trung tâm mới đối với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sau các thông báo gần đây từ ByteDance hay Tencent về việc lựa chọn thành phố này trở thành đầu tàu phát triển công nghệ của khu vực.

Phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ và Đổi mới toàn cầu (GITF) tổ chức hôm thứ Hai đầu tuần này, ông Kay Mok Ku – đối tác quản lý khu vực Đông Nam Á của Gobi Partners – một quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đã bày tỏ lạc quan về vai trò của Singapore trong việc giúp các công ty công nghệ của Trung Quốc xuất khẩu công nghệ nước này ra nước ngoài trước các lệnh cấm công nghệ của Mỹ và Ấn Độ.

"Chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của các công ty Trung Quốc về việc sử dụng Singapore là một trung tâm toàn cầu, chẳng hạn như chất bán dẫn, phần cứng và các ứng dụng. Theo ông Ku, công nghệ Trung Quốc cần được tích hợp với công nghệ phương Tây trước khi vươn ra quốc tế và đó là thị trường ngách mà Singapore có thể lấp đầy.

Trong khi Trung Quốc chuyển trọng tâm sang mục tiêu gọi là "chiến lược lưu thông kép" (kết hợp giữa lưu thông nội bộ và lưu thông ngoài nước) nhằm phát triển lâu dài cho đất nước thì vai trò của Singapore được đánh giá là rất quan trọng trong việc kết hợp công nghệ nguyên bản của Trung Quốc với công nghệ phương Tây.

Các nền kinh tế ASEAN trị giá hàng nghìn tỷ đôla

"Bên cạnh là đòn bẩy cho các công nghệ Trung Quốc, Singapore cũng có thể tự định vị mình trở thành trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á", ông Ku nhấn mạnh.

Theo the Economist Intelligence Unit, khu vực ASEAN có tiềm năng trở thành khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới dựa trên khả năng đổi mới và công nghệ kỹ thuật số ước tính bổ sung lên tới 1 nghìn tỷ đôla Mỹ vào tổng sản phẩm quốc nội khu vực.

Carousell, một thị trường trực tuyến có trụ sở chính tại Singapore là một trong những trường hợp thành công với dấu ấn quan trọng tại khu vực ASEAN có sự tham gia của Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Đến nay, Carousell được định giá hơn 900 triệu đôla Mỹ và có khả năng trở thành thị trường tiềm năng tiếp theo của Singapore. 

Để có thể khai thác thị trường ASEAN, Lucas Ngoo – người đồng sáng lập của Carousell nhấn mạnh rằng nội địa hóa là chìa khóa quan trọng.

"Khi nghĩ về Đông Nam Á, nhiều người nhìn thấy nó là một khu vực khổng lồ nhưng lại nhìn thấy văn hóa khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, cơ sở hạ tầng khác nhau và các phân khúc khác nhau trong nhóm dân cư. Vì vậy, Carousell có một đội ngũ chuyên trách để bản địa hóa các dịch vụ từ ngôn ngữ đến các chuẩn mực văn hóa, từ hệ thống thanh toán đến chuỗi hậu cần", ông Ngoo nói.

Động lực đổi mới

Singapore nổi tiếng với tư cách là trung tâm đổi mới và khởi nghiệp ở châu Á và là quê hương của các bốn con kỳ lân: Grab, Sea, Lazada và Razer.

Trong khi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chi phí nghiên cứu thì ông Lily Kong – Chủ tịch Đại học Quản lý Singapore tin rằng các trường đại học cũng là động lực chính cho sự đổi mới. Mối quan hệ đối tác giữa các ngành công nghiệp và các trường đại học là một ví dụ. Bà Kong cho rằng, các trường đại học có thể làm việc với ngành công nghiệp đa dạng từ khâu đồng sáng lập các phòng thí nghiệm của công ty đến việc cử sinh viên làm việc tại các ngành công nghiệp cũng như hợp tác với một loạt các công ty lớn.

Một điển hình khác là nuôi dưỡng thế hệ doanh nhân tiếp theo. Ông Ngoo đã ghi nhận rằng Đại học Quốc gia Singapore là cơ hội giúp ông có một năm ở Thung lũng Silicon – điểm đến đã mang đến cho ông sự nghiệp kinh doanh thành công.

Trong khi nhiều doanh nhân tham vọng tìm kiếm nguồn cảm hứng từ phương Tây thì bà Kong lại khuyến khích sinh viên hiểu rõ hơn về khu vực châu Á.

"Chúng ta thường nghe nhắc đến thế kỷ này là thế kỷ châu Á. Bất chấp dịch bệnh Covid-19, châu Á vẫn có nhiều hứa hẹn. Đây là nền tảng nhận biết tầm quan trọng của châu Á và hiểu hơn về châu Á về văn hóa và các quy định khác biệt", bà Kong nhấn mạnh.

 

Hồng Nhung