Siêu thị đòi chiết khấu 30%, doanh nghiệp lo bị triệt tiêu

00:00 12/10/2020

Bị siêu thị đòi mức chiết khấu cao nhưng doanh nghiệp không dám đấu tranh trực diện vì sợ bị loại khỏi danh sách cung ứng hàng cho siêu thị.

Đây là thực tế buồn được bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết khi trao đổi với Đất Việt. 

Theo bà Chi, tình trạng doanh nghiệp bị ép chiết khấu và đủ các loại phí khác diễn ra ở cả siêu thị nội lẫn siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, để có bằng chứng cụ thể thì Hội Lương thực -Thực phẩm TP.HCM không có bởi khi siêu thị ký hợp đồng các nhà cung ứng trên giấy trắng mực đen thì mức chiết khấu chỉ từ 12-15%. Còn nếu tính phần phụ lục và những chi phí phải chịu thêm thì "tất cả các doanh nghiệp trong ngành lương thực-thực phẩm đều cho biết mức chiết khấu thực lên tới 20-25%, thậm chí đôi khi tới 30%".

"Một quả trứng, một con gà hay một miếng bánh nếu chịu mức chiết khấu từ 20-25% thì áp lực lên giá thành sẽ vô cùng kinh khủng. Thế nhưng nếu nhà cung ứng không chấp nhận thì không được bày hàng trên kệ.

Tất cả các doanh nghiệp không ai dám đấu tranh trực diện vì làm như vậy, họ sẽ bị chú ý và lần sau sẽ bị siêu thị tìm mọi cách để bỏ hàng của doanh nghiệp đó ra khỏi danh sách cung ứng", Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM chua xót.

Thực trạng này đã được bà Lý Kim Chi phản ánh liên tục trong các cuộc họp với các sở, ngành liên quan và lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, câu trả lời bà thường nhận được, đó là: đây là kinh tế thị trường, kinh tế thị trường thì thuận mua vừa bán, siêu thị chiết khấu như vậy nhà cung ứng chịu thì vào, không thì thôi.

Hàng thủy sản bày bán trong siêu thị

Với kinh nghiệm mấy chục năm trong ngành lương thực-thực phẩm, bà Lý Kim Chi biết rằng, một doanh nghiệp sản xuất không thể tự thân đi phân phối hàng hóa trên thị trường mà phải nhờ vào kênh bán lẻ. Thế nhưng, với mức chiết khấu cao ngất ngưởng như trên, bà lo ngại sẽ triệt tiêu hết sức sản xuất.

Điều đáng lo ngại hơn, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thì không phải hơn 90 triệu dân Việt Nam chung một thị trường mà là toàn khối ASEAN chung một thị trường.

Bà Chi dẫn ví dụ: doanh nghiệp Thái Lan sản xuất mỳ ăn liền, họ được hưởng lợi từ chính sách của nhà nước Thái Lan, được vay vốn giá rẻ, sản xuất công nghệ tiên tiến... Chừng ấy đã đủ giúp mỳ ăn liền Thái Lan cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Việt Nam và doanh nghiệp Việt đã đủ rơi vào tình thế nguy hiểm, chưa nói đến việc cộng thêm chiết khấu hoa hồng cao ngất ngưởng.

Hệ quả là, nếu hàng năm doanh nghiệp bán lẻ báo cáo lời ngàn tỷ thì doanh nghiệp sản xuất ngành lương thực, thực phẩm cứ mỗi ngày lại bị triệt tiêu dần.

Vì lẽ đó, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM đề nghị Nhà nước hỗ trợ chi phí sửa chữa, nâng cấp các chợ truyền thống, biến chúng thành kênh phân phối  thiết thực, giúp cho doanh nghiệp giảm được mức chi hoa hồng để có lãi.

Bên cạnh đó, đành rằng trong cơ chế thị trường không thể ép buộc nhưng để doanh nghiệp sản xuất sống còn, bà Lý Kim Chi cho rằng Nhà nước cần có cơ chế nhắc nhở, kiểm tra các nhà bán lẻ duy trì mức chiết khấu hợp lý.

Một trong những trở ngại lớn để khắc phục tình trạng lũng đoạn trên thị trường bán lẻ được bà Lý Kim Chi chỉ ra đó là tâm lý ngại đủ thứ của doanh nghiệp Việt, từ ngại nói đến ngại đấu tranh...; là tính cố kết cộng đồng kém.

Bởi thiếu sự đoàn kết nên dù ban đầu không doanh nghiệp nào chịu mức chiết khấu 25-30% của siêu thị nhưng doanh nghiệp này đi ra thì doanh nghiệp khác lại gật gù đi vào ký hợp đồng cung ứng với siêu thị.

"Rõ ràng, doanh nghiệp kêu thì cứ kêu nhưng nếu bảo đoàn kết đấu tranh thì lại không dám.

Nếu các nhà cung ứng một hay một vài mặt hàng nào đó cùng chung tay không cung cấp hàng cho siêu thị khi bị ép chiết khấu thì khi ấy siêu thị lấy đâu ra hàng mà bán?", Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM trăn trở.

Nhắc về sự đoàn kết của các doanh nghiệp cung ứng, bà Lý Kim Chi nhắc lại sự việc cách đây 2 năm khi hệ thống siêu thị Big C - khi ấy đã được Central Group của Thái Lan mua lại, đòi nâng mức chiết khấu lên cao ngất ngưởng. Khi ấy, hàng loạt nhà cung cấp tuyên bố thẳng thừng sẽ không bán hàng cho siêu thị nữa và kết quả là Big C đã phải giữ nguyên mức chiết khấu cũ.

Từ bài học ấy, bà rất ủng hộ ý tưởng thành lập Hiệp hội cung ứng hàng hóa cho siêu thị như có vị chuyên gia bán lẻ từng đề xuất.

"Phải có hiệp hội của các nhà cung ứng lên tiếng thì mới đấu tranh được về giá cả, chiết khấu hoa hồng và cả với những tiêu cực... Nếu đấu tranh đơn lẻ thì doanh nghiệp không dám nhưng đấu tranh tập thể thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ làm được. Điều quan trọng là người làm hiệp hội phải toàn tâm, toàn ý vì lợi ích chung", bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.

Thành Luân