Sau dịch, làm việc tại nhà có là xu thế?

00:00 12/10/2020

Các công ty đang tập làm quen với việc cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Dù không phải tất cả các hình thức công việc đều có thể thực hiện từ xa, nhưng đây sẽ là cách làm việc có thể được nhiều công ty áp dụng sau đại dịch.

Dần quen với hình thức mới

Gần hai tháng nay, Trang, thư ký giám đốc của một công ty về giáo dục đã làm việc tại nhà nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. “Tôi đã quen hơn với hình thức làm việc mới”, cô nói. “Dù đôi khi vẫn nhớ da diết tiếng cười, những buổi trao đổi công việc với sếp và đồng nghiệp”.

Trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp, rất nhiều công ty đã thực hiện chính sách làm việc tại nhà (work from home) nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Trang, nhân viên Enablecode là một ví dụ. Hầu hết các phòng ban đều được làm việc tại nhà. Riêng Trang, do là thư ký nên thường xuyên phải xin chữ ký của sếp, sử dụng máy in, photocopy, và họp hành với các phòng ban. Giờ đây, cô phải tự xoay xở bằng cách đến các cơ sở dịch vụ gần nhà để photocopy, in, gửi các giấy tờ cho sếp ký bằng các ứng dụng của các hãng gọi xe như Grab, GoViet...

“Rồi chúng tôi cũng phải quen với cách làm việc mới dù đôi khi mất thời gian hơn để hoàn thành công việc mà trước kia chỉ trong nháy mắt”, Trang nói.

Ông Colin Blackwell, sáng lập và CEO của Enablecode, startup trong lĩnh vực đào tạo cho người khuyết tật, cho hay trước đây Enablecode đã sử dụng các ứng dụng Skype, Zoom hay Messenger cho các buổi họp khi các thành viên không thể có mặt tại công ty. Song những buổi họp này diễn ra không thường xuyên do mọi người vẫn có thói quen họp trực tiếp. “Dịch Covid-19 là cú huých buộc các công ty phải đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cho hoạt động kinh doanh của mình, thúc đẩy hình thức làm việc từ xa” , ông Colin Blackwell nói. 

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, cho hay hầu hết các bộ phận của công ty như kinh doanh, vận hành, tài chính, marketing đều đã làm việc ở nhà kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Do là công ty công nghệ nên dù làm việc ở nhà, khối lượng công việc được xử lý vẫn diễn ra suôn sẻ. Hơn nữa, công ty cũng đã có kế hoạch kinh doanh liên tục và cập nhật với các diễn biến bất thường trên thị trường nên không bị “shock” trước diễn biến dịch. “Trong kỷ nguyên số, con người có thể học tập, làm việc ở bất kỳ đâu mà vẫn có thể đảm bảo năng suất”, ông Denis Brunetti nói.

Ông Csaba Bundik, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam (CEEC) thì cho hay, để ứng phó với dịch bệnh và giữ khoảng cách xã hội (social distancing), các thành viên hiệp hội đã thành lập nhóm làm việc trên WhatsApp để chia sẻ thông tin. Riêng dữ liệu sẽ được chuyển và lưu giữ trên đám mây. Đối với các đối tác, khách hàng và thành viên, CEEC sử dụng ứng dụng Zoom của công ty cung cấp dịch vụ họp từ xa của Mỹ, để họp trực tuyến và trao đổi công việc. “Dĩ nhiên, khi nhân viên không có mặt tại văn phòng, tôi không thể biết là họ đang chơi, đang lướt mạng xã hội hay đang làm việc. Nhưng tôi có thể quản lý họ dựa vào kết quả công việc”, ông Csaba Bundik nói.

Tuy nhiên, không phải ngành nghề nào cũng có thể làm việc tại nhà. Nhiều lĩnh vực khác như sản xuất, hàng không, khách sạn thì không thể phục vụ khách hàng từ xa. “Nhân viên vẫn phải tới nhà máy làm việc vì chúng tôi vận hành theo dây chuyền. Một khâu vắng mặt là cả dây chuyền ngưng hoạt động”, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng phụ trợ nói.

Covid 19 đang tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội không chỉ Việt Nam mà toàn cầu. Tại thời điểm này, giữ khoảng cách xã hội là điều bắt buộc để tránh lây lan virus. Tại Việt Nam, đã có nhiều trường hợp dương tính với virus bởi tiếp xúc với đồng nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải nghĩ tới việc thay đổi cách làm việc truyền thống để đảm bảo an toàn cho nhân viên cũng như thể hiện trách nhiệm với xã hội.

Theo quan sát của bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search, Navigos Group, thì đã có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn áp dụng hình thức làm việc tại nhà; một số chưa áp dụng chính thức, một số đang thử nghiệm để đánh giá tính hiệu quả trước khi áp dụng cho toàn công ty.

Làm gì để hiệu quả?

Theo nghiên cứu “Điều tra về tình trạng thiếu hụt nhân tài 2020 - Những điều người lao động muốn” (The Talent Shortage Survey 2020 - What Workers Want), người lao động trong lứa tuổi 25-34, chiếm phần lớn lực lượng lao động trên toàn thế giới, đều ưa chuộng công việc linh hoạt.

Rõ ràng, làm việc tại nhà giúp người lao động giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí ăn trưa, xăng xe cũng như giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các công ty đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, khó khăn lớn nhất là nhân viên và lãnh đạo khó có thể phối hợp thực hiện công việc theo kế hoạch. Hơn nữa, nhân viên cũng phải nỗ lực để cân bằng giữa công việc và gia đình, phải giảm tối đa những yếu tố gây mất tập trung tại nhà. Ngoài ra, thiếu tương tác trực tiếp với đồng nghiệp sẽ làm tăng cảm giác bị cô lập, giảm động lực làm việc... “Do đó, để đảm bảo hiệu quả khi làm việc tại nhà, lãnh đạo phải có kỹ năng quản lý nhóm, có kế hoạch kinh doanh tốt nhằm thúc đẩy nhân viên làm theo mục tiêu đã đặt ra”, ông Simon Matthews nói.

Với các công ty công nghệ như Ericsson, việc áp dụng hình thức làm việc từ xa là không mới. Tuy nhiên, đối với các công ty nhỏ chưa quen với hình thức này, để áp dụng hiệu quả, bà Nguyễn Phương Mai cho rằng họ buộc phải áp dụng thử nghiệm ngay từ bây giờ đối với một số bộ phận và trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian này, lãnh đạo phải nghe tất cả phản hồi của nhân viên và tìm ra giải pháp hiệu quả cho hình thức làm việc mới này.

Theo ông Simon Matthews, đối với doanh nghiệp, điều quan trọng là phải xây dựng chỉ số đo lường hiệu quả công việc cho mỗi cá nhân. Tính linh động rõ ràng là một trong những nhân tố giúp nhân viên cảm thấy hứng khởi hơn với công việc, từ đó tăng năng suất lao động. Đối với nhân viên, một trong những trở ngại lớn nhất là làm việc độc lập và kỹ năng giải quyết vấn đề. Do đó, khả năng tự học hỏi đóng vai trò quan trọng để nhân viên có thể thích ứng khi môi trường làm việc thay đổi.

Hướng tới chuyển đổi số

Những công cụ làm việc tại nhà (works form home) không phải là giải pháp chuyên biệt dành cho từng ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), nó chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu làm việc từ xa và hướng tới hoạt động chuyển đổi số (digital transfomation).

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, cho rằng giải pháp này sẽ thuận lợi hơn đối với những công ty có đội ngũ nhân viên trẻ, quen với công cụ làm việc trực tuyến, dễ dàng ứng dụng công nghệ. Những người lớn tuổi hoặc không quen làm việc trực tuyến có thói quen làm việc truyền thống, họp hành phải gặp mặt trực tiếp, khó thích nghi với cách thức làm việc từ xa thông qua các công cụ giao tiếp trực tuyến. Do đó, không phải công ty nào cũng có thể triển khai tốt hình thức làm việc này cho toàn bộ nhân viên.

Khi tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ về nhu cầu làm việc từ xa của một nhóm ứng dụng CNTT trong điều hành và quản lý doanh nghiệp tại TPHCM, nhóm này ghi nhận các công ty có nhu cầu họp trực tuyến ưu tiên chọn phần mềm Zoom Cloud Meeting, kế đến là Microsoft Teams, Skype, Google Hangouts, Cisco Webex... Đây là những giải pháp được nhiều công ty lựa chọn khi làm việc từ xa.

Trước đó, một số doanh nghiệp đã triển khai biện pháp quản lý nhân viên làm việc từ xa, các cuộc họp truyền thống giữa các bộ phận được chuyển thành trực tuyến để tiết kiệm thời gian di chuyển và tài nguyên phòng họp. Đối với những công ty hướng đến mục tiêu chuyển đổi số, triển khai làm việc tại nhà trong mùa dịch Covid-19 cũng là cơ hội tốt, như một “phép thử” nhằm tăng cường cách thức tương tác, làm việc trực tuyến...

Vũ Dung