Sau ‘cú sút’ mạnh của thị trường, nhà đầu tư nên làm gì?

00:00 12/10/2020

Thị trường chứng khoán đã có phiên giảm điểm với khối lượng giao dịch cao nhất lịch sử…

‘Cú sút’ của thị trường có bất ngờ?

Diễn biến của thị trường chứng khoán phiên 11.6 rất sôi động khi khối lượng giao dịch đạt mức cao kỉ lục, ghi nhận hơn 700 triệu cổ phiếu được giao dịch trên sàn HOSE. Kết phiên, áp lực bán mạnh khiến chỉ số VN-Index giảm 32,63 điểm và đóng cửa thấp nhất phiên tại mức 867,37 điểm.

Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm mạnh kéo chỉ số VN30 mất đi hơn 32 điểm, chốt phiên tại ngưỡng 806 điểm.

Trước đó, khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tăng nóng hơn 30% từ vùng đáy tháng 3.2020, giới chuyên gia đã cảnh báo về sự rung lắc mạnh của thị trường chứng khoán.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), không gian tăng trưởng của thị trường chứng khoán không còn nhiều. Sau khi diễn biến tốt hơn so với các thị trường chứng khoán trong khu vực và trên thế giới, VN-Index đã gần như bắt kịp nhịp hồi của thị trường thế giới trong tháng 5.

 

Trong khi đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bắt đầu mua bán có chọn lọc hơn khi mà khối này bắt đầu luân phiên mua bán ròng trong tháng 5 thay vì mua ròng hoàn toàn trong các tháng trước đó.

Hầu hết các cổ phiếu trụ đã hồi phục tốt hơn so với phần còn lại của thị trường. Do đó, VDSC cho rằng lực kéo chỉ số của các cổ phiếu trụ cũng sẽ giảm đi đáng kể so với hai tháng trước đó.

Ở khía cạnh cơ bản, thị trường đang tỏ ra đắt hơn so với giai đoạn đầu năm khi mà VN-Index chỉ còn giảm 8,5% so với đầu năm, trong khi đó lợi nhuận cơ bản dự phóng trên mỗi cổ phiếu 2020 được điều chỉnh xuống -4% thay vì +12% thời điểm đầu năm.

Ngoài ra, VDSC cho rằng thị trường đã hồi phục 30% kể từ đáy tháng 3 và định giá cổ phiếu không còn hấp dẫn.

Công ty chứng khoán này nhấn mạnh việc quý II/2020 là quý ghi nhận kết quả kinh doanh tệ nhất đối với nhiều lĩnh vực cũng như tăng trưởng GDP. Cơ hội để mua với mức giá hấp dẫn có thể phát sinh tại thời điểm đó. Hãy tiết kiệm một phần sức mua cho cơ hội như vậy!

Nhà đầu tư nên làm gì?

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán trong nước gặp áp lực chốt lời mạnh nhất kể từ đầu tháng 4, có tới 1/3 số mã trong rổ VN30 giảm sàn trong khi khối lượng giao dịch phiên này lập kỉ lục. Tuy vậy, vẫn có tín hiệu tích cực trong phiên 11.6 đến từ khối ngoại khi họ mua ròng mạnh mẽ gần 290 tỉ đồng trên toàn thị trường.

Thanh khoản phiên này lập kỉ lục về khối lượng giao dịch, về kỹ thuật có thể là tín hiệu không tích cực nhưng cần phải theo dõi thêm các phiên sắp tới để có thêm tín hiệu xác nhận liệu đây có phải là phiên phân phối hay chỉ là phiên chốt lời đơn thuần trong 1 xu hướng tăng kéo dài, MBS nhận định.

MBS cho rằng, sau nhịp tăng kéo dài hơn 2 tháng vừa qua, phiên giảm 11.6 có phần bị tác động từ thị trường quốc tế. MBS nhận định các chỉ báo kỹ thuật ít có tác dụng với những phiên mang tính tâm lý như phiên 11.6. Công ty chứng khoán này cho rằng điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỉ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.

 

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực bán mạnh vào đầu phiên giao dịch cuối tuần.

Tuy nhiên, BVSC cho rằng VN-Index vẫn có khả năng sẽ xuất hiện sự hồi phục tăng điểm trở lại để thử thách vùng kháng cự 883-891 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Về tổng thế, sau khi xuyên thủng ngưỡng điểm trên, thị trường nhiều khả năng sẽ bước vào nhịp điều chỉnh ngắn và có thể lùi về các vùng hỗ trợ mạnh 800-820 điểm trong ngắn hạn.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ còn tiếp tục chịu áp lực chốt lời mạnh trong những phiên tới khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã đạt được mức tăng trưởng đột biến chỉ trong một thời gian ngắn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.

BVSC khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỉ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Nhà đầu tư đã thực hiện bán giảm tỉ trọng danh mục khi chỉ số phá vỡ vùng 883-891 điểm, tạm thời đứng ngoài thị trường. Đối với các nhà đầu tư đang còn tỉ trọng cổ phiếu cao nên bán giảm tỉ trọng trong những phiên tới, đặc biệt là trong các nhịp thị trường tăng điểm.

Phố Wall nhuốm đỏ  

Đêm qua (11.6), thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến đợt giảm mạnh nhất trong 3 tháng khi chỉ số DownJones bốc hơi hơn 1.800 điểm.

Nhà đầu tư trên phố Wall ngày càng lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 đang tăng ở một số bang mở cửa trở lại sau cách ly.

Nhiều ch

Chỉ số Dow Jones giảm mạnh trong phiên 11.6. Nguồn: Investing.com.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11.6, chỉ số DowJones rớt 1.861,82 điểm, tương đương 6,9%. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 188 điểm tương đương 5,9%.

Chỉ số Nasdaq Composite mất 5,3% xuống còn 9.492 điểm. Các chỉ số chính đều ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3.2020.

Theo CNBC, nhà đầu tư trên phố Wall đã rút khỏi các cổ phiếu bán lẻ, hàng không sau khi dồn lực vào những cái tên này hồi tháng trước nhờ kỳ vọng sự hồi phục kinh tế hậu COVID-19.

Vũ Hoài