Sau 30 năm phát triển, năng suất lao động có chiều hướng giảm

00:00 12/10/2020

nang_suat_lao_dong

Ảnh minh họa (DNX). Tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 1986-2015, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm qua đã tạo nên nhiều thay đổi sâu sắc. Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã sụt giảm trong những năm vừa qua. Điều này đang dấy lên quan ngại sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đi xuống và Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Báo cáo tại diễn đàn cho biết, các giai đoạn 1990-1995, 1995-2000, 2000-2005, tăng trưởng năng suất lao động đạt trung bình 5,4 điểm; nhưng giai đoạn 2005-2012 con số này chỉ 3,6 điểm. Theo TS. Trần Đình Thiên, những thành tích của Việt Nam kiểu như “đứng ở tốp đầu” trong các bảng xếp hạng toàn cầu, vị trí thứ 2 trong xuất khẩu cà phê, thứ 3 trong xuất khẩu lúa gạo, hay thứ 4 về xuất khẩu thủy hải sản. Hay cả những thành tích dễ dàng kiểu như “tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước”, hoặc “tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra” dễ gây tâm lý thỏa mãn. “Trong khi về cơ bản, những yếu tố cốt lõi thay đổi năng suất và chất lượng chưa có. Ví dụ như công nghiệp là gia công, lắp ráp và khai thác tài nguyên thì công nghiệp vẫn chưa thay đổi. Công nghệ vẫn chưa thoát khỏi lạc hậu, vẫn kém rất xa so với thế giới. Năng suất lao động của ta trong suốt 20 năm hầu như không thay đổi”, ông Thiên nói. Các báo cáo cũng chỉ ra rằng, ngay cả ở lĩnh vực nông nghiệp, là thế mạnh của Việt Nam thì năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam cũng chỉ bằng 1% của Singapo, 1-4% của Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước OECD; bằng khoảng 50% các nước thu nhập trung bình. Cũng theo TS. Vũ Tuấn Anh, chuyên gia kinh tế cao cấp - Viện kinh tế Việt Nam, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay là phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và vốn theo hướng tăng xuất khẩu và thu hút FDI. Trong khi năng suất lao động tăng rất chậm, có xu hướng tụt hậu. So sánh với các nước châu Á thời điểm 2010, thì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động chậm hơn hầu hết các nước, chỉ đạt 3,94%. Trong khi đó, Singapo đạt 11,78%, Trung Quốc gần 10%, các nước như Malaixia, Thái Lan, Ấn Độ...đều đạt từ 5,7-6,6%... “Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, thì lao động giá rẻ không còn là một lợi thế mà là nỗi lo của đất nước. Bởi lao động giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng công nghệ trong sản xuất và quản lý ngày càng cao của doanh nghiệp”, TS. Vũ Tuấn Anh nói. Theo các báo cáo, trên thị trường lao động của Việt Nam, chỉ có 30% lao động qua đào tạo, và chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu nhân lực. Bên cạnh sự tụt hậu về năng suất lao động, chất lượng nhân lực thì các ý kiến cũng cho rằng, sau 30 năm phát triển, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển không bền vững, các yếu tố như đào tạo nghề, đại học hầu như không có sự thay đổi; thu hút FDI không bền vững... Để hiện đại hóa và phát triển trong những năm tới, đẩy mạnh năng suất lao động, các chuyên gia cho rằng, cần có sự liên kết giữa đào tạo-người lao động-doanh nghiệp-quản lý nhà nước. Phải liên kết thực sự để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, năng suất cao, góp phần giúp đất nước phát triển, vươn lên.../.

Đức Dũng