Sau 15 năm, 'mối tình' Apple và Intel cũng đến hồi kết

00:00 12/10/2020

Bất chấp ảnh hưởng của Covid-19 đến toàn giới công nghệ, Táo khuyết muốn mở rộng sức mạnh, giảm phụ thuộc vào đối tác, dù là đối tác lâu năm.

Hôm 23/6, thế giới chứng kiến sự chia tay được mong chờ từ lâu giữa Apple và Intel. Quyết định tự sản xuất chip trên nền ARM của Apple đã kết thúc một trong những mối quan hệ đối tác có ảnh hưởng nhất làng công nghệ. Nó cũng cho thấy quyết tâm của Táo khuyết trong việc tự chủ sản xuất.

"Đây là ngày lịch sử của máy Mac", CEO Tim Cook nói.

Sau 15 nam,  'moi tinh' Apple va Intel cung den hoi ket anh 1

"Ngày lịch sử của máy Mac"

Theo New York Times, Apple đã làm việc trong nhiều năm nhằm thiết kế chip thay thế bộ vi xử lý của Intel dùng trong máy Mac.

Động thái này còn cho thấy khả năng ngày càng lớn của các gã khổng lồ công nghệ trong việc mở rộng sức mạnh, giảm phụ thuộc vào đối tác, dù là đối tác lâu năm và bất chấp luôn ảnh hưởng của Covid-19.

Chẳng hạn, Facebook đang đầu tư hàng tỷ USD vào một trong những ứng dụng phát triển rất nhanh thời gian qua của Indonesia, bên cạnh một công ty viễn thông ở Ấn Độ và xây dựng tuyến cáp quang dưới biển, quanh châu Phi.

Amazon thì xây đội tàu bay và xe tải chở hàng riêng. Google và Apple, như mọi khi, tiếp tục mua các start-up mới nổi để mở rộng đế chế của mình.

Ngoài ra, TSMC - công ty Đài Loan sẽ sản xuất chip cho máy Mac tại các nhà máy ở châu Á. Điều này cũng giống như việc Foxconn lắp ráp iPhone. Để tối ưu hiệu suất và chi phí, các công ty công nghệ như Amazon và Google đã tự thiết kế chip riêng.

Kể từ 2005, máy Mac cũng như mọi PC khi đó, đều dùng chip của Intel. Việc tự chế tạo này còn giúp Apple kiểm soát được cách thức hoạt động của Mac. Một số tác vụ về AI, hiển thị hình ảnh 3D sẽ hoạt động hiệu quả hơn trên các loại chip tự thiết kế, thay vì của Intel.

Apple sở hữu đội ngũ thiết kế hùng hậu, nhờ việc mua lại công ty khởi nghiệp 150 nhân viên là PA Semi. Phần lớn trong số đó từng làm việc tại Intel, bao gồm Johny Srouji, người trực tiếp làm việc với CEO Tim Cook.

Sau 15 nam,  'moi tinh' Apple va Intel cung den hoi ket anh 2

Sự thụt lùi của Intel là cơ hội cho những công ty như TSMC của Đài Loan. Ảnh: NYTimes.

Động thái của Apple còn là cú đánh mang tính biểu tượng đối với Intel, trong bối cảnh các quan chức dân sự lẫn quân sự đều lo ngại về sự suy yếu của ngành công nghệ Mỹ trong sản xuất chip, điều họ coi là tối quan trọng đối với khả năng của nước này nhằm giữ lợi thế so với Trung Quốc.

Intel từ lâu đã là biểu tượng của Mỹ trong ngành kinh doanh chất bán dẫn, đặc biệt là trong các quy trình sản xuất phức tạp biến đĩa bán dẫn silicon thành chip cho máy tính, điện thoại thông minh, xe hơi lẫn thiết bị tiêu dùng.

Tác động của Apple đến Intel sẽ vẫn chưa rõ ràng về mặt doanh số, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn. Bởi Intel bán cho Apple khoảng 3,4 tỷ USD chip máy Mac mỗi năm, theo nhà phân tích CJ Muse của Evercore, con số này ít hơn 5% doanh số hàng năm của họ.

"Tổng số PC bán ra mỗi năm khoảng 260 triệu và đều dùng chip Intel", Tim Bajarin, nhà phân tích theo dõi Apple trong gần 40 năm cho biết.

Apple sẽ tạo ra hiệu ứng domino?

Nhưng ảnh hưởng lâu dài vẫn là rất nghiêm trọng. Biên lợi nhuận cao của sản xuất chip từ lâu đã gắn với việc nhà sản xuất nào sẽ cung cấp chip cho các thiết bị điện toán mạnh nhất trên thị trường, đặc biệt là máy tính xách tay và máy chủ, điều mà Intel hiện đã bị tụt lại phía sau.

Lần Apple thay đổi chip cho máy Mac vào năm 2005 là thành công lớn của Intel. Sản phẩm của Apple từ những năm 90 đã dùng chip Power PC tạo bởi liên minh Motorola - Apple - IBM. Steve Jobs khi đó cho rằng thiết bị sẽ còn mạnh mẽ hơn với sự giúp sức từ Intel.

Sau 15 nam,  'moi tinh' Apple va Intel cung den hoi ket anh 3

Giám đốc điều hành Robert Swan của Intel tuyên bố sẽ lấy lại vị thế dẫn đầu trong ngành cho công ty. Ảnh: NYTimes.

Phần lớn thành công của Intel trong quá khứ đến từ việc phát triển số lượng bóng bán dẫn trên mỗi inch vuông, tăng sức mạnh bộ vi xử lý dù với chi phí sản xuất thấp hơn.

Tuy nhiên, sự chây ì trong sản xuất các thế hệ chip mới khiến công ty dần bị bỏ lại phía sau. "Intel đã bị các đối thủ của mình vượt mặt 12, thậm chí đến 18 tháng", chuyên gia tư vấn Handel Jones, Giám đốc điều hành của International Business Strategies nhận định.

Một cách trực tiếp, Apple và nhiều công ty sản xuất PC khác cũng chịu ảnh hưởng. Doanh số một vài dòng thiết bị sụt giảm khiến hình ảnh Intel ngày càng thiếu tin cậy trong mắt đối tác.

Giám đốc điều hành Intel Robert Swan tuyên bố sẽ thực hiện nhiều cải cách để lấy lại vị trí dẫn đầu trong ngành cho công ty, không để việc thiếu nguồn cung ứng xảy ra.

Song, nếu việc Apple thành công với con chip mới tự thiết kế trên nền ARM, đây có thể là ví dụ để những nhà sản xuất PC khác tự tin bắt tay với các hãng chip khác như Advanced Micro Devices, hoặc thậm chí bắt đầu thiết kế chip riêng, dù điều đó sẽ mất nhiều năm.

Đại Việt