Sắp có bước ngoặt cho thị trường xăng dầu Việt Nam?

00:00 12/10/2020

Lần đầu tiên có doanh nghiệp xăng dầu lớn trên thế giới vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tính cạnh tranh cho thị trường.

Liên doanh giữa Tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật Bản và Công ty dầu khí quốc tế Kuwait KPI đang lên kế hoạch tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam, vốn lâu nay chỉ dành cho các doanh nghiệp trong nước. Điều này sẽ tác động như thế nào đến thị trường xăng dầu trong thời gian tới?
sap co buoc ngoat cho thi truong xang dau viet nam? hinh 0
Doanh nghiệp ngoại sắp 'nhảy' vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam (Ảnh minh họa: Enternews)
Mới đây, Tập đoàn Idemitsu Kosan và đối tác là Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) công bố thành lập Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 tại Việt Nam với mục tiêu phân phối các sản phẩm dầu khí. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Vụ Thị trường trong nước đang phối hợp với Tổng cục Năng lương xem xét và giải quyết thủ tục cho phía Idemitsu Q8. Lý giải cho việc lần đầu tiên doanh nghiệp nước ngoài được phép tham gia bán lẻ xăng dầu tại thị trường Việt Nam, ông Quyền cho biết, đây là một phần trong nội dung cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư khi Idemitsu và KPI tham gia thực hiện dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Theo đó công ty này sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn, khi nhà máy này được đưa vào khai thác thương mại từ năm 2017. “Đây là 2 đối tác đầu tư của Lọc dầu Nghi Sơn. Trong thỏa thuận của Chính phủ thì đối tác của Lọc dầu Nghi Sơn được thực hiện quyền phân phối  bán buôn bán lẻ xăng dầu. Không phải doanh nghiệp nước ngoài nào cũng được phép phân phối  bán buôn bán lẻ xăng dầu mà là đối tác của Lọc dầu Nghi Sơn. Từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào tham gia thị trường xăng dầu tại Việt Nam. Trong Nghị định 83 cũng đã nhắc đến thực hiện theo Luật Tham gia ký kết các điều ước quốc tế. Trong trường hợp này thỏa thuận của Chính phủ là điều ước quốc tế.” Hiện cả nước có 23 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong đó, riêng Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm tới 47,8% thị phần bán lẻ xăng dầu. Cùng với PV Oil và Saigon Petro, 3 doanh nghiệp này thống lĩnh hơn 75% thị phần toàn quốc. Trong bối cảnh này, việc lần đầu tiên có 1 doanh nghiệp xăng dầu lớn trên thế giới vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam được kỳ vọng là sẽ tăng tính cạnh tranh cho thị trường bán lẻ nội địa.
 Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đây là cơ hội để hình thành một thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn, chất lượng cao hơn, theo hướng có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam: “Hiện thị trường xăng dầu Việt Nam chưa có cạnh tranh thực sự. Lần đầu tiên có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài tạo điều kiện thúc đẩy sự cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao chất lượng, hiệu quả để tồn tại và đứng vững trên thị trường. Trên thị trường có cạnh tranh thực sự thì buộc giá cả thị trường ép sát giá thành, buộc doanh nghiệp phải hạ giá thành, tiết giảm chi phí. Đấy là mặt tích cực và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi thực sự.”
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tham gia thị trường xăng dầu không phải là việc đơn giản. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, thì một trong những khó khăn mà doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam là quy hoạch các vị trí đặt trạm xăng dầu hiện đã hoàn tất, nên có khả năng phải dựa vào các hệ thống sẵn có của các doanh nghiệp trong nước. Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, với việc tham gia của doanh nghiệp nước ngoài, tới đây Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cần phải xem xét sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế về mở cửa thị trường xăng dầu cũng như thực hiện các cam kết trong hội nhập: “Cần sửa nghị định 83 vì nó không chỉ liên quan đến thương nhân nước ngoài mà còn liên quan đến thị trường xăng dầu hiện nay còn bất cập, như giá cơ sở bán lẻ xăng dầu. Khi họ tham gia vào thị trường thì họ muốn có thị trường cạnh tranh thực sự. Phải sửa vì nghị định 83 chưa tạo ra thị trường cạnh tranh cao. Với một thị trường xăng dầu như thế, khi nhà đầu tư nước ngoài vào thì chẳng khác nào một “chiếc áo quá bé khoác cho người khổng lồ.” Hiện, Công ty Dầu khí Idemitsu đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang xin đăng ký doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ các sản phẩm dầu khí. Từ kế hoạch cho đến thực hiện sẽ cần lộ trình và các bước đi cụ thể. Nhưng rõ ràng đây là một tín hiệu tích cực đối với thị trường xăng dầu và người tiêu dùng Việt Nam. Bởi khi thị trường cạnh tranh thực sự, người tiêu dùng có cơ hội được mua sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý hơn./. (theo vov.vn)