Sắp ban hành quy định mới về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC

00:00 12/10/2020

Dự thảo Thông tư gồm 7 chương, 64 điều quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu; phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06 tháng 09 năm 2013 của Thống đốc NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC.

Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu; phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC.

Đáng chú ý là tại Điểm c khoản 1 Điều 18 dự thảo Thông tư được sửa đổi, bổ sung khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, trong đó tối thiểu phải đảm bảo các yêu cầu sau: (i) Hợp đồng tín dụng, hợp đồng ủy thác, hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, hợp đồng bảo đảm phải thể hiện rõ các quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng; (ii) Khoản nợ xấu chưa dùng để bảo đảm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không có tranh chấp tại thời điểm mua, bán nợ.

 

Việc sửa đổi này là nhằm quy định rõ ràng để các đơn vị thực hiện thống nhất, đúng quy định. Theo đó, ngoài quy định tại điểm c Thông tư 19/2013/TT-NHNN, VAMC cần căn cứ quy định khác của pháp luật hiện hành liên quan đến từng loại tài sản bảo đảm và thực tế thẩm định, kiểm tra hồ sơ tài sản bảo đảm do TCTD cung cấp, kiểm tra tài sản bảo đảm để xác định hồ sơ, giấy tờ hợp lệ phù hợp với từng loại tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 60, dự thảo Thông tư cũng được bổ sung một số điểm: đ) Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán; e) Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm được thanh toán;

g) Các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.

Việc sửa đổi, bổ sung này là đảm bảo các TCTD có khoản nợ xấu bán cho VAMC nhận trái phiếu đặc biệt tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu, bên cạnh 2 quy định về việc chia cổ tức đối với “TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm và TCTD được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt” đã được quy định tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về việc chia cổ tức của “tất cả các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt” tại điểm đ khoản 4 Điều 60.

Các quy định nêu trên sẽ kiểm soát được việc chia cổ tức của các TCTD (bao gồm cả các NHTM Nhà nước) có khoản nợ xấu bán cho VAMC. Tuy nhiên, việc chia cổ tức của các NHTM Nhà nước vẫn phải được NHNN lấy ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 5 Điều 23 Nghị định 93/2017/NĐ-CP nên quy định này trên thực tế sẽ không áp dụng đối với việc chia cổ tức của NHTM Nhà nước.