Sao hầu hết chỉ tiêu kinh tế xã hội đều vượt, GDP lại thấp?

00:00 12/10/2020

Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 buộc phải hạ xuống so với mức giao ban đầu của Quốc hội. Dù vậy, kiểm điểm lại, mức tăng 6,21% thực tế thu được vẫn thấp hơn mức 6,3-6,5% mà Chính phủ báo cáo Quốc hội cuối năm ngoái. UB Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ tính xác thực của các số liệu khi hầu hết các chỉ tiêu thành phần đều đạt, vượt mà GDP lại thấp…

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cân nhắc kỹ về những giải pháp nhanh được đề xuất để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế

Sáng 15/5, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo bổ sung kết quả hực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm để hoàn thiện báo cáo chuẩn bị trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3 (dự kiến bắt đầu vào đầu tuần tới). Đề cập những giải pháp nhanh để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% của năm nay như tăng sản lượng khai thác dầu thô, cho Formosa đi vào vận hành mà Chính phủ nêu ra, cơ quan thẩm tra – UB Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng. Theo phân tích của UB Kinh tế, tăng trưởng của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý 1/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%. Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững, cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Ông Thanh chỉ rõ, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tăng 5,76% so với cuối năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Một số ý kiến bày tỏ lo ngại việc tăng tín dụng nếu tập trung vào thị trường bất động sản phân khúc cao cấp sẽ tiềm ẩn nguy cơ về “bong bóng bất động sản” và có tác động xấu như thời gian trước đây. Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách đạt mức thấp (19,2%), gây áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm. Đáng chú ý là tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn nhà nước đang có dấu hiệu chững lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước chưa thật sự phát huy hiệu quả, còn nhiều dự án đầu tư thua lỗ nặng nề. Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm cố gắng giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Đánh giá toàn diện về báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội năm 2016, UB Kinh tế nhận định, không có sự thay đổi nhiều so với số liệu Chính phủ đã báo cáo. Nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về một số vấn đề. Trước hết, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch đề ra, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 ước đạt 6,3-6,5%. UB Kinh tế dẫn lại báo cáo thẩm tra đã trình tại kỳ họp cuối năm ngoái, khi đó, cơ quan này đã nhận định, rất khó đạt được mức tăng 6,3-6,5% như Chính phủ báo cáo trước Quốc hội. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân căn bản khiến cho GDP đạt thấp là do cơ cấu kinh tế chưa có chuyển biến mạnh, thiếu liên kết và thực lực doanh nghiệp trong nước yếu, chưa đủ sức cạnh tranh. Thường trực UB Kinh tế đề nghị làm rõ tính xác thực của các số liệu khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đều đạt và vượt trong khi đó chỉ tiêu GDP lại đạt thấp. Theo dantri