Sáng tạo môi trường độc đáo của một học sinh dân tộc Thái

00:00 12/10/2020

Là một học sinh người dân tộc thiểu số, lại sinh ra và lớn lên tại một xã miền núi khó khăn nằm trong chương trình 135 của Chính phủ; thế nhưng, bằng nghị lực vượt khó, với óc sáng tạo cũng như năng khiếu nghiên cứu khoa học của mình, em Vi Đức Nhật đã nghiên cứu rồi chế tạo ra một chiếc máy độc đáo. Đó là “Máy vớt rác trên hồ bằng điều khiển từ xa” – Sản phẩm vừa đạt giải Ba cuộc thi khoa học - kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2015-2016 khu vực phía Bắc vừa tổ chức tại TP Hải Phòng. Sinh ra từ bản làng Ở một xã miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình hỗ trợ 135 của Nhà nước, Nghĩa Thọ (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) nhiều năm nay đã dần “thay da đổi thịt” khi đời sống của người dân ngày một được nâng cao. Đặc biệt, khi có hệ thống cơ sở hạ tầng như điện – đường – trường – trạm…được đầu tư, việc mở rộng sản xuất theo hướng thâm canh, xen canh tăng vụ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cũng đã có nhiều khởi sắc, tiến bộ. Đối với một xã có 80% đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Thổ cùng sinh sống, Nghĩa Thọ đang không ngừng tập trung nâng cao trình độ dân trí, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Em Vi Đức Nhật tại cuộc thi sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học khu vực phía Bắc được tổ chức tại Hải Phòng từ ngày 5-8/3/2016
Em Vi Đức Nhật tại cuộc thi sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học khu vực phía Bắc
Cùng với đó, học cái chữ để dễ dàng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đang được người dân ở đây chăm lo cho con cái của mình. Thế nhưng, để có đầy đủ điều kiện cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn thì không phải gia đình nào ở đây cũng làm được. “Cái học của người dân chúng tôi còn khó khăn lắm. Nhiều nhà quá nghèo không đủ điều kiện cho con cái ăn học nên phải bỏ giữa chừng. Từ nhiều năm nay, chỉ có gia đình vợ chồng anh Vi Đức Dương và chị Nguyễn Thị Liên ở xóm Men là cố gắng đầu tư cho con cái ăn học thôi. Người dân ở đây xem vợ chồng Dương, Liên là tấm gương để noi theo” – ông Lô Văn Hòa, ở xã Nghĩa Thọ cho biết. Và, khi nhắc tới thành tích của cháu Vi Đức Nhật con trai út của vợ chồng anh Dương, chị Liên hiện đang là học sinh lớp 9A - Trường THCS Phú Thọ (xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn), họ lại càng thêm tự hào. Khi biết tin em Vi Đức Nhật giành được giải Ba cấp Quốc gia về thành tích sáng tạo trong khoa học kỹ thuật vào đầu tháng 3 vừa qua đã trở thành niềm tự hào không chỉ cho nhà trường mà còn cả người dân nơi đây. Tự hào hơn khi Vi Đức Nhật là trường hợp duy nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An tham gia cuộc thi khoa học - kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2015-2016 khu vực phía Bắc vừa tổ chức tại TP Hải Phòng, đoàn của Nghệ An đã dành được 3 giải 3 và 2 giải khuyến khích.
Vi Đức Nhật cùng với thầy giáo hướng dẫn bên sản phẩm sáng tạo của mình
Vi Đức Nhật cùng với thầy giáo hướng dẫn bên sản phẩm sáng tạo của mình
Tuổi nhỏ, tìm giải pháp lớn cho môi trường Sinh ra trong vùng quê thuần nông, người dân chỉ biết sống dựa vào cây mía, củ sắn. Ngoài việc học ở trường, từ nhỏ, Vi Đức Nhật đã biết phụ giúp bố mẹ chăn trâu bò ngoài bãi mía, nương sắn. Chính những lúc như vậy, Nhật sớm tiếp xúc với môi trường sống xung quanh và có thêm nhiều lý giải thực tiễn các hiện tượng thiên thiên qua sách vở mà thầy cô đã dạy ở trường. Từ đó, khi đến lớp, ở các môn học tự nhiên, Vi Đức Nhật luôn trở thành học sinh hiểu biết rất sâu các thuyết trình, hiện tượng khoa học, khái niệm tưởng chừng như rất trừu tượng đối với những bạn bè cùng trang lứa. Thầy giáo Ngô Văn Hoạt – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ, cho biết: Ngay từ khi bước vào lớp 6 cho đến nay, Vi Đức Nhật là học trò học tốt, đều ở các môn học. Điều này cũng đã được các thầy cô giáo từng dạy em ghi nhận và đánh giá cao. Ngoài ra, ở Nhật luôn xuất hiện những ý tưởng mới, lạ rất có ý nghĩa nếu được triển khai áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Vào năm học 2015 – 2016 này, khi biết tin Vi Đức Nhật đạt giải Ba về sản phẩm sáng tạo “Máy vớt rác trên hồ bằng điều khiển từ xa”, ai cũng vui mừng. Với thành tích đó, em đã trở thành niềm tự hào của ngành giáo dục địa phương.
Em Nhật đang giới thiệu về sản phẩm sáng tạo của mình
Em Nhật đang giới thiệu về sản phẩm sáng tạo của mình
Không chỉ vậy, trong năm học trước, khi chứng kiến người dân địa phương mình sau mỗi mùa thu hoạch lại đốt lá mía để lấy tro, Vi Đức Nhật đã cùng với nhóm bạn của mình tham gia viết đề tài phản biện về tình trạng này. Lý do mà theo Nhật cho rằng, việc người dân đốt lá mía sau mỗi mùa thu hoạch như vậy sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đất cũng như các tầng vi sinh xung quanh. Điều này không có lợi cho môi trường tự nhiên và chẳng tốt cho việc canh tác vào những mùa vụ sau. Ý tưởng, đề tài bài viết của Nhật và nhóm bạn cũng được giải cao cấp tỉnh. Trở lại với “Máy vớt rác trên hồ bằng điều khiển từ xa”, từ ý tưởng “cứu” môi trường sống, Vi Đức Nhật đã trình bày với thầy giáo Trần Văn Quân – Giáo viên môn Toán – Lý của trường. Nhận thấy đây là ý tưởng quan trọng, thầy Quân và các giáo viên trong trường đã giúp em hoàn thiện công trình của mình. Với kết cấu đơn giản gồm 1 bộ phao và băng tời chạy bằng năng lượng ác quy gắn thiết bị cảm ứng điện từ, máy vớt rác của Nhật có thể dễ dàng bơi ra giữa hồ để vớt rác. Bằng thiết bị tự động, chỉ cần một người đứng trên bờ có thể dễ dàng điều khiển phương tiện đến bất kỳ nơi đâu trên mặt nước bao la để thực hiện công việc thay con người. Ưu điểm của chiếc máy này là có thể thay con người làm những công việc thu dọn rác thải vứt bừa bãi trên mặt hồ, sông ngòi. Chiếc máy có thể áp dụng rộng rãi trên thực tiễn nếu được nâng công suất cũng như động cơ, khung phao… Với ý tưởng mới lạ, độc đáo của một học sinh người dân tộc thiểu số, Vi Đức Nhật đã thuyết trình một cách rành mạch và đã thuyết phục được đa số phiếu của Hội đồng khoa học cấp Quốc gia. Giành được giải Ba toàn đoàn, Vi Đức Nhật đã góp thêm thành tích cho tỉnh Nghệ An tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh cấp THCS được tổ chức tại Hải Phòng vào đầu tháng 3 vừa qua. Bản thân Vi Đức Nhật cũng được tặng thưởng Bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An… “Em Nhật là học sinh có nhiều sáng tạo trong học tập, luôn được thầy cô tin tưởng, đánh giá cao. Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở địa phương 135 nhưng em sớm nhận thức được tác hại của môi trường đang bị ô nhiễm xung quanh để sớm tìm ra giải pháp để giảm thiểu tác hại liên quan…” -  Đó là những gì mà thầy giáo Ngô Văn Hoạt - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ, huyện Nghĩa Đàn nói về tấm gương của học sinh Vi Đức Nhật. Thắng không kiêu, bại không nản; luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, học hỏi để hoàn thiện bản thân cũng như để phục vụ niềm say mê khoa học…đó là những tâm sự của em Nhật khi chia tay tác giả. Hy vọng rằng, người học sinh dân tộc thiểu số say mê khoa học này sẽ còn cho ra nhiều sản phẩm mới giúp ích cho môi trường nói riêng cũng như ngành khoa học – kỹ thuật nói riêng trong thời gian tới.   (theo TN&MT.VN)