Sản xuất đạm phục vụ nông nghiệp - Cần giá khí đầu vào hợp lý

00:00 12/10/2020

Khí là nguồn nguyên liệu chủ yếu để Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất phân bón urea hạt đục phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giá khí đầu vào hợp lý áp dụng với Đạm Cà Mau không chỉ tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, mà còn ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp, đến cuộc sống của bà con nông dân khi chi phí phân bón hiện đang chiếm tới gần nửa giá vật tư đầu vào trong trồng trọt, canh tác và là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng nông sản.

Nhà máy đạm Cà Mau

6 triệu tấn phân bón- Tiết kiệm 1,5 tỷ USD nhập khẩu

Nông nghiệp là ngành tạo trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế. Năm 2017, xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp vượt con số 36 tỷ USD đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đạt được thành tích trên, có sự đóng góp lớn của ngành sản xuất đạm trong việc đảm bảo cung cấp nguồn cung phân bón chất lượng, ổn định, kịp thời vụ.

Nhìn lại những năm trước, thị trường phân bón khu vực và trong nước đứng trước nguy cơ và thách thức lớn, khi mà nhu cầu phân urê trong cả nước đã lên đến 2 triệu tấn/năm nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 50%. Tại khu vực ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của nước ta, do chưa có nhà máy sản xuất phân urê nên nguồn phân urê phụ thuộc vào nhập khẩu với chi phí cao.

Để đảm bảo cung ứng đủ phân bón cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, năm 2011, Chính phủ quyết định đầu tư gần 1 tỷ USD xây dựng nhà máy Đạm Cà Mau tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Dự án thành công cả mặt tiến độ và chất lượng công trình. Giá quyết toán dự án lại thấp hơn mức đầu tư ban đầu hơn 200 triệu USD khẳng định hiệu quả đầu tư của Chính phủ.

Là đơn vị đầu tiên sản xuất thành công loại urea hạt đục tại Việt Nam, Đạm Cà Mau đã đóng góp lớn trong việc khai thông thị trường phân bón nội địa, đảm bảo cung ứng nguồn phân bón chất lượng đều đặn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đạm Cà Mau ra đời đã giúp Nhà nước chủ động hoàn toàn nguồn phân đạm cho sản xuất nông nghiệp. Sau 6 năm đi vào sản xuất, Đạm Cà Mau đã cung cấp ra thị trường trên 5 triệu tấn phân đạm cho nền nông nghiệp nước nhà và hàng trăm tấn phân bón chuyên dụng khác giúp tiết kiệm gần 1.5 tỷ đô la Mỹ nếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đạm Cà Mau luôn duy trì trạng thái sản xuất ổn định, đều đặn cung ứng nguồn phân bón chất lượng với giá thành hợp lý, kịp thời vụ, được bà con tin dùng, không để xảy ra tình trạng sốt phân, sốt giá mỗi khi cao điểm.

Cần giá khí đầu vào hợp lý cho sản xuất đạm

Đạm Cà Mau là đơn vị đầu tiên sản xuất thành công loại urea hạt đục tại Việt Nam

Khí tự nhiên là nguồn nguyên liệu đầu vào chính của Đạm Cà Mau. Thời gian qua, nguồn khí và giá khí của Đạm Cà Mau được Nhà nước ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về sản xuất phân đạm phục vụ nền nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, thời gian điều tiết giá khí đảm bảo tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12% với Đạm Cà Mau sẽ kết thúc vào cuối năm 2018. Và theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, giá khí đang được Chính phủ xem xét lại cao hơn so với khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Bởi khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, nguồn khí vẫn còn dồi dào đảm bảo sản xuất ổn định của nhà máy, đồng thời giá khí được cam kết giúp Đạm Cà Mau hoạt động hiệu quả để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đáp ứng mùa vụ cho bà con nông dân.

Do vậy, cơ chế giá khí mới sẽ gây khó khăn lớn cho Nhà máy Đạm Cà Mau khi đến thời điểm này, nhà máy vẫn chưa hết khấu hao. Hiện nợ nước ngoài khi xây dựng dự án Nhà máy Đạm Cà Mau vẫn còn phải trả gần 200 triệu USD. Đây là khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ. Hơn nữa, cơ chế giá khí mới cho Nhà máy Đạm Cà Mau không chỉ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mà còn ảnh hưởng tới cả hàng triệu người nông dân đang sử dụng sản phẩm phân bón của công ty. Nếu cơ chế giá khí mới biến động quá lớn và không ổn định, giá sản phẩm phân bón sẽ biến động theo, ảnh hưởng trực tiếp tới đầu vào của sản xuất nông nghiệp, giá nông sản cũng sẽ biến động tăng theo.

Thực tế, chính sách ưu đãi thuế, giá khí để đảm bảo duy trì ổn định giá phân bón, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ là mối quan tâm của người nông dân và là chính sách được nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như khu vực châu Á, trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Indonesia… áp dụng.

Tại Pakistan, chính phủ nước này hỗ trợ người nông dân giảm giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc cung cấp ưu tiên nguồn khí và giá khí giá rẻ hơn cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón.

Pakistan hiện áp dụng mức trợ cấp tương đương 100 rupee/bao đạm urea; bao gồm giảm thuế đánh trên hàng hóa dịch vụ (GST) từ mức 5% (70 rupee/bao) xuống 2% (28 rupee/bao), giúp hạ giá bán 42 rupee/bao và trợ cấp về giá khí tương đương 58 rupee/bao.

Nếu Đạm Cà Mau không được đảm bảo nguồn khí cho sản xuất và giá khí không được cam kết theo FS dẫn đến giá phân bón khi giá khí tăng sẽ đẩy chi phí sản xuất của Đạm Cà Mau tăng thêm, người nông dân sẽ là người cuối cùng chịu thiệt thòi nhất. Hơn bao giờ hết, vai trò đồng hành với nông dân và doanh nghiệp của Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải thể hiện trong các quyết sách đúng đắn về nguồn khí và giá khí đầu vào cho Đạm Cà Mau.

Lê Kim Liên