Sa Pa mùa gió đổ

00:00 12/10/2020

 Bước sang tháng 11, 12, Sa Pa bước vào đông với nền nhiệt độ đột ngột giảm mạnh. Nhiều người vẫn gọi mùa lạnh ở Sa Pa là mùa đổ gió. Gió từ đại ngàn Hoàng Liên, từ đỉnh đèo Ô Quý Hồ ập xuống thị trấn, xuống từng thôn, bản, tràn lên những mái nhà lúp xúp, từng lối nhỏ, chân ruộng bậc thang trơ đất khô... Người dân của xứ sở mù sương lại tất bật lo toan để đón một mùa gió - một mùa rét mới.

Sa Pa vào đông.

Trăn trở những ngày trở gió

Chúng tôi chạy xe từ thị trấn Sa Pa xuống xã Lao Chải để tìm nhà một người bạn cũ. Cùng đi với tôi có 2 cô sinh viên Trường Đại học Văn hóa, 2 chàng trai là cựu sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và 1 sinh viên đến từ Hải Phòng. Sương dày khiến chúng tôi chạy xe không quá 10 km/giờ. Những đợt gió rét đầu mùa táp ràn rạt trên mặt, làm tê cóng những bàn tay cầm lái. Chúng tôi cứ thế bám nhau đi qua những tuyến đường lổm nhổm ổ gà, qua từng con dốc quanh co để đến một thôn trên núi.

Giàng Cù Nủ là bạn cũ của tôi, từng là một học sinh có lực học tốt nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong chương trình phổ thông, Nủ phải ở nhà phụ giúp cha mẹ, rồi xây dựng gia đình. Ngồi bên bếp lửa để sưởi ấm, hong khô những chiếc khăn bị ướt bởi sương lạnh, chúng tôi trò chuyện với nhau rất cởi mở, những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của Nủ ở thôn, bản, về cái lạnh đầu mùa đông ở Sa Pa. Nủ chỉ về phía chuồng trâu có 3 con trâu béo mũm bảo:

- Nhà mình phải trồng cỏ voi, nấu cám ngô cho chúng ăn. Đất ven nhà cứ cuốc ra mà trồng cỏ cho trâu ăn, chứ để chúng ốm, chết là xót phát khóc.

- Ơ thế kia là cỏ voi à anh? Vừa nãy nhìn thấy, em vẫn tưởng là mía và thắc mắc mãi sao mía ở đây bé thế này - chàng thanh niên đi cùng tôi tên Trương Quý Đạt chỉ về phía đám cỏ cạnh nhà, buột miệng thốt lên.

Cả nhóm được dịp cười vang trước sự “ngây ngô” đáng mến của chàng trai 24 tuổi này. Đạt sinh ra và lớn lên ở thành phố, rất ít tiếp xúc với thiên nhiên và chỉ quen với các thiết bị điện tử nên cậu luôn tự nói mình giống như “gà công nghiệp”. Nủ vừa khuấy nồi cám ngô lớn trên bếp, vừa kể về việc năm ngoái gia đình bị chết mất một con trâu già. Qua không biết bao nhiêu mùa lạnh, người dân ở thôn của Nủ, ở Sa Pa đã quen với những đống củi được chất thành từng đống lớn quanh nhà, trên gác để sưởi ấm cho con người, cho gia súc, quen với việc làm cây rơm, cất trữ rơm, trồng cỏ làm thức ăn cho trâu hay lùa trâu, bò xuống vùng thấp tránh cái lạnh cắt da, cắt thịt. Sau bữa cơm tối, chúng tôi chạy xe từ Lao Chải ngược lên thị trấn để đi chợ đêm theo đề nghị của những cô gái trẻ. Đạt đi cùng xe với tôi và cứ trăn trở mãi: “Con trâu to đến cả tạ còn chết bởi lạnh, những con người nhỏ bé ở nơi này kiên cường quá chị nhỉ !”.

Mưa tuyết tại Sa Pa trong mùa đông năm 2015.

Nốt trầm trên thị trấn mù sương

Gần 12h đêm, phố thị Sa Pa vắng tanh, mù mịt, chỉ còn một vài người dân địa phương nán lại bán đồ thổ cẩm cho khách du lịch. “Cô ơi mua cho con!”, cậu bé chừng 5 hoặc 6 tuổi mời chúng tôi mua những chiếc móc treo điện thoại được dệt bằng thổ cẩm khi thấy chúng tôi đi dạo trong chợ Ẩm thực. Lặng người một lúc, cô gái đa cảm tên Đồng Thu Thảo bất giác hỏi: “Có nặng lắm không?”, rồi chỉ ra phía sau lưng cậu bé, nơi đứa nhỏ khoảng 2 tuổi đang thiêm thiếp ngủ trên lưng anh, đôi chân trần thõng xuống quá đầu gối của người anh. Nhiệt độ ngoài trời hôm đó chỉ khoảng 15 độ C.

Cậu bé nói: “Nặng” rồi lại tiếp tục năn nỉ “mua đi cô”. Hai cô gái đi cùng tôi bỗng bật khóc. Cô gái trẻ lục tung hành lý, lôi chiếc khăn thổ cẩm mua hồi chiều quàng cho em nhỏ, lấy đôi tất có in hình chú gấu trúc đeo vào chân đứa bé sau lưng, sau đó đưa đồ ăn rồi nài nỉ cậu bé ăn bằng được. Thảo ngồi ven sân Quần, giữ cậu bé bên mình rồi hỏi han. Cậu bé e ngại người lạ, rất ít nói, chỉ trả lời những câu rất ngắn. Cậu không nói tên, chỉ bảo mình 8 tuổi, ở xã Thanh Kim, theo mẹ lên thị trấn bán hàng kiếm sống, cứ đến đêm muộn thì về chỗ mẹ. Mẹ em bán hàng thổ cẩm, đến đêm thuê một chỗ ngủ ở góc chợ, cuối tuần lại về mua hàng ở các làng nghề lên bán tiếp. Một lúc sau, cậu bé rời đi, cái bóng nhỏ nghiêng nghiêng bước từng bước dưới ánh đèn đường vàng vọt, lầm lũi đi vào một góc nhỏ trong thị trấn. Hình ảnh đó như một nốt lặng giữa vùng đất du lịch đang phát triển từng ngày và cũng như một câu hỏi lửng khiến những du khách chứng kiến nghẹn lòng. Anh Trương Minh Bảo, chủ hiệu ảnh ở Hà Nội - du khách chúng tôi gặp trong buổi tối này vội chụp lại cái dáng nhỏ nhoi, liêu xiêu ấy trong đêm đông giá lạnh. Bên những đĩa đồ nướng nghi ngút khói, hai cô gái trẻ đưa đôi mắt vẫn đỏ hoe nhìn tôi như trách móc: “Sao người ta lại để em bé đi bán hàng giữa đêm đông? Lạnh thế này, sao đứa bé chỉ mặc một manh áo sờn cũ? Trời ạ! Phải làm gì đi chứ!”.

Người dân vất vả hơn khi gió lạnh tràn về.

Những mùa gió…ấm

Hôm sau, chúng tôi đi tham quan núi Hàm Rồng, thác Bạc, thác Tình yêu và xuống Tả Phìn thăm những thôn, bản người Dao đỏ, rồi chạy xe vượt qua những con dốc chênh vênh lên Sâu Chua (xã Sa Pả) ngắm thị trấn đang “tắm mình” trong những đám mây bồng bềnh. Gió lạnh và khô vẫn thổi từng đợt kéo theo bao nỗi lo toan, trăn trở của vùng đất xinh đẹp nhưng có thời tiết khắc nghiệt này. Người dân lại tất bật với nỗi lo giữ ấm cho cơ thể, giữ ấm cho vật nuôi, lo bảo vệ cây trồng để không bị thiệt hại về kinh tế. Ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân ven rừng lo gió khô Ô Quý Hồ thiêu rụi những cánh rừng đang hồi sinh sau mưa tuyết, sau cháy rừng những năm vừa qua…

Sau chuyến đi này, tôi nhận được một email từ anh Trương Minh Bảo, chủ hiệu ảnh. Anh đã viết một bức thư rất dài, nói về việc Thảo cứ rấm rứt khóc khi nghĩ đến đứa bé với đôi chân trần ở bên sân Quần; nói về ánh mắt của những đứa trẻ anh chụp đã ám ảnh mình như thế nào sau chuyến đi. Rồi anh kể về việc anh và những người bạn đã liên hệ với một số câu lạc bộ tình nguyện tổ chức quyên góp đồ đạc, áo ấm, sách vở cho những em nhỏ ở các thôn, bản vùng cao. Thảo và Đạt cũng cùng các bạn sinh viên huy động sự giúp đỡ từ mọi người để hướng đến những đứa trẻ còn khó khăn, thiếu thốn ở Sa Pa.

Trong thư của anh Thảo còn có đoạn viết: “Sa Pa đẹp lắm! Anh chẳng biết làm gì sau chuyến đi ý nghĩa vào mùa gió lạnh đầu tiên của năm nay. Anh và mọi người đều mong rằng, khi trở lại Sa Pa vào một mùa gió khác, Sa Pa sẽ ấm áp hơn từ những chia sẻ nhỏ bé này”.

THÚY PHƯỢNG/báo Lào Cai