Rừng Tây Nguyên còn đâu: Bài 1- Đổi rừng lấy dự án, bất chấp giàu, nghèo!?

00:00 12/10/2020

Mười năm qua, Tây Nguyên giảm khoảng 0,5 triệu ha rừng tự nhiên xuống còn 2,25 triệu ha. Một trong những nguyên nhân dẫn đến rừng tự nhiên ở Tây Nguyên suy giảm nhanh chóng là người dân phá rừng làm nương rẫy, dân di cư tự do và nạn lâm tặc chặt phá rừng lấy gỗ trục lợi bất chính. Vấn nạn này không chỉ làm mất diện tích rừng mà chất lượng che phủ rừng cũng suy giảm nghiêm trọng. Song, nguyên nhân được xác định nạn phá rừng “nhanh và triệt để” là việc các tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi rừng ồ ạt để trồng cao su, xây dựng thủy điện, các dự án nông nghiệp như trồng cây ăn quả, chăn nuôi… Hậu quả là hạn hán và lũ lụt xảy ra ngày càng khốc liệt. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố đóng cửa rừng Tây Nguyên để cứu lấy những cánh rừng tự nhiên còn sót lại.
Rừng tự nhiên bị chặt phá tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Rừng tự nhiên bị chặt phá tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Theo chủ trương của Chính phủ cho phép các tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su hoặc xây dựng các dự án thủy điện nhằm phát huy tốt nguồn tài nguyên đất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng. Lợi dụng chính sách này, nhiều doanh nghiệp (DN) đã được chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cho phép xây dựng dự án để trồng cao su và xây dựng các nhà máy thủy điện. Điều trớ trêu là các dự án lại nhằm vào các khu rừng nguyên sinh còn xanh tốt và nhanh chóng được chính quyền sở tại phê duyệt là rừng nghèo và nghèo kiệt để chuyển đổi. Thế là, hàng trăm ha rừng tự nhiên xanh tốt bị xóa sổ để đổi lấy những vườn cao su ngắc ngoải và những nhà máy thủy điện chỉ phát huy từ 50% đến 70% công suất vì thiếu nước phát điện vào mùa khô.
Nhiều cánh rừng tự nhiên của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín ở xã Quảng Thành (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) bị người dân xâm chiếm, chặt phá.
Nhiều cánh rừng tự nhiên của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín ở xã Quảng Thành (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) bị người dân xâm chiếm, chặt phá.
Rừng giàu hô biến thành rừng nghèo(!?) Theo đề xuất đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2009 – 2020 các tỉnh Tây Nguyên sẽ trồng mới 100.000ha cao su. Ngay sau khi được phê duyệt, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng chuyển đổi hàng ngàn ha rừng để trồng cao su. Đến năm 2015, diện tích rừng đã chuyển trồng cao su toàn vùng lên tới 164.000ha, gấp 1,5 lần so với chủ trương của Chính phủ cho phép. Nhiều cánh rừng giàu, xanh tốt bỗng nhiên bị hô biến xếp vào rừng “nghèo kiệt” để trồng cao su. Việc “vội vàng” chuyển đổi rừng giàu ồ ạt để trồng cao su được lý giải là khảo sát không kỹ, đánh giá chưa sát, sức ép di dân tự do, mục tiêu tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế…
Nhiều cánh rừng tự nhiên của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín ở xã Quảng Thành (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) bị người dân xâm chiếm, chặt phá.
Nhiều cánh rừng tự nhiên của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín ở xã Quảng Thành (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) bị người dân xâm chiếm, chặt phá.
Tại Đắk Lắk đã có nhiều dự án như vậy được triển khai. Những cánh rừng xanh tốt ở huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng…, bỗng chốc biến thành rừng “nghèo” để giao cho DN. Trong chuyến công tác mới đây, mục sở thị hiện trạng rừng tại huyện Ea H’leo, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Trừ - Cán bộ trạm bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Pả cho biết: Tại tiểu khu 120, 121 thuộc xã Ea Tir, huyện Ea H’leo là rừng có mật độ cây khá dày, trữ lượng gỗ thuộc loại giàu, thế nhưng vào năm 2010 đã được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 778ha đất lâm nghiệp cho Công ty TNHH SX-TM-DV-XNK Kim Huỳnh làm dự án trồng cao su và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Dự án cao su chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng hệ sinh thái rừng thì đã bị xóa sổ, còn diện tích giao công ty khoanh nuôi, bảo vệ cũng đang bị người dân chặt phá lấn chiếm không thương tiếc”. Hay trường hợp Công ty TNHH TM-DV-XNK Hoàng Gia Phát được giao 977ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 134, 138 thuộc xã Ea Jlơi, huyện Ea Súp để khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su vào năm 2010 cũng trong tình cảnh tương tự. Mặc dù được xếp vào loại rừng nghèo, nhưng trên thực tế rừng ở khu vực này thuộc hệ sinh thái rừng khộp, chủ yếu cây họ dầu cùng nhiều loại gỗ quý hiếm khác với mật độ khá dày có đường kính từ 15 - 60cm.
Rừng tự nhiên bị chặt phá tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Rừng tự nhiên bị chặt phá tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Trong cuộc đua chuyển đổi rừng trồng cao su thì Gia Lai cũng là tỉnh “cừ khôi”. Theo quy hoạch, tỉnh Gia Lai chuyển đổi trên 66.000ha đất rừng sang trồng cao su. Trong đó, có hơn 51.000ha rừng tự nhiên nghèo. Từ đó, UBND tỉnh Gia Lai đã cấp phép cho 17 DN lập 44 dự án thuê đất trồng cao su tại 5 huyện gồm: Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ, Ia Grai và Ia Pa. Mục tiêu đến năm 2015, chương trình chuyển đổi trồng cao su sẽ hoàn tất. Song đến nay chỉ trồng được một nửa so với kế hoạch (trồng hơn 25.000ha). Trong quá trình triển khai dự án, nhiều DN còn “vượt đèn đỏ” tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được UBND tỉnh cấp phép. Tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa), Công ty CP Trồng rừng công nghiệp Gia Lai (thuộc Công ty Hoàng Anh Gia Lai) được giao hơn 1.500ha đất nhưng mới trồng cao su được 817ha. Số diện tích còn lại DN tự ý trồng 34ha mía, 43ha cỏ và chuyển 4ha sang làm chuồng trại chăn nuôi bò.
Xe chở gỗ lậu chạy nghênh ngang trên đường ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
Xe chở gỗ lậu chạy nghênh ngang trên đường ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
Tại tỉnh Kon Tum, từ năm 2006 – 2011 đã cấp phép chuyển đổi rừng và đất rừng trồng cao su cho 10 đơn vị (56 dự án) với diện tích lên tới hơn 39.000ha. Trong đó, tại địa bàn xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) có 9 đơn vị được cấp phép với diện tích hơn 37.500ha. Từ trung tâm xã Mô Rai, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình vào các dự án trồng cao su. Tại dự án Làng thanh niên lập nghiệp, cây cao su đã gần hai tuổi được trồng cạnh những cây gỗ bị đốt cháy còn trơ gốc với đường kính từ 20cm đến 70cm. Đối xứng với cây cao su 2 năm tuổi là nhiều cây gỗ xanh tốt được chủ đầu tư giữ lại để làm cây che bóng.Điều khiến chúng tôi bất ngờ từ “cái gọi là rừng nghèo” để chuyển đổi sang trồng cao su là cánh rừng sắp được khai hoang còn hiện hữu nhiều cây gỗ lớn. Điều này chứng minh rằng: Trước khi trở thành vùng dự án chuyển đổi “rừng nghèo” sang trồng cao su, nơi đây là cánh rừng nguyên sinh xanh tốt.
Xe chở gỗ lậu chạy nghênh ngang trên đường ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
Xe chở gỗ lậu chạy nghênh ngang trên đường ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
Hay tại dự án do Công ty CP Đầu tư phát triển Duy Tân đang triển khai, những cây gỗ có đường kính vài chục centimet bị chặt phá không thương tiếc để trồng cao su. Người dân kêu ca, trong khi họ đang thiếu đất sản xuất nhưng vẫn bảo vệ rừng, không dám nghĩ đến việc phá rừng lấy đất để trồng cây cao su hay cây công nghiệp khác để kiếm kế sinh nhai thì DN lại được UBND tỉnh Kon Tum cho phép phá rừng để lấy đất trồng cao su thật là một nghịch lý. Vậy là những cánh rừng phòng hộ trên địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy đã bị DN xẻ thịt tận thu hàng ngàn m3 gỗ đưa đi tiêu thu và lấy đất trồng cao su.
Doanh nghiệp được chuyển đổi rừng trồng cao su ngay cạnh Vườn Quốc gia Chư Mon Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
Doanh nghiệp được chuyển đổi rừng trồng cao su ngay cạnh Vườn Quốc gia Chư Mon Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
Rừng mất nhiều, bù chẳng bao nhiêu Trong 10 năm kêu gọi đầu tư, toàn khu vực Tây Nguyên đã xây dựng khoảng 50 công trình thủy điện lớn nhỏ, đi theo đó là xóa sổ hơn 80.000ha rừng và đất rừng các loại. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều DN dù không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật nhưng đã lợi dụng chính sách phát triển thủy điện để xin dự án nhưng mục đích thực chất là khai thác khoáng sản, lâm sản. Một số dự án vận hành thành công thì không chịu trồng bù rừng thay thế hoặc chây ỳ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo kế hoạch, năm 2015, tỉnh Đắk Nông phải trồng rừng thay thế 1.000ha tại các dự án thủy điện có sử dụng đất rừng. Nhưng đến nay, tỉnh chỉ mới trồng thay thế được hơn 100ha rừng tại các dự án thủy điện. Tại Đắk Lắk, việc trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện cũng chỉ mới thực hiện được gần 200ha, trong khi kế hoạch phải trồng mới 1.200ha. Ở Gia Lai, đến nay thủy điện Tây Nguyên và thủy điện Đắk Ble vẫn chưa chịu trồng hơn 100ha rừng thay thế như cam kết         (theo baotainguyenmoitruong.vn)