Rừng ở Điện Biên có nguy cơ cạn kiệt cây gỗ nghiến

00:00 12/10/2020

Tại khu vực giáp ranh giữa huyện Tủa Chùa và huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đang xảy ra tình trạng người dân ngang nhiên vào rừng đốn hạ những cây gỗ nghiến cổ thụ để làm thớt . Rừng[-]ở[-]Điện[-]Biên[-]có[-]nguy[-]cơ[-]cạn[-]kiệt[-]cây[-]gỗ[-]nghiến Ảnh: TL Khai thác trái phép gỗ nghiến Có mặt tại trung tâm bản Hột, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa vào thời điểm giữa trưa, phóng viên chúng tôi đã nghe tiếng máy cưa gầm rú phía trong những cánh rừng quanh bản. Con đường mòn từ trung tâm bản Hột lên rừng toàn những dốc cao thẳng đứng đã trở nên lầy lội sau những cơn mưa. Trên quãng đường này, những cây gỗ nhỏ với đường kính 20- 40 cm bị đốn hạ nằm ngổn ngang bên đường. Có một số gỗ đã được cưa xẻ thành cột nhà, các thanh gỗ vuông vức xếp gọn bên đường. Gia đình ông Phương Chí Hoa có lán nằm trong khu rừng. Ông Hoa cho biết: “Tôi ở đây đã được gần 1 năm, hàng ngày có rất nhiều xe máy chạy qua đây để vào rừng, đến chiều xe lại chở thớt ra khỏi rừng. Ở đây tôi có thể nghe tiếng máy cưa xẻ hàng ngày”. Từ lán của ông Hoa, chỉ băng qua một quả đồi, chúng tôi phát hiện có hơn chục chiếc xe máy tập kết tại đây. Các xe ở đây chủ yếu là xe Win100, lốp được cuốn xích để tiện leo núi và bám đường khi đi đường lầy lội. Bắt đầu bước vào khu rừng rậm, phóng viên thấy một thân cây gỗ nghiến dài khoảng 30m, đường kính khoảng 50cm đã bị đốn hạ. Đi sâu vào khoảng 200m là một địa điểm khai thác trái phép khác. Tại đây, một thân cây gỗ nghiến với đường kính 1,3m đã bị đốn hạ. Các đối tượng khai thác trái phép chỉ bỏ lại phần gốc cây bị rỗng ruột và những mảnh vụn mỏng trong quá trình “chế tác” thớt nghiến, xung quanh mùn cưa vẫn còn rất mới. Từ vị trí này, càng đi sâu vào khu rừng, phóng viên càng phát hiện nhiều điểm khai thác gỗ của lâm tặc. Những khúc gỗ còn sót lại trong rừng đo được với đường kính từ 0,8-1,3m. Sau một khoảng thời gian luồn rừng, phóng viên tiếp cận được nhóm người đang khai thác gỗ trái phép. Tại đây, một cây gỗ nghiến với đường kính hơn 1m đã bị nhóm người này đốn hạ. Hai người đàn ông thay nhau dùng máy cưa để xẻ ngang thân cây thành những lát dày khoảng 5cm. Những người khác trong nhóm đẽo những lát gỗ thành những chiếc thớt tròn trịa. Theo người dẫn đường, trong nhóm người này còn có hai người là dân buôn, chờ đến cuối ngày, khi những chiếc thớt được hoàn thành, những người đi buôn sẽ mua lại thớt và vận chuyển ra khỏi rừng, mang đi tiêu thụ. Khi thấy người lạ xuất hiện, nhóm người này tạm dừng công việc, sau khi biết chúng tôi không phải lực lượng kiểm lâm, họ dùng nón che mặt lại, vô tư làm việc như không có chuyện gì xảy ra. Một thanh niên trong nhóm chia sẻ, những chiếc thớt nghiến được bán ngay tại rừng cho dân buôn với giá 50.000 đồng/cái. Mỗi ngày, một người thu được từ 50 – 100 nghìn đồng từ việc vào rừng cưa cây, đẽo thớt. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ ở trong khu rừng, phóng viên đã chứng kiến hàng chục thân cây gỗ nghiến cổ thụ bị đốn hạ. Theo người dẫn đường cho biết, trước đây khu rừng này rất nhiều gỗ nghiến, nhưng do bị khai thác trái phép, càng ngày cây gỗ nghiến càng trở nên thưa thớt.   Rừng[-]ở[-]Điện[-]Biên[-]có[-]nguy[-]cơ[-]cạn[-]kiệt[-]cây[-]gỗ[-]nghiến Trách nhiệm thuộc về ai? Trong khi phóng viên chỉ cần có mặt ở trung tâm xã cũng có thể nghe tiếng máy cưa thì Kiểm lâm địa bàn, Hạt kiểm lâm và chính quyền huyện Tủa Chùa đều cho rằng không có tình trạng khai thác rừng trái phép. Ông Giàng A Lử, Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã khẳng định rằng: “Không có tình trạng phá rừng. Nếu có, tôi ở đây sẽ nắm được hết”. Ông Lò Văn Sân, Quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa khẳng định: "Ở địa bàn xã Mường Đun, năm ngoái có hơn 100 m3 gỗ do gió bão làm đổ, Hạt Kiểm lâm đã báo cáo về tỉnh nhưng vẫn chưa có chỉ đạo, bởi vậy số gỗ đó vẫn nằm trong rừng, người dân lợi dụng lúc cán bộ Kiểm lâm không có mặt đã vào khai thác trộm những cây đổ từ năm ngoái, năm kia. Còn việc chặt hạ mới, tôi khẳng định là không có". Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa Lê Thanh Bình cũng khẳng định: "Thời gian qua, tại một số xã, đặc biệt là Mường Đun và Tủa Thàng, người dân có sang khu vực giáp ranh rừng của huyện Tuần Giáo để khai thác gỗ nghiến làm thớt. Còn trên địa bàn huyện Tủa Chùa, trong thời gian qua cơ bản không để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép”. Trong khi chính chủ rừng là người dân bản Hột và bản Kép khẳng định nơi xảy ra tình trạng khai thác trái phép gỗ nghiến thuộc địa phận xã Mường Đun thì lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa lại cho rằng những vị trí đó thuộc địa phận xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo. Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa cũng đã đề nghị phóng viên dẫn đến những điểm mà phóng viên phản ánh. Tại các vị trí này, cán bộ Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã dùng máy GPS để xác định tọa độ. Ông Trần Đức Quyền, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa khẳng định những vị trí này thuộc địa phận xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, không thuộc địa phận xã Mường Đun của huyện Tủa Chùa. Thế nhưng, tại buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cán bộ của Chi cục nhập 2 tọa độ phóng viên cung cấp vào bản đồ, kết quả cả 2 vị trí này đều thuộc đất xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa. Như vậy, phải chăng Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa đang cố tình đẩy trách nhiệm cho huyện Tuần Giáo? Về phía Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo, Hạt trưởng Đinh Văn Cường thừa nhận có tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép tại địa phận xã Phình Sáng, đặc biệt là khu vực giáp ranh với xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa. Theo ông Cường, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, nhưng thời gian này việc khai thác trái phép đã được hạn chế. Tuy nhiên, do lực lượng Kiểm lâm địa bàn quá mỏng, hiện nay, cả 2 xã Phình Sáng và Rạng Đông với diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 10.000 ha, thế nhưng chỉ có 1 Kiểm lâm địa bàn phụ trách. Làm rõ trách nhiệm của ngành Kiểm lâm khi để xảy ra tình trạng này, ông Nguyễn Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: “Chi cục sẽ tiến hành kiểm tra sự việc mà phóng viên phản ánh để xác minh địa phận và có phương án xử lý. Đối với cán bộ Kiểm lâm địa bàn, khi xảy ra tình trạng khai thác, chặt phá hoặc cháy rừng mà không phát hiện, không ngăn chặn được kịp thời thì phải xem xét trách nhiệm để xử lý..." Khu vực có cây gỗ nghiến tập trung nằm ở vùng giáp ranh giữa hai huyện của tỉnh Điện Biên là Tủa Chùa, Tuần Giáo và giáp với huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Thời gian qua, tại khu vực rừng giáp ranh này luôn "nóng" tình trạng người dân ồ ạt khai thác gỗ nghiến trái phép để làm thớt. Một số vị trí rừng bị khai thác trái phép vẫn nằm trong khu vực chưa được xác định rõ thuộc địa bàn địa phương nào quản lý và chịu trách nhiệm. Trong khi chính quyền các địa phương vẫn chưa xác định được ranh giới thì nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên vào rừng khai thác gỗ trái phép. Những cánh rừng đang thưa dần những cây gỗ nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nếu lực lượng chức năng không kịp thời ngăn chặn, thì việc rừng Điện Biên không còn cây gỗ nghiến chỉ là vấn đề thời gian. Theo tinmoitruong.vn