Rốt ráo trả nợ văn bản hướng dẫn luật

00:00 12/10/2020

Ngày 1/7/2016, 18 luật mới sẽ có hiệu lực nhưng nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hiện vẫn đang trong giai đoạn soạn thảo.

Theo Bộ Tư pháp, có khả năng nhiều văn bản không thể kịp ban hành trước 1/7.
Nợ nhiều văn bản hướng dẫn
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, hiện còn nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật có hiệu lực trước và kể từ ngày 1/7 chưa được ban hành. Qua rà soát, hiện còn 86 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa được ban hành. Trong đó, có 37 Nghị định, Quyết định cần được ban hành để quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7 và thậm chí một số luật có hiệu lực trước đó. Số còn lại là 49 Nghị định quy định các điều kiện về đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư cũng phải được ban hành để hướng dẫn thi hành.
Luật An toàn thông tin mạng 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 (ảnh minh họa).
Luật An toàn thông tin mạng 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 (ảnh minh họa).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, do số lượng luật, pháp lệnh và các yêu cầu đặt ra khá lớn và phải thực hiện trong thời gian ngắn. Một số nội dung cần hướng dẫn, quy định chi tiết trong luật, pháp lệnh tương đối mới và phức tạp. Trong một số trường hợp, các luật, pháp lệnh cũng chưa quy định rõ. Vì số lượng văn bản lớn nên các bộ, ngành phải cố gắng và Bộ Tư pháp phải thẩm định, nên cả cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra của Văn phòng Chính phủ đều phải chịu sức ép lớn.
Tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng văn bản, khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 6/2016 đối với 29 văn bản đang trong tình trạng nợ ban hành và 112 văn bản quy định chi tiết các luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7, và đặc biệt 37 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng chính phủ cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tiến độ. Đồng thời, chủ động đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ để quy định các nội dung được giao liên tịch trong luật đối với trường hợp không kịp ban hành thông tư liên tịch trước 1/7. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cử các chuyên gia đến từng bộ, ngành, đặc biệt là nơi có khó khăn, vướng mắc để hiến kế về pháp lý, cùng các bộ, ngành tháo gỡ.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, đến giai đoạn thẩm tra của Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia Bộ Tư pháp cũng tham gia cùng các bộ, ngành. Đây là một số biện pháp mà Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành đang tiến hành để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, nhưng phải đảm bảo yêu cầu, chất lượng của văn bản.
18 luật có hiệu lực từ 1/7/2016: 1. Bộ Luật Hình sự 2015; 2. Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015; 3. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015; 4. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; 5. Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015; 6. Luật Tố tụng Hành chính 2015; 7. Luật sửa đổi các luật về thuế 2016; 8. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; 9. Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; 10. Luật Trưng cầu ý dân 2015; 11. Luật An toàn thông tin mạng 2015; 12. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015; 13. Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015; 14. Luật Thú y 2015; 15. Luật Khí tượng thủy văn 2015; 16. Luật Thống kê 2015; 17. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015;18. Luật Điều ước quốc tế 2016.
Thái San/Kinhtedothi.vn