"Rộng cửa" cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu

00:00 12/10/2020

Với việc cởi bỏ một số quy định về điều kiện đối với doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu ra thị trường, 2019 có thể sẽ là năm chuyển động của trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/2/2019 vừa được Chính phủ ban hành, doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 1 năm trở lên kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ được phát hành trái phiếu.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

Doanh nghiệp "không Thánh Gióng" cũng dễ phát hành 

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động hoặc để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Mục đích phát hành phải được doanh nghiệp nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu theo quy định tại Nghị định này.

Doanh nghiệp hạ tầng được xem là nhóm có nhu cầu phát hành trái phiếu huy động vốn trung và dài hạn mạnh để thực thi các dự án. Ảnh: Cầu Rạch Miễu nối hai bờ Tiền Giang-Bến Tre.

Đây được xem là điểm mới, tích cực nhất trong Nghị định so với quy định trước đây (cũ (NĐ 90/2011/NĐ-CP).

Theo quy định trước đây, để đạt điều kiện phát hành riêng lẻ trái phiếu thì doanh nghiệp phải có kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành có lãi. Tức doanh nghiệp phải có ít nhất khoảng 2 năm hoạt động và ngay từ khi “chào đời” ở năm đầu tiên đã phải kinh doanh có lãi ngay – nếu xét trên tiêu chỉ đảm bảo đủ điều kiện về thời gian để được phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Trên thực tế, rất hiếm hoi doanh nghiệp “Thánh Gióng” – vừa mới sinh ra đã biết nói, biết cười, có thể kinh doanh có lãi được ngay ở năm đầu tiên – nếu không muốn nói là gần như không có doanh nghiệp đạt tăng trưởng kinh doanh với tốc độ “thần kỳ” như vậy. Do đó, cũng trên thực tế, thông thường những doanh nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ phải là doanh nghiệp lớn, có chặng đường kinh doanh khá ổn định. Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu huy động vốn cao, gần như không có. Trong khi đây cũng chính là nhóm doanh nghiệp mà theo thống kê, phần lớn phải “vay mượn người thân” hoặc chịu lãi vay cao từ bên ngoài thay cho kênh tín dụng hay được sử dụng công cụ nợ, để trang trải cho nhu cầu huy động ban đầu.

Và phát hành được

Nghị định 163 quy định: Việc sử dụng vốn huy động được từ phát hành trái phiếu phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài việc tuân thủ quy định nêu trên, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án bảo vệ môi trường theo phương án phát hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Và như phân tích ở trên, với quy định mới tại Nghị định 163 vừa ban hành không yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi mà chỉ cần có báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định.

Ngoài ra, tại Nghị định 163, doanh nghiệp phát hành được mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu để giảm nợ hoặc cơ cấu lại nợ.

Trường hợp dự kiến trái phiếu phát hành có thể được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể tại bản công bố thông tin trước đợt phát hành về việc mua lại trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu.

Như vậy, cả 2 điều kiện ban đầu về phát hành trái phiếu riêng lẻ hay ứng xử với trái phiếu trong cơ chế thỏa thuận với trái chủ-nhà đầu tư, đều được “đá bóng” chủ động tích cực hơn cho doanh nghiệp. Quyền chủ động về tay doanh nghiệp, đồng thời cũng đảm bảo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về công bố thông tin, thực thi kiểm toán, công khai thông tin đối với việc mua hoặc hoán đổi trái phiếu – không “tù mù” như trước.

Với những quy định mới tích cực, dù Nghị định còn gần 2  tháng nữa mới bắt đầu có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tính toán đến việc đưa hoạt động huy động vốn bằng phát hành chứng khoán nợ vào kế hoạch ở mùa đại hội cổ đông thường niên tới đây.

Một chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh lãi suất cho vay có thể tăng khi lãi suất huy động cuối năm đã thay bảng biểu tại các quầy giao dịch nhà băng từ cả mấy tháng trước, đặc biệt tín dụng cho khối bất động sản được dự báo sẽ bị siết chặt, thì năm 2019 có thể sẽ là năm doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến kênh trái phiếu – huy động vốn dài hạn. Và dù còn nhiều rào cản, dù thị trường còn chờ đợi nhiều hơn những giải pháp đồng bộ với sự tham gia của các công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, các đơn vị kiểm toán độc lập…, thì những quy định mới đang giúp triển vọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sáng sủa hơn. Đây cũng sẽ là bước đi cần thiết để hoàn thiện dần hành lang pháp lý thông thoáng, kích hoạt thị trường trái phiếu, đặc biệt là thị trường thứ cấp với sự tham gia của doanh nghiệp, mang đến lượng hàng hóa nhiều lựa chọn hơn.